|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Gió đột ngột đổi chiều, các tập đoàn công nghệ Trung Quốc buộc phải đi giật lùi trong cuộc đua với doanh nghiệp nhà nước

10:47 | 28/06/2021
Chia sẻ
Ant mất 70 tỷ USD định giá công ty từ khi phải dừng ý định IPO và các công ty như Tencent hay JD.com cũng đang đứng trước áp lực lớn. Người hưởng lợi là ai? Các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc.

Đã 8 tháng kể từ thời điểm Jack Ma, doanh nhân nổi tiếng và thành công nhất của Trung Quốc, không xuất hiện trước ống kính truyền thông. 70 tỷ USD cũng có thể đã biến mất cùng ông, theo ước tính của Bloomberg.

Trung Quốc đã ‘bóp nghẹt’ Jack Ma và Ant Group, giờ thì đến lượt các đối thủ của ông - Ảnh 1.

Trung Quốc đang thắt chặt quản lý các công ty công nghệ lớn. (Ảnh: Bloomberg)

Đó vẫn là một quan điểm lạc quan về giá trị Ant Group có thể đã để mất kể từ thời điểm việc Jack Ma công khai chỉ trích các nhà điều hành Trung Quốc khiến thương vụ IPO được chờ đón của Ant Group buộc phải hoãn lại. Bên trong Ant Group, công ty công nghệ tài chính được tách ra khỏi Alibaba, "thiệt hại" thực tế vẫn đang được tính toán.

Một đội ngũ từ cơ quan điều hành mảng tài chính cao nhất của Trung Quốc hiện yêu cầu Ant Group thường xuyên cập nhật về tiến độ thực hiện tái cấu trúc mô hình kinh doanh theo yêu cầu của chính phủ, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận với vấn đề.

Trong khi đó, các dự án mới cũng cần được phê duyệt trước. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn đang thảo luận khả năng đưa một đại diện của chính phủ vào hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của Ant Group để nắm bắt vấn đề một cách nhanh nhất.

Câu chuyện không phải chỉ của riêng Ant Group. Các công ty như Tencent, JD.com, ByteDance và Didi Chuxing cũng đang chịu ảnh hưởng từ đợt tăng cường kiểm soát của chính phủ Trung Quốc. Các nhà điều hành Mỹ và Châu Âu phân vân trong nhiều năm để kiểm soát các công ty công nghệ lớn có quá nhiều quyền lực. Câu trả lời của Trung Quốc là khẳng định quyền kiểm soát.

Ở lĩnh vực công nghệ tài chính, điều này có nghĩa là các startup như Ant Group phải hoạt động giống như một ngân hàng truyền thống. Điều đó cũng có nghĩa là nghiêng cán cân quyền lực trong ngành tài chính về nhóm các ngân hàng quốc doanh tại Trung Quốc. 

Bắc Kinh nói rằng các công ty Internet và công ty công nghệ tài chính lạm dụng quyền lực thị trường. Chủ tịch Tập Cận Bình muốn làm cầu nối cho các nhà đổi mới và không bóp nghẹt sự sáng tạo đồng thời giảm thiểu rủi ro tài chính mà không muốn hy sinh các phần thưởng về kinh tế. Câu hỏi là, liệu ông Tập Cận Bình có thể làm điều này?

Ant Group và các công ty tương tự đang chịu tác động lớn. Các nhà điều hành đang nỗ lực để kiểm soát tầm ảnh hưởng của chúng và tương lai sẽ không còn lợi nhuận cao như trước. Theo thống kê của Bloomberg Intelligence, mảng cho vay trực tuyến ở Trung Quốc có thể sẽ giảm 23% trong 5 năm tiếp theo khi tiền chảy sang các sản phẩm đầu tư do các nền tảng fintech cung cấp.

Trong khi đó, hệ sinh thái thanh toán cũng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ. "Chúng ta đang bước vào một thời kỳ biến động lớn khi Bắc Kinh định hình lại mối quan hệ với những gã khổng lồ công nghệ. Nếu muốn hoạt động trong dài hạn, hãy chấp nhận kiểm soát chặt hơn", ông Liao Ming, đối tác sảng lập của Prospect Avenue Capital, chia sẻ. "Ưu tiên của Bắc Kinh đã thay đổi".

Những rắc rối đến vào thời điểm tháng 10 năm ngoái khi Jack Ma công khai chỉ trích các nhà quản lý mảng tài chính và ngành ngân hàng truyền thống. Ông nói rằng chúng đã bóp nghẹt sáng tạo.

Chỉ hơn một tuần sau đó, đợt IPO của Ant bị yêu cầu hoãn lại. Giới chức liên tục cập nhật các quy định mới về cho vay tiêu dùng, đòn bẩy tài chính và thanh toán trực tuyến. Cùng thời điểm, các nhà điều hành và truyền thông quốc gia phát đi những thông điệp phản đối nhiều người siêu giàu Trung Quốc hoạt động trong mảng này và cho rằng họ đang "bào mòn" người nghèo và làm cho người trẻ ngập trong nợ nần.

Hơn 12 công ty công nghệ được lệnh có thể phải thực hiện tái cấu trúc mảng tài chính thành các pháp nhân tương tự ngân hàng và sẽ chịu sự kiểm soát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Mọi thứ, từ dữ liệu người dùng, cách giải ngân khoản vay, đối tượng khoản vay, cấu trúc sở hữu và kế hoạch niêm yết tại nước ngoài, đều chịu sự kiểm soát chặt chẽ.

Đối với Ant, mảng cấp tín dụng các khoản vay tiêu dùng nhỏ dưới sự hợp tác cùng các ngân hàng hiện được giới hạn quy mô ở mức 300 tỷ nhân dân tệ (46,4 tỷ USD) theo giấy phép hoạt động mới. Con số này chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ một năm trước đó, theo ước tính của Jefferies. Không dừng lại ở đây, nhiều ngân hàng cũng bắt đầu dừng hợp tác với công ty fintech dưới sự quan ngại các cơ quan điều hành.

Trung Quốc đã ‘bóp nghẹt’ Jack Ma và Ant Group, giờ thì đến lượt các đối thủ của ông - Ảnh 2.

Thị phần mảng thanh toán di động ở Trung Quốc. (Nguồn: iResearch/Bloomberg ở thời điểm 30/6/2020, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Những khó khăn không dừng lại ở đây. Ant và Tencent được yêu cầu cắt đứt các mối liên hệ không phù hợp từ lâu đã điều hướng hàng tỷ người dùng của các ứng dụng thanh toán Alipay và WeChat Pay sang các sản phẩm đắt đỏ hơn như tín dụng hay quản lý quỹ. Dù vậy, chính phủ chưa đưa ra các quy định cụ thể về cách Ant và Tencent điều hướng người dùng tới các ứng dụng khác của họ hoặc sử dụng các dữ liệu thu thập được.

Cùng thời điểm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang nghiên cứu các quy định mới để kìm hãm tính độc quyền ở mảng thanh toán trực tuyến. Thậm chí, PBOC còn có thể sẽ thành lập một pháp nhân chịu trách nhiệm mảng dữ liệu mà các nền tảng thu thập và chia sẻ chúng cho đối thủ.

"Chính phủ Trung Quốc áp dụng các quy định quá mềm mỏng và quá chậm để ngăn chặn mảng thanh toán của Alipay và Tencent thống lĩnh thị trường", ông Zennon Kapron, giám đốc điều hành công ty tư vấn Kapronasia, nói. "Mặc dù chúng đều là các công ty nội địa, chính phủ Trung Quốc vẫn muốn một cuộc chơi công bằng hơn".

Sự thay đổi đột ngột của "vận may" đang tạo ra nhiều sự bất mãn. Nhiều nhân viên của Ant, bao gồm cả các nhân sự cao cấp, đang tìm việc khác vì họ lo ngại các quyền chọn cổ phiếu đang giảm dần giá trị, ông Lion Niu, giám đốc công ty tuyển dụng CGL, nói.

Về phần mình, Ant Group trấn an nhân viên rằng công ty này vẫn sẽ thực hiện IPO song ở mức định giá nào thì vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Hệ số thu nhập của các công ty tài chính truyền thống đưa định giá Ant ở mức từ 29 tỷ USD đến 115 tỷ USD, theo Bloomberg. Con số này thấp hơn nhiều so với mốc 320 tỷ USD mà Ant Group kỳ vọng có được nếu thực hiện thành công IPO vào năm ngoái.

Dù vậy, các nhà đầu tư sớm vào Ant vẫn tỏ ra khá lạc quan. Fidelity Investments, sở hữu 0,14% Ant, giảm mức ước tính của Ant về mốc 144 tỷ USD từ mốc 295 tỷ USD hồi năm ngoái. Warburg Pincus, sở hữu 0,33% Ant, thì cho rằng định giá công ty dao động trong khoảng từ 200 tỷ USD đến 250 tỷ USD.

Cổ phiếu Alibaba, công ty có khoảng 1/3 cổ phần Ant, đã giảm gần 30% kể từ đầu tháng 11.

Alibaba không chịu "nỗi đau" một mình. Hồi tháng 3, Tencent cho biết sẽ phải đưa mảng tài chính thành một công ty riêng chịu sự kiểm soát của ngân hàng trung ương. Sau khi thông tin phát đi, 37 tỷ USD giá trị vốn hoá của Tencent bị thổi bay.

JD Technology, một công ty của JD.com, sàn TMĐT lớn thứ 2 Trung Quốc xét theo thu nhập ròng, cũng đang chờ đợi những hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng trước khi thực hiện các tham vọng tiếp theo trong mảng tài chính, theo nguồn tin thân cận với vấn đề.

Trung Quốc đã ‘bóp nghẹt’ Jack Ma và Ant Group, giờ thì đến lượt các đối thủ của ông - Ảnh 3.

Đầu tư vào fintech của các ngân hàng lớn tại Trung Quốc. (Nguồn: Báo cáo thường niên/Bloomberg, Đơn vị: tỷ nhân dân tệ, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Trong khi các fintech mất đi thế mạnh của mình, các ngân hàng lớn bắt đầu tận dụng các lợi thế lớn. Năm ngoái, nhóm ngân hàng lớn tại Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 31 tỷ USD vào fintech. 

Tại Ngân hàng Thương mại và Công thương Trung Quốc (ICBC), ngân hàng lớn nhất thế giới dựa theo tổng tài sản, đầu tư vào fintech tăng 40%. Nhà băng này cũng tuyển dụng thêm 800 nhân sự ở mảng công nghệ. Lúc này, ICBC có 35.400 nhân sự ở mảng này. Ứng dụng của ICBC đang đi theo hướng sao chép Alipay khi tích hợp nhiều dịch vụ như du lịch, giải trí và ăn uống.

Giá cổ phiếu của China Merchants Bank, một ngân hàng bán lẻ hàng đầu, tăng gần 60% kể từ khi đợt IPO bị hoãn lại. Ant được yêu cầu thu nhỏ quy mô mảng kinh doanh quỹ thị trường tiền mặt. Cùng thời điểm, Merchants Bank đầu tư mở rộng sản phẩm đầu tư vốn chỉ dành cho người thu nhập cao cho thị trường đại chúng. Trong quý 1 năm nay, quy mô tài sản bán lẻ mà Merchants Bank sở hữu đã tăng 650 tỷ nhân dân tệ, chạm mốc 9,6 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Các ngân hàng truyền thống ở Trung Quốc từng "vật vã" để phục vụ các khách hàng không có tài sản đảm bảo hoặc lịch sử tín dụng. Các nền tảng như Ant tạo ra một cuộc cách mạng ở mảng cho vay khi tận dụng nhiều nguồn dữ liệu mới từ hệ thống thanh toán, mạng xã hội và nhiều nguồn khác để đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Ngay cả khi các nhà điều hành yêu cầu thắt chặt quản lý 13 nền tảng tài chính hàng đầu, họ cũng nhận ra vai trò quan trọng của fintech trong việc cải thiện hiệu quả và hạ chi phí giao dịch tài chính. "Ý định không phải là giết chết các công ty này", nhà phân tích Kevin Kwek của Bernstein nói.

Nhiều người dân Trung Quốc đang rất "khát vốn". Yang Mei quản lý một cửa hàng làm đẹp nhỏ ở Thành Đô. Người phụ nữ 30 tuổi nhận khoản vay 5.000 nhân dân tệ từ Ant vào tháng 9 năm ngoái để chi trả cho nhiều sản phẩm làm đẹp với mức lãi suất thường niêm 14,8% mà cô cho là hợp lý.

Cô hy vọng có thể vay thêm để mở rộng kinh doanh như đề nghị giải ngân đang bị hoãn lại sau khi Ant được yêu cầu thắt chặt hoạt động cho vay. Cô ngần ngại vay từ các nguồn khác vì rất tin tưởng Ant.

Li Lin, chủ một nhà máy xử lý thực phẩm, thì chia sẻ rằng anh gặp khó khăn khi vay từ các ngân hàng quốc doanh. Thực tế này khiến ông phải tìm đến các khoản vay "chợ đen" với lãi suất cao và tính theo dư nợ ban đầu ngay cả khi một nửa nợ gốc đã được thanh toán.

"Rất khó để các công ty nhỏ nhận được vốn từ ngân hàng quốc doanh và chi phí vay của chúng tôi rất cao", ông Li nói. "Điều này khiến kinh doanh rất thách thức".

Nam Khánh

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.