|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hành trình trở thành kỳ lân của MoMo: Ban đầu là một ứng dụng thẻ SIM, liên tục được quỹ ngoại rót vốn

14:04 | 21/12/2021
Chia sẻ
Thành công của MoMo một lần nữa khẳng định tiềm năng của thị trường thanh số số nói riêng và ngành fintech Việt Nam nói chung.

Mới đây, M_Service JSC, công ty vận hành ứng dụng fintech MoMo, công bố khoản đầu tư 200 triệu USD trong một vòng đầu tư do Mizuho Bank dẫn dắt. Thành công này đưa định giá của MoMo lên cán mốc 2 tỷ USD, chính thức ghi danh thành startup kỳ lân tiếp theo của Việt Nam, theo Bloomberg.

Vòng gọi vốn Series E lần này của MoMo còn có sự tham gia của Ward Ferry Management và các cổ đông hiện hữu như  Goodwater Capital LLC và Kora Management. Với số vốn mới, MoMo sẽ tiếp tục mở rộng hiện diện tại khu vực nông thân, bắt đầu bằng dịch vụ thanh toán hoá đơn, ông Nguyễn Mạnh Tường, người đồng sáng lập MoMo, chia sẻ với Bloomberg.

Bên cạnh đó, MoMo cũng sử dụng số vốn mới để đẩy mạnh đầu tư công nghệ, hỗ trợ chuyển đổi số cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ và đẩy mạnh hoạt động thâu tóm, sáp nhập. "Thách thức lớn nhất vẫn là niềm tin. Mở rộng thêm ra các khu vực nông thôn, chúng tôi cần thời gian và tiền bạc để hướng dẫn người dùng", ông Tường chia sẻ.

Hành trình trở thành startup 'kỳ lân' của MoMo: Ban đầu là một ứng dụng thẻ SIM, liên tục được quỹ ngoại rót vốn - Ảnh 1.

MoMo là startup thanh toán điện tử thứ 2 tại Việt Nam thành "kỳ lân" sau VNPay (VNLife). (Ảnh: MoMo).

Bắt đầu từ một ứng dụng SIM

MoMo bắt đầu vào năm 2010 trong vai trò một ứng dụng thẻ SIM cho phép người dùng chuyển tiền, nạp tiền điện thoại và nạp thẻ game. Đến năm 2014, MoMo cung cấp thêm dịch vụ ví điện tử trên smartphone và sau đó dần mở rộng thành một "siêu ứng dụng" với đa dạng các dịch vụ như thanh toán phí bảo hiểm, quyên góp và đầu tư.

Trong năm nay, doanh thu của MoMo tăng gần gấp đôi bất chấp doanh số từ nhiều dịch vụ như lữ hành hay đặt vé xem phim gần như đứng yên vì đại dịch, ông Tường chia sẻ. Số lượng người dùng đăng ký MoMo tăng lên 31 triệu người từ 23 triệu người của năm 2020 khi người tiêu dùng và nhà bán hàng đều có xu hướng chuyển dịch lên các kênh số.

Vòng gọi vốn công khai lần đầu tiên MoMo công bố được ghi nhận vào tháng 1/2013 khi startup này kêu gọi được 5,8 triệu USD từ Goldman Sachs, theo dữ liệu của Tech in Asia. Đến tháng 3/2016, MoMo công bố thêm khoản đầu tư 28 triệu USD ở vòng Series B từ Standard Chartered Private Equity và Goldman Sachs. 

Thời điểm đó, MoMo cho biết đang có 2,5 triệu người dùng tại Việt Nam và mạng lưới hơn 4.000 đại lý nơi người dùng có thể chuyển tiền và sử dụng các dịch vụ tài chính khác thông qua MoMo.

Standard Chartered hợp tác với MoMo để cung cấp dịch vụ ví thanh toán Straight2Bank cho nhóm khách hàng doanh nghiệp tại Việt Nam. Dịch vụ này cho phép doanh nghiệp thanh toán trực tiếp đến người hưởng thông qua ví MoMo.

Đến tháng 1/2019, MoMo cho biết đã kêu gọi thành công 100 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C do Warburg Pincus dẫn dắt. Lúc này, số lượng người dùng đăng ký của MoMo tăng lên mốc 10 triệu và MoMo cũng là ứng dụng ví điện tử được tải về nhiều nhất tại Việt Nam trong năm 2018. 

Hai năm sau đó, vào tháng 1/2021, MoMo tiếp tục gọi vốn Series D với chi tiết tài chính không được công bố. Dù vậy, Bloomberg nói rằng quy mô vòng gọi vốn này có thể là 100 triệu USD.

Đến nay, với vòng gọi vốn mới nhất và chính thức được ghi nhận là "kỳ lân" (startup có định giá từ 1 tỷ USD trở lên), ông Tường vẫn khẳng định MoMo chưa có kế hoạch thực hiện IPO trong một vài năm tới và thay vào đó sẽ tập trung củng cố sản phẩm và vị trí trên thị trường.

Đến 53% thị phần ví điện tử Việt Nam

Sau Singapore và Indonesia, Việt Nam được xem là "chiến trường" fintech tiếp theo tại Đông Nam Á. Với khoảng 70% dân số chưa được tiếp cận hoặc vẫn đang tiếp cận hạn chế với các dịch vụ ngân hàng, cánh cửa vẫn rộng mở đối với cả các công ty lớn và các startup có thể cung cấp đa dạng các dịch vụ, đặc biệt là ở mảng ví điện tử - thanh toán số.

Theo một báo cáo của công ty fintech Boku Inc công bố hồi tháng 7, từ năm 2020 đến năm 2025, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CARG) của giá trị giao dịch qua ví điện tử tại Việt Nam có thể lên tới 29%. 

Trong báo cáo này, Boku ước tính MoMo đang là ví điện tử có thị phần số 1 tại Việt Nam với 53% "miếng bánh" trong tay, xếp sau đó là những cái tên như ViettelPay (25,2%), ShopeePay (trước đây là AirPay, 10,6%) và ZaloPay (5,3%).

Hành trình trở thành startup 'kỳ lân' của MoMo: Ban đầu là một ứng dụng thẻ SIM, liên tục được quỹ ngoại rót vốn - Ảnh 2.

Thanh toán điện tử là một trong những lĩnh vực fintech hút vốn nhất tại Việt Nam nhờ tiềm năng tăng trưởng. (Nguồn: Roku, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Tuy nhiên, tồn tại dựa trên mô hình "ví điện tử đơn thuần", sẽ là điều không thể ở Việt Nam ông Zennon Kapron, người sáng lập công ty tư vấn fintech Kapronasia, chia sẻ với Tech in Asia. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu khi ở Việt Nam hiện đang có tới khoảng 40 ví điện tử cạnh tranh.

Hành trình trở thành startup 'kỳ lân' của MoMo: Ban đầu là một ứng dụng thẻ SIM, liên tục được quỹ ngoại rót vốn - Ảnh 3.

Thị trường thanh toán số ở Việt Nam tiềm năng song có mức độ cạnh tranh cao. (Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Để thúc đẩy người dùng, các ví điện tử cần "đốt tiền" cho hoạt động chiết khấu. Tuy nhiên, đây không phải một chiến lược bền vững. Bên cạnh đó, các công ty fintech cũng phải đối mặt với thực tế rằng người dùng ví điện tử cần phải kết nối ví của mình với tài khoản ngân hàng. 

Điều này khiến các ngân hàng cũng có thêm lợi thế trong cuộc đua, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều ngân hàng cũng đang đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi số. Thực tế, chỉ có 3 ví điện tử năm trong top các ứng dụng thanh toán tại Việt Nam trong năm 2020.

Hành trình trở thành startup 'kỳ lân' của MoMo: Ban đầu là một ứng dụng thẻ SIM, liên tục được quỹ ngoại rót vốn - Ảnh 4.

(Nguồn: App Annie, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Trong tương lai gần, đối thủ tiếp theo của các ví điện tử sẽ là mô hình mobile money. Hồi cuối tháng 9, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ cấp phép thí điểm Mobile Money từ đầu tháng 10. Bộ trưởng kỳ vọng Mobile Money sẽ tạo ra một cú hích thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số.

Mobile Money được kỳ vọng sẽ giúp nhóm dân số chưa tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng hoặc tiếp cận còn hạn chế với dịch vụ ngân hàng cũng có thể sử dụng được thanh toán không tiền mặt.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thái Sơn

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.