Khi các hãng công nghệ đối phó với 'mùa đông kinh tế' đang đến
“Mùa đông kinh tế” đang tới
Ông Nhậm Chính Phi (77 tuổi), người sáng lập hãng Huawei, nói với các nhân viên rằng họ nên tập trung vào lợi nhuận và dòng tiền thay vì doanh thu để đảm bảo cho sự tồn tại của công ty trong ba năm tới, theo hãng truyền thông Yicai (Trung Quốc).
"Với nguyên tắc chính là tồn tại, các hoạt động kinh doanh cận biên sẽ bị thu hẹp, đóng cửa và mọi người sẽ cảm thấy ớn lạnh", ông Nhậm Chính Phi đã viết trong một email cho nhân viên.
Ông Nhậm Chính Phi cho biết Huawei sẽ thu hẹp quy mô hoặc thoái vốn các hoạt động kinh doanh không cốt lõi, báo hiệu rằng có thể sẽ cắt giảm nhiều việc làm hơn sau khi số lượng nhân viên của công ty giảm 2.000 vào năm 2021, mức giảm đầu tiên kể từ 2008.
Báo cáo cho biết Huawei sẽ "bỏ cuộc hoàn toàn" ở một số quốc gia không xác định, trong khi năm tới sẽ giảm đầu tư, mở rộng "mù quáng" và duy trì nhịp điệu kinh doanh phù hợp.
Nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục suy giảm trong thập kỷ tới, trong khi chiến tranh, "sự phong tỏa tiếp tục" từ Mỹ và đại dịch sẽ để lại "không có điểm sáng trên thế giới" trong 3-5 năm tới, tờ Yicai trích dẫn lời ông Nhậm Chính Phi.
Chung quan điểm với người đứng đầu Huawei, nghiên cứu mới nhất của World Bank ước tính, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 sẽ tụt xuống còn 0,5% và tính theo đầu người sẽ giảm khoảng 0,4%. Điều này thoả mãn định nghĩa kỹ thuật về suy thoái toàn cầu.
Đóng băng tuyển dụng và đầu tư
Ngày 27/7, thời điểm Meta, công ty sở hữu Facebook, công bố báo cáo tài chính quý II, CEO Mark Zuckerberg cho biết các khoản đầu tư dài hạn đang chậm lại do doanh thu bắt đầu sụt giảm.
Chỉ một ngày sau, Apple, một đối thủ mới nổi của Meta trên thị trường metaverse (vũ trụ ảo), cho biết rằng họ sẽ “cân nhắc kỹ hơn” trong việc tuyển dụng lao động liên quan tới lĩnh vực này. Trong khi đó, Alphabet, công ty mẹ Google, nói rằng họ đã tránh nói về cuộc cách mạng internet tiếp theo với những công nghệ như thực tế tăng cường, đồng thời đóng băng tuyển dụng.
Trong một bức thư gửi nhân viên hôm 8/11, CEO Meta Mark Zuckerberg cho biết công ty mẹ Facebook đã bắt đầu sa thải 13% nhân viên, tương đương hơn 11.000 người. "Hôm nay, tôi sẽ chia sẻ những thay đổi khó khăn nhất trong lịch sử của Meta", vị CEO viết trong bức thư. "Tôi đã quyết định giảm quy mô lực lượng lao động khoảng 13%, và để hơn 11.000 nhân viên tài năng rời khỏi công ty", ông cho biết.
Ông cho biết Meta đang cố gắng trở thành một công ty tinh gọn, hiệu quả thông qua việc cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết và đóng băng tuyển dụng đến hết quý I/2023.
Không chỉ những gã khổng lồ công nghệ phương Tây, ngay cả những công ty internet hàng đầu châu Á hiện nay cũng đang thực hiện chiến lược dừng tuyển dụng và sa thải nhân sự.
Đơn cử, ông lớn Alibaba Group Holding của Trung Quốc mới đây xác nhận đã sa thải gần 10.000 nhân viên chỉ trong quý II, khi gã khổng lồ thương mại điện tử này phải vật lộn với doanh số bán hàng trì trệ trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng yếu đi và những khó khăn kinh tế ngày càng lan rộng trong nước.
Tổng cộng đã có 9.241 nhân viên Alibaba, doanh nghiệp có trụ sở tại Hàng Châu, mất việc trong quý II. Điều này đã khiến tổng nhân sự của Alibaba giảm từ 256.941 người vào cuối quý I xuống còn 245.700 người vào cuối quý II. Con số này cũng thấp hơn mức 254.702 người vào cuối quý II/2021.
Như vậy, chỉ tính trong nửa đầu năm nay, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc đã sa thải hơn 13.600 nhân sự, điều này đánh dấu mức giảm quy mô biến chế lớn đầu tiên của công ty kể từ tháng 3/2016.
Trước đó, chủ sở hữu mạng xã hội TikTok, kỳ lân lớn nhất thế giới ByteDance sẽ giải tán một trong những studio chính trong lĩnh vực game của mình do những kết quả đáng thất vọng, theo Nikkei.
Tìm về những giá trị cũ
Trong bức tâm thử gửi nhân viên mới đây, ông Nhậm Chính Phi đã nhắn nhủ với nhân viên Huawei rằng: “Lợi nhuận và dòng tiền phải tăng lên ngay cả khi doanh số bán hàng đi xuống. Tôi khuyến khích mọi người chiến đấu vì lợi nhuận thay vì t ăng trưởng doanh thu và mở rộng quy mô. Thời điểm hiện tại, có rất nhiều sự bất ổn đối với nền kinh tế vĩ mô. Do đó, mỗi bước đi của doanh nghiệp cần được tính toán kỹ hơn”.
Đầu tháng 8, trong báo cáo của mình Huawei cho biết lợi nhuận nửa đầu năm đã giảm 50% so với một năm trước xuống còn 15,1 tỷ nhân dân tệ (2,2 tỷ USD), trong khi doanh thu cũng giảm 6% xuống còn 44 tỷ nhân dân tệ.
Trong nửa đầu năm nay, công ty đã chứng kiến doanh số bán thiết bị cầm tay giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu từ các đơn vị kinh doanh phần mềm doanh nghiệp và nhà mạng đều tăng trưởng.
Do đó, ông Nhậm đề cập tới tầm quan trọng trong truyền thống của công ty là ICT (công nghệ thông tin và truyền thông). Ông nói: “Chúng ta phải rõ ràng rằng xây dựng cơ sở hạ tầng ICT là sứ mệnh lịch sử của Huawei, và càng khó khăn, chúng ta càng không thể dao động”.
Tương tự Huawei, sau một thời gian mải mê trong vũ trụ ảo, Meta cũng đang tìm cách quay lại với các mảng kinh doanh truyền thống. Đầu tháng 8, tờ CNBC cho biết Meta đang tập trung vào WhatsApp Business để giúp các doanh nghiệp nhỏ giữ liên lạc với khách hàng, cung cấp cách để họ trực tiếp tương tác, tìm kiếm sản phẩm và thể hiện sở thích mua hàng.
Công ty sẽ sớm tung ra một dịch vụ cao cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và nó sẽ tăng gấp đôi trên một định dạng quảng cáo mới hơn được gọi là “click-to-message”, cho phép người tiêu dùng nhấp vào quảng cáo của công ty trong Facebook hoặc Instagram và trực tiếp bắt đầu cuộc trò chuyện với doanh nghiệp đó trên Messenger, Instagram hoặc WhatsApp.
Các nhà phân tích cho hay, Mark Zuckerberg đang đặt cược vào metaverse như một chương mới của tương lai, nhưng hiện tại mảng kinh doanh này đang thua lỗ. Chính vì vậy, Giám đốc điều hành Meta đã nhấn mạnh rằng trong ngắn hạn, WhatsApp sẽ là một trong những sáng kiến cần tập trung vào để công ty đạt được tăng trưởng.
Trước tình hình kinh tế không chắc chắn và mức chi tiêu quảng cáo ngày càng chậm lại, mà trong đó Google là doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất, mới đây, CEO Sundar Pichai cũng đã chia sẻ về kế hoạch tái cơ cấu để công ty hoạt động hiệu quả hơn.
Vị CEO dẫn chứng về việc hợp nhất giữa dịch vụ nhạc Google Play Music truyền thống và YouTube Music thành một sản phẩm đang mang lại hiệu quả ra sao. “Chúng tôi có rất nhiều thứ cần phải làm, nhưng chúng tôi có thể đi chậm một chút để đưa ra quyết định chính xác hơn. Dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi cần xem xét một vấn đề từ đầu đến cuối và tìm ra cách làm cho công ty đạt hiệu quả cao hơn 20%”, ông Pichai nói.
Trong khi đó, ông Nhậm Chính Phi của Huawei kết luận rằng, thời gian tới là lúc các doanh nghiệp cần nhìn vào thực tế: “Không còn câu chuyện nào nữa, chúng ta phải nói về thực tế. Chúng ta phải sống sót trước tiên, và chúng ta sẽ có tương lai nếu chúng ta có thể sống sót”, ông Nhậm chia sẻ.