|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại có tuần bán ròng đột biến hơn 7.800 tỷ đồng, mã nào là tâm điểm?

20:19 | 01/06/2024
Chia sẻ
Trong tuần VN-Index tiếp đà điều chỉnh, khối ngoại tiếp tục xả ròng hơn 7.800 tỷ đồng trong tuần vừa qua, trong đó tâm điểm là phiên 30/5 khi họ bán ròng đột biến gần 3.300 tỷ đồng.

VN-Index đóng cửa tuần giao dịch cuối tháng 5 tại 1.261,72 điểm, giảm 0,21 điểm tương đương 0,02% so với cuối tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 25.413 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản bình quân phiên ở mức 22.196 tỷ đồng, giảm 21,9% so với tuần trước đó nhưng vẫn tăng 11,9% so với trung bình 5 tuần gần đây.

Xét theo ngành, giá trị giao dịch bình quân phiên giảm trên diện rộng, tiêu biểu là nhóm bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thép, hóa chất với chỉ số giá giảm. Ngược lại, cổ phiếu các ngành điện, hàng không, gỗ, bảo hiểm nhân thọ ghi nhận thanh khoản và giá cùng tăng.

Bên chiều giảm điểm, ba mã ảnh hưởng tiêu cực nhất là VCB, BID và VIC với mức tác động lần lượt 4,09 điểm, 2,91 điểm và 1,28 điểm. Ở phía đối diện, HVN tăng gần 15% trong tuần giúp VN-Index có thêm 2,08 điểm trở thành cổ phiếu ảnh hướng tích cực nhất đến thị trường chung.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Liên quan đến giao dịch của các nhóm nhà đầu tư, khối ngoại tiếp tục xả ròng hơn 7.800 tỷ đồng trong tuần vừa qua, trong đó tâm điểm là phiên 30/5 khi họ bán ròng đột biến gần 3.300 tỷ đồng.

Trên HOSE, NĐT nước ngoài chưa ngừng xả ròng với tổng quy mô 6.118 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 5.493 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu CTG bị xả ròng mạnh nhất với giá trị hơn 1.006 tỷ đồng. Hoạt động xả ròng mạnh mẽ cổ phiếu này tuần qua đưa CTG lên Top2 mã bị bán ròng mạnh nhất trong tháng 5.

Trước áp lực chốt lời, cổ phiếu của VietinBank đã giảm gần 2% trong tuần kéo VN-Index giảm 0,9 điểm và đứng thứ 6 trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index.

Đứng thứ hai trong danh mục xả ròng của khối ngoại là cổ phiếu VHM với gần 825 tỷ đồng. Cùng chiều, danh mục các mã bị NĐT ngoài bán ròng mạnh nhất còn có nhiều đại diện thuộc nhóm vốn hóa lớn và trung bình như VNM (468 tỷ đồng), VND (438 tỷ đồng), HPG (401 tỷ đồng), VCB (389 tỷ đồng), MWG (329 tỷ đồng), MBB (277 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu TCB dẫn đầu danh mục Top 10 mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 161 tỷ đồng trong tuần.

Bên cạnh đó, FPT và POW cũng được mua ròng lần lượt 123 tỷ và 110 tỷ đồng. Danh mục Top10 gom ròng còn có sự góp mặt của PVT, TCH, BWE, BAF, VDS, FRT, NVL với quy mô dưới 100 tỷ đồng.

Trên HNX, NĐT nước ngoài mua ròng 2/5 phiên với giá trị gần 33,4 tỷ đồng, tương đương khối lượng gần 300.000 đơn vị.

Trong đó, khối ngoại mua ròng 24,1 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam. Theo sau là MBS (23,6 tỷ đồng) và những giao dịch tương tự như GKM (23,4 tỷ đồng), BVS (4,4 tỷ đồng) và VGS (2,9 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O dẫn đầu bên bán với giá trị gần 24,7 tỷ đồng. Mã cũng bị rút ròng 24,7 tỷ đồng. Cùng chiều, NĐT ngoại cũng bán ròng các mã DTD (5,3 tỷ đồng), PLC (3,7 tỷ đồng), PVI (3,6 tỷ đồng) và TNG (3,4 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 4/5 phiên trong tuần qua với tổng giá trị gần 1.732 tỷ đồng, tương đương khối lượng gần 112 triệu cổ phiếu.

Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng đột biến 1.626,8 tỷ đồng ở cổ phiếu MSR của Masan High-Tech Materials, giao dịch được thực hiện trong phiên 30/5.

Cụ thể, ngày 30/5 xuất hiện giao dịch thỏa thuận 109.915.542 cổ phiếu MSR của Masan High-Tech Material tại mức giá 14.800 đồng/cp, tương ứng với tổng giá trị 1.626,75 tỷ đồng (gần 64 triệu USD). Bên bán ra là khối ngoại và lực cầu đối ứng là nhà đầu tư trong nước.

Khối lượng cổ phiếu giao dịch trên tương đương với lượng cổ phiếu do Mitsubishi Materials Corporation - cổ đông lớn thứ hai của Masan High-Tech Material thực hiện. Trước đó, tổ chức đến từ Nhật Bản đã bán ra toàn bộ lượng cổ phiếu trên trong khoảng thời gian từ ngày 30/5 đến ngày 10/6. Như vậy, khả năng cao tổ chức trên đã thức hiện bán ra ngay trong ngày đầu tiên đăng ký giao dịch.

Theo sau là các giao dịch tương tự với giá trị thấp hơn như VEA (40,5 tỷ đồng), MCH (25,8 tỷ đồng), VGI (17,5 tỷ đồng) và LTG (8,9 tỷ đồng), …

Ở phía đối diện, khối ngoại mua ròng 11,2 tỷ đồng ở cổ phiếu QNS. Cùng chiều, giao dịch giải ngân còn được chứng kiến ở các mã DHC (2,7 tỷ đồng), ABI (2,3 tỷ đồng), HPP (1,3 tỷ đồng), QTP (0,6 tỷ đồng), …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thu Thảo

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.