|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

[Infographic] Không những tốn nhiều năng lượng, khai thác bitcoin còn thải ra một lượng khí CO2 khổng lồ, gấp hàng chục lần vàng

06:30 | 19/07/2021
Chia sẻ
Vàng vật chất và bitcoin, tài sản được mệnh danh là "vàng kỹ thuật số", thường xuyên được đưa lên bàn cân với nhau. Có một điểm bitcoin chắc chắn "nổi trội" hơn vàng: mức phát thải khí nhà kính khổng lồ mà đồng tiền ảo này tạo ra.

Năm ngoái, đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế thế giới cũng như các thị trường tài chính lớn, từ đó tạo ra rất nhiều bất ổn và biến động. Điều này khiến các nhà đầu tư tìm đến những tài sản thay thế có độ an toàn cao như vàng hay bitcoin.

Cũng từ đó, bitcoin dần hâm nóng sức hút và ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư mới. Trong nửa đầu năm nay, giá bitcoin liên tục xô đổ kỷ lục và chạm ngưỡng cao nhất mọi thời đại - gần 65.000 USD/BTC.

Dù giá của đồng tiền ảo lớn nhất thế giới đã giảm đáng kể trong thời gian gần đây do chiến dịch trấn áp của chính phủ các nước trên thế giới, sức hút của bitcoin vẫn còn rất lớn.

Bitcoin tồn tại trong một hệ thống điện tử gọi là blockchain chứ không phải là một tài sản vật chất. Tuy nhiên, do ngày càng có nhiều người chấp nhận đồng tiền ảo này, mức tiêu thụ năng lượng và tác động của bitcoin đối với môi trường càng lớn.

Infographic của Visual Capitalist dưới đây sẽ trình bày một số thông tin đáng chú ý về mức phát thải khí nhà kính của vàng và bitcoin - loại tài sản đang được nhiều nhà đầu tư coi là "vàng kỹ thuật số" thay thế cho vàng vật chất.

âs - Ảnh 1.

(Đồ họa: Visual Capitalist/Prospector Portal).

Giá càng tăng nóng, bitcoin càng nổi tiếng trong giới đầu tư

Tại thời điểm đầu tháng 5 năm nay, vốn hóa của thị trường bitcoin đạt khoảng 1.050 tỷ USD, chỉ tương đương 9% vốn hóa 11.670 tỷ USD của thị trường vàng. Mặc dù vậy, lợi nhuận mà đồng tiền ảo này mang lại cho nhà đầu tư đang đe dọa vị thế của vàng, vốn là một tài sản trú ẩn trong thời kỳ thị trường đầy bất ổn.

Năm ngoái, giá vàng tăng mạnh mẽ 25,12% so với một năm trước đó và đạt mức đỉnh lịch sử là 2.067 USD/ounce vào tháng 8. Tuy nhiên, giá của bitcoin lại tăng trưởng nóng 536,7% trong giai đoạn tháng 5/2020 - 5/2021, bỏ xa lợi nhuận của các loại tài sản khác trong cùng khung thời gian.

Theo dữ liệu của hãng tin Reuters, các nhà đầu tư đã rót khoảng 5,6 tỷ USD vào các quỹ và sản phẩm tiền ảo trong năm 2020, nhảy vọt hơn 600% so với năm 2019. Điều này đã giúp số lượng giao dịch bitcoin tăng mạnh, các thợ đào cần phải tiêu thụ nhiều năng lượng hơn để tạo ra các đồng tiền mới phục vụ nhu cầu nhà đầu tư.

Đào vàng không xả thải bằng đào bitcoin

Đào bitcoin là quá trình đưa đồng bitcoin mới vào lưu thông. Cứ khoảng 10 phút một lần, một "khối" mới lại được thêm vào chuỗi blockchain của bitcoin. Người đầu tiên xác minh các giao dịch trị giá 1 megabyte trên blockchain và xác định chính xác dãy số thập lục phân gồm 64 chữ số liên kết với khối mới sẽ nhận được 6,25 bitcoin như một phần thưởng.

Trên thực tế, tìm đúng dãy số thập lục phân trên là một công việc mang tính phỏng đoán và cần rất nhiều năng lực tính toán. Do đó, các thợ đào sẽ sử dụng hệ thống máy tính công suất cao để giải toán. Hoạt động này tiêu thụ cực kỳ nhiều điện năng, và do đó xả lượng lớn khí CO2 ra môi trường.

Bank of America ước tính, khoản đầu tư 1 tỷ USD vào bitcoin tạo ra lượng khí thải carbon tương đương lượng phát thải của 1,2 triệu chiếc xe ô tô chạy bằng xăng trong vòng một năm.

Hoặc như hai nhà nghiên cứu Max Krause và Thabet Tolaymat tính toán sơ bộ vào năm 2018, cần 1.312 tia sét hoặc lái xe gần 2 triệu km để tạo đủ năng lượng để đào được 1 bitcoin.

Bộ đôi nhà nghiên cứu này cho biết, cần 17 megajoule (MJ) năng lượng máy tính để tạo ra 1 USD bitcoin, trong khi chỉ cần 5 MJ năng lượng để sản xuất được 1 USD vàng. Nếu đưa hai loại tài sản về cùng một giá trị tính theo đồng USD, giá 1 bitcoin tương đương giá của 31,2 ounce vàng. 

Lượng khí thải carbon của 1 bitcoin lên tới 191 tấn, trong khi hoạt động đào 31,2 ounce vàng chỉ tạo ra 13 tấn CO2, theo Chỉ số Tiêu thụ Năng lượng của Bitcoin do Digiconomist tổng hợp. Như vậy, hoạt động khai thác bitcoin ngày nay tạo ra lượng khí CO2 cao gần 15 lần so với 31,2 ounce vàng. 

Nội dung: Khả Nhân - Hiệu chỉnh đồ họa: Đức Bùi