|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

[Infographic] Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 10 tháng đầu năm: Sản xuất công nghiệp khởi sắc, DN quay lại hoạt động tăng

09:41 | 29/10/2021
Chia sẻ
Báo cáo kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021 cho thấy một số chỉ số lấy lại đà phục hồi, sản xuất công nghiệp trong tháng 10 khởi sắc khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, tình hình đăng ký doanh nghiệp có tín hiệu tích cực.

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021. 

Về sản xuất nông nghiệp, trong tháng 10 tập trung vào chăm sóc, thu hoạch lúa mùa, lúa thu đông trên cả nước và gieo trồng cây màu vụ đông ở phía Bắc. 

Chăn nuôi gặp khó khăn do giá bán thấp, nguồn cung tăng trong khi nhu cầu về thực phẩm vẫn thấp do tác động của dịch bệnh. 

Trong khi đó, sản xuất lâm nghiệp có nhiều thuận lợi khi các địa phương gỡ bỏ giãn cách xã hội, hoạt động trồng rừng và khai thác gỗ bắt đầu vào đà tăng để đạt kế hoạch năm 2021. 

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang dần phục hồi sản xuất, tăng công suất hoạt động. Chuỗi cung ứng sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản dần được hồi phục.

[Infographic] Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 10 tháng đầu năm: Sản xuất công nghiệp khởi sắc, DN quay lại hoạt động tăng - Ảnh 1.

Sản xuất công nghiệp trong tháng 10 khởi sắc khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành khai khoáng giảm 7,2%; ngành chế biến, chế tạo giảm 1,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,5%.

Tính chung 10 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,5% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,1%), đóng góp 3,99 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,4%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7%, làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

[Infographic] Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 10 tháng đầu năm: Sản xuất công nghiệp khởi sắc, DN quay lại hoạt động tăng - Ảnh 2.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu có sự phục hồi, những tín hiệu tích cực trong tình hình đăng ký doanh nghiệp cho thấy sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp trong việc Chính phủ chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả. Số doanh nghiệp thành lập mới tháng 10/2021 tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với tháng trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8% so với tháng trước.

[Infographic] Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 10 tháng đầu năm: Sản xuất công nghiệp khởi sắc, DN quay lại hoạt động tăng - Ảnh 3.

Về tình hình đầu tư, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước tháng 10/2021 ước đạt 41.700 tỷ đồng, tăng 18,6% so với tháng 9/2021. 

Tính chung 10 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 318.600 tỷ đồng, bằng 64,7% kế hoạch năm và giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 67,8% và tăng 31,6%).

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/10/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng năm 2021, ước tính đạt 15,15 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng năm 2021 có 48 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 218,3 triệu USD, giảm  30,6% so với cùng kỳ năm trước; có 18 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 427,7 triệu USD, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 646 triệu USD, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước.

[Infographic] Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 10 tháng đầu năm: Sản xuất công nghiệp khởi sắc, DN quay lại hoạt động tăng - Ảnh 4.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 năm 2021 ước tính đạt 357,9 tỷ đồng tăng 18,1% so với tháng trước và giảm 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021 đạt 3.720,4 nghìn tỷ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 10,3% (cùng kỳ năm 2020 giảm 4,5%).

Theo Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 dần được kiểm soát, nhiều địa phương triển khai “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ nên hoạt động thương mại trong nước và vận tải khôi phục trở lại trong tháng 10. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 10 giảm 0,4% so với tháng 9 và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung 10 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,45 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,63 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,73 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 21,28 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12/2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%.

[Infographic] Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 10 tháng đầu năm: Sản xuất công nghiệp khởi sắc, DN quay lại hoạt động tăng - Ảnh 5.

Vận tải hành khách tháng 10 ước tính đạt 120,6 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 47,2% so với tháng trước và luân chuyển 3,5 tỷ lượt khách.km, tăng 41,6%. 

Tính chung 10 tháng năm 2021, vận tải hành khách đạt 2.140,5 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 27,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 29,7%) và luân chuyển 86,3 tỷ lượt khách.km, giảm 34,9% (cùng kỳ năm trước giảm 35,4%).

Vận tải hàng hóa tháng 10 ước tính đạt 135,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 13,5% so với tháng trước và luân chuyển 26,9 tỷ tấn.km, tăng 10,7%. Tính chung 10 tháng năm 2021, vận tải hàng hóa đạt 1.335,3 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,5%) và luân chuyển 269,8 tỷ tấn.km, giảm 1,4% (cùng kỳ năm trước giảm 8,8%).

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 10 ước tính đạt gần 10.600 lượt người, tăng 11,1% so với tháng trước và giảm 28,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 125.100 nghìn lượt người, giảm 96,7% so với cùng kỳ năm trước.

[Infographic] Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 10 tháng đầu năm: Sản xuất công nghiệp khởi sắc, DN quay lại hoạt động tăng - Ảnh 6.

 

Anh Đào