|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giá trị giao dịch đạt 76 tỷ USD/ngày: Binance trở thành sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới như thế nào?

08:00 | 15/11/2021
Chia sẻ
Mới hoạt động được 4 năm, Binance nhanh chóng trở thành một cột trụ quan trọng trong hệ sinh thái tiền mã hoá trên thế giới.

Sàn giao dịch tài chính tăng trưởng nhanh nhất thế giới không có văn phòng trụ sở chính hoặc địa chỉ chính thống. Nó cũng không có giấy phép ở các quốc gia đang hoạt động và có một vị CEO thường không trả lời câu hỏi về nơi ở của mình.

Bắt đầu hoạt động mới từ 4 năm trước, Binance là sàn giao dịch khổng lồ và nổi tiếng nhất thế giới về tiền điện tử. Hiện tại, Binance đang xử lý khối lượng giao dịch khoảng 76 tỷ USD mỗi ngày, lớn hơn 4 sàn giao dịch đối thủ lớn nhất cộng lại, theo CrytoCompare.

Dù vậy, thời gian tăng trưởng mạnh mẽ và không bị quản lý của Binance nói riêng và toàn bộ ngành công nghiệp mã hoá nói chung đang đi đến hồi kết, WSJ cho biết.

76 tỷ USD/ngày: Binance trở thành sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới như thế nào - Ảnh 1.

Binance là sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới. (Ảnh: WSJ).

Các nhà điều hành tài chính ngày càng lo ngại rằng tài sản số đã phát triển nhanh đến mức chúng  có nhiều tầm quan trọng. 

Trong một bài phát biểu hồi tháng 10, ông Jon Cunliffe, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh về Ổn định Tài chính, nhắc lại cuộc khủng hoảng tài chính do các khoản nợ bất động sản dưới chuẩn hồi năm 2008 và nói về tiền mã hoá: "Khi một thứ gì đó trong hệ thống tài chính phát triển rấy nhanh, và phát triển trong một khu vực không chịu sự quản lý, các cơ quan ổn định tài chính cần chú ý đến nó".

Binance thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các nhà điều hành. Cơ quan quản lý tại nhiều quốc gia liên tục cảnh báo người dùng rằng sàn giao dịch này chưa được đăng ký hoặc chưa được cấp phép cung cấp một số dịch vụ.

Uỷ ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đang điều tra cách Binance thực hiện kinh doanh tại Mỹ, nơi sàn giao dịch này có khá nhiều giấy phép cấp tiểu bang. Theo một nguồn tin, SEC yêu cầu Binance Mỹ cung cấp nhiều thông tin, bao gồm mối liên hệ giữa Binance Mỹ và tổ chức toàn cầu của nó. Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đang điều tra khả năng Binance có liên quan đến hoạt động rửa tiền.

Về phần mình, cả SEC và DOJ đều từ chối đưa ra bình luận.

Thị trường Mỹ là một bài kiểm tra lớn đối với Binance và thậm chí Binance còn nuôi tham vọng sẽ IPO mảng kinh doanh tại Mỹ trong một vài năm tới. Binance cũng tuyển dụng một cựu nhân sự từng làm việc trong cơ quan điều hành tài chính Mỹ để phát triển mảng kinh doanh tại quốc gia này. Dù vậy, ông từ chức hồi tháng 8 chỉ sau 3 tháng.

Một nguồn tin cho biết nhiều người Mỹ quan ngại về tính bảo mật và an toàn của dữ liệu người dùng khi Binance được sáng lập tại Trung Quốc. Điều này khiến Binance cũng gặp phải các vấn đề tương tự những gì TikTok từng phải đối mặt ở Mỹ.

Ông Changpeng Zhao, người sáng lập và CEO Binance, nói trong một bài phỏng vấn rằng Binance cần đi song hành với các nhà điều hành, bao gồm việc phải xin được giấy phép phù hợp.

 - Ảnh 1.

Logo Binance tại Delta Summit, một hội thảo về sáng tạo số và blockchain tại Malta, hồi tháng 10/2019. (Ảnh: Reuters).

"Chúng tôi kinh doanh hợp pháp", ông Zhao nói và khẳng định Binance phát triển nhanh nhờ niềm tin của người dùng.

"Thế nhưng nếu bạn nhìn vào tốc độ đón nhận tiền điện tử trên thế giới hiện nay, nó mới chỉ đạt chưa đến 2% dân số. Để thu hút 98% dân số còn lại, chúng tôi cần được quản lý", ông Zhao khẳng định.

Người đứng đầu Binance cho biết Binance đang trong quá trình xây dựng các văn phòng địa phương và trụ sở chính. Trước đây, ông từng nói rằng đây là những thủ tục lỗi thời nhưng lại là thứ các nhà điều hành muốn. Ông không tiết lộ địa điểm cụ thể mà Binance đang muốn xây dựng văn phòng.

Hồi tháng 8, trên website chính thức, Binance cho biết sẽ đưa nội dung kiểm tra danh tính người dùng thành điều bắt buộc để ngăn việc dùng sàn giao dịch này cho các dòng tiền bất hợp pháp.

Đại diện của Binance và Binance.US (Binance Mỹ) từ chối chia sẻ về các động thái của DOJ và SEC. "Chúng tôi làm việc với các nhà điều hành trên toàn thế giới trên tinh thần hợp tác và luôn rất quan tâm đến các quy định tuân thủ", bà Jessica Jung, người phát ngôn Binance, chia sẻ.

"Khi Binance phát triển, giao dịch tiền mã hoá và các vấn đề quản lý cũng phát triển, và ngược lại", bà nói thêm.

 - Ảnh 2.

(Ghi chú: Dữ liệu ước tính cho 43 quốc gia hàng đầu. Dữ liệu cho các quốc gia khác có lưu lượng thấp hơn không được tính đến, Nguồn: The Block, SimilarWeb, WSJ, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Ông Matthew Miller, người phát ngôn Binance.US, nói: "Chúng tôi có nhiều biện pháp phức tạp để đảm bảo dữ liệu chỉ được truy cập để phục vụ các mục đích phù hợp đối với khách hàng, cải thiện hệ thống hoặc các mục đích như cơ quan quản lý yêu cầu". Ông khẳng định toàn bộ dữ liệu khách hàng Mỹ được lưu tại máy chủ đặt ở Mỹ.

Việc Binance không có địa chỉ cố định khiến các nhà điều hành đau đầu trong việc xác định ai sẽ có trách nhiệm quản lý nó. Công ty mẹ Binance Holdings Ltd được thành lập ở Cayman Islands. Theo cơ quan quản lý tài chính Cayman Islands, Binance không đăng ký hoặc được cấp phép vận hành sàn giao dịch mã hoá từ quốc gia này. Bên cạnh đó, Binance hiện cũng không vận hành sàn giao dịch ở đây.

Dù vậy, cho đến tháng 9 năm nay, website Binance ở Úc vẫn nói rằng Binance Holdings là pháp nhân cung cấp dịch vụ sàn giao dịch tiền mã hoá. Bà Jung nói rằng đây "đơn giản là một lỗi đánh máy".

Ông Zhao cho biết Binance hiện có 3.000 nhân sự trên toàn cầu. Dựa trên lưu lượng giao dịch và phí giao dịch thu được, nguồn tin nội bộ nói rằng Binance kỳ vọng giá trị công ty có thể lên tới 300 tỷ USD nếu thực hiện IPO.

Điều này sẽ biến ông Zhao thành một trong những người giàu nhất thế giới vì hiện tại ông đang là cổ đông lớn nhất của Binance.

Trên Twitter, tài khoản CZ của ông Zhao có tới 3,9 triệu người theo dõi. Bà Jung nói rằng, các nhân viên an ninh của Binance thường khuyên ông Zhao và các nhân sự cao cấp khác không chia sẻ về nơi ở của mình.

Dù vậy, bà Jung nói thêm rằng gần đây, ông Zhao đang cởi mở hơn khi chia sẻ về nơi mình đang sống. Trong 2 năm qua, ông Zhao ở Singapore và thường xuyên đi họp bằng xe máy điện.

Ông Zhao, năm nay 44 tuổi, sinh ra ở Trung Quốc và chuyển đến Canada cùng bố mẹ năm 12 tuổi. Sau khi học ngành khoa học máy tính, ông làm việc tại các công ty tài chính ở Tokyo và New York. Có thời gian ông làm việc tại Bloomberg LP với vị trí phát triển phần mềm giao dịch hợp đồng tương lai.

Ông Zhao lần đầu biết tới bitcoin khi ở Thượng Hải vào năm 2013. Thời điểm đó, giao dịch bitcoin khá khó với một số rất ít sàn giao dịch trong khi đó giá lại biến động mạnh. Hacker tấn công vào các sàn giao dịch lớn như Mt.Gox cũng xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư.

 - Ảnh 3.

Ông Zhao nói rằng để thu hút hàng triệu người chưa dừng tiền mã hoá, "Binance cần được quản lý". (Ảnh: WSJ).

Ông Zhao bị thôi thúc với ý tưởng một đồng tiền phi tập trung có thể sử dụng tại bất kỳ đâu mà không cầu sự hỗ trợ của ngân hàng. "Chúng ta có thể dùng công nghệ để tăng tính tự do của đồng tiền cho mọi người trên toàn thế giới", ông chia sẻ trong bài phỏng vấn.

Ông bán căn nhà của mình ở Thượng Hải để đổi lấy bitcoin và sau đó làm việc cho một số startup mã hoá. Với một nhóm công sự, ông ra mắt Binance vào năm 2017.

Ban đầu, Binance tập trung vào giao dịch bitcoin và một số đồng tiền khác nhưng không cho phép người dùng đổi từ tiền ảo sang tiền pháp định. Khi Binance khởi động, nó không cần tài khoản ngân hàng và không cần trụ sở, ông Zhao nói thêm.

76 tỷ USD/ngày: Binance trở thành sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới như thế nào - Ảnh 5.

(Nguồn: CrytoCompare, WSJ, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Binance đã bổ sung thêm 9 ngôn ngữ vào website của mình để tạo sự khác biệt với các đối thủ vốn chỉ dùng Tiếng Anh. Nó cũng phát triển nền tảng mà một số nhà đầu tư nói rằng khá dễ dùng.

Binance kêu gọi được 15 triệu USD vào tháng 7/2017 thông qua việc phát hành một đồng tiền điện tử của chính mình mang tên gọi BNB.

Người dùng của Binance đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả các quốc gia với nền tài chính ít phát triển như Châu Phi hay Ấn Độ. Chỉ trong vòng 6 tháng, Binance trở thành sản giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới. Cùng quá trình này, nó cũng nhanh chóng gặp phải các vấn đề thách thức liên quan đến quản lý, điều hành.

2 tháng sau khi hoạt động tại Thượng Hải vào mùa hè năm 2017, chính phủ Trung Quốc ban bố lệnh cấm giao dịch tiền mã hoá.

Lúc đó, đội ngũ nhân sự gầm hơn 30 người của Binance chuyển sang Nhật Bản. Vào năm 2018, cơ quan tài chính Nhật Bản cảnh báo công ty do thực hiện giao dịch cho người dân mà chưa có giấy phép.

Từ đó, Binance dừng công bố một địa chỉ cụ thể. Ông Zhao nói rằng nhân sự của Binance trên toàn thế giới và làm việc từ xa.

"Binance có mặt ở khắp mọi nơi nhưng thực tế lại không ở nơi nào", ông Aija Lejniece, luật sư đại diện cho một nhóm các nhà đầu tư đang cố gắng đòi lại tiền mà họ nói đã mất khi Binance "đóng băng" hơn một giờ hồi tháng 5. Binance từ chối chia sẻ thêm về vụ việc này song nói rằng nó đã liên hệ với người dùng bị ảnh hưởng và đền bù "cho những ai thực tế phát sinh thua lỗ vì sự cố".

Khi tiền ảo phát triển, Binance cũng hỗ trợ giao dịch nhiều đồng tiền hơn bất kỳ sàn giao dịch nào khác. Binance cũng cung cấp sản phẩm phái sinh gắn với tiền mã hoá. Với một khoản đặt cọc chỉ 0,8 USD, khách hàng có thể giao dịch với số bitcoin tương đương 100 USD. Dù vậy, dịch vụ này hiện đã dừng hoạt động.

Năm 2019, Binance bắt đầu cho phép người dùng đổi tiền mã hoá sang tiền pháp định. Đây được xem là cầu nối Binance với hệ thống ngân hàng.

76 tỷ USD/ngày: Binance trở thành sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới như thế nào - Ảnh 6.

(Nguồn: Kaiko Data, WSJ, Đồ hoạ: Thái Sơn).


Một cựu giám đốc Binance tiết lộ rằng Binance đã trả tiền cho những người có tầm ảnh hưởng (influencer) để chia sẻ các video hướng dẫn bắt đầu giao dịch trên Binance trên YouTube.

Bên trong công ty, Binance cổ vũ tinh thần cạnh tranh lẫn nhau để tìm ra chiến lược tăng trưởng tốt nhất.

Binance.com phát triển nhanh tại Mỹ. Đến tháng 4/2019, SEC công bố tài liệu trong đó nhắc đến các phép thử để xác định liệu tài sản số có thể được coi là chứng khoán và cần tuân theo các quy định hay không. Ông Zhao hướng dẫn người dùng Mỹ chuyển sang Binance.US (website cung cấp dịch vụ đầu tư một số lượng ít các loại tiền mã hoá hơn và không cung cấp sản phẩm phái sinh).

Cuối năm 2020, SEC yêu cầu Binance.US cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động kinh doanh, bao gồm ai kiểm soát ví điện tử của người dùng và chi tiết thoả thuận giữa Binance Holdings và Binance.US.

Hồi tháng 5/2021, Binance.US tuyển dụng CEO Brian Brooks, người từng nắm chức vị quyền trưởng Văn phòng kiểm soát tiền tệ dưới thời tổng thống Donald Trump. Ông cũng từng là CEO sàn giao dịch đối thủ Coinbase Global Inc.

76 tỷ USD/ngày: Binance trở thành sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới như thế nào - Ảnh 7.

Ông Changpeng Zhao, CEO Binance. (Ảnh: WSJ).

Mục tiêu của ông Brooks là kêu gọi thêm nhà đầu tư Mỹ. Điều này sẽ giúp bổ sung thêm nhiều thành viên vào hội đồng quản trị Binance.US đồng thời pha loãng cổ phần ông Zhao nắm giữ. Ông Brooks cũng muốn dữ liệu cần được kiểm soát tại Mỹ.

Đầu tháng 8, khi ông Brooks chuẩn bị chốt khoản đầu tư 150 triệu USD từ 12 nhà đầu tư Mỹ, ông và ông Zhao đã tranh cãi về việc lựa chọn thành viên hội đồng mới. Đến ngày 8/6, ông Brooks quyết định rời Binance. Sau đó, nhiều thành viên của đội ngũ pháp chế và tuân thủ cũng rời công ty.

Bất chấp những rắc rối, Binance vẫn đang tăng trưởng mạnh. Hồi tháng 9, giao dịch giao ngay của Binance.com tăng 10% so với một tháng trước đó. Đây cũng là lưu lượng giao dịch giao ngay hàng tháng cao nhất mà Binance đạt được trong 15 tháng liên tiếp.

Ông Zhao nói rằng Binance đang hướng đến tốc độ tăng trưởng chậm rãi hơn. "Chúng tôi muốn các sàn giao dịch khác cũng lớn thêm một chút, vì thế chúng tôi có thể chia sẻ sức nặng từ người dùng", ông nhấn mạnh.

Nam Khánh