Giá dầu tăng sốc khiến dòng tiền đổ mạnh vào nhóm dầu khí, SSI Research chỉ ra không phải doanh nghiệp nào cũng hưởng lợi ngay
Ngày 7/3, giá dầu Brent đạt 131 USD/thùng vào ngày 7/3/2022, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 7/2008, và đạt mức tăng 69% so với đầu năm.
Báo cáo của SSI Research chỉ ra sự tăng mạnh của giá dầu được cho là kết hợp của nhiều nguyên nhân, nhưng yếu tố chính phải kể đến đó là căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine, theo sau bởi lệnh cấm vận đối với dầu của Nga và việc Nga đe dọa ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Thêm vào đó, nhu cầu đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID-19 trong khi nguồn cung đang được kiểm soát một cách thận trọng trong khi sản lượng dầu bổ sung từ Iran có thể phải mất vài tháng để đưa ra thị trường.
Các tổ chức lớn trên thế giới đều có dự báo khá lạc quan về triển vọng của giá dầu năm 2022. Tình trạng dư cung có thể không xảy ra trong ngắn hạn, điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu.
Phía SSI Research cho rằng chu kỳ tăng của giá dầu đã bắt đầu, mở ra triển vọng lạc quan hơn cho ngành dầu khí.
Theo quan điểm của SSI Research, môi trường giá dầu ổn định và duy trì trên 60-70 USD/thùng sẽ là điều kiện thuận lợi để Việt Nam khai thác các mỏ dầu khí hiện tại cũng như triển khai các dự án dầu khí mới.
Trong giai đoạn 2016-2021, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí (E&P) của Việt Nam không sôi động, nguyên nhân chính là do các mỏ gần bờ có trữ lượng lớn như Bạch Hổ (mỏ dầu), Block 6.1 (Lan Tây, Lan Đỏ), Block 11.2 và Chim sáo đang đến những năm cuối của vòng đời khai thác. Dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng nhiều đến việc triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN cũng như các đơn vị thành viên.
Mặc dù giá dầu tăng mạnh trong 2021, đây không phải là năm bận rộn của hoạt động E&P tại Việt Nam. Về sản lượng tiêu thụ khí, đợt bùng phát COVID-19 và giãn cách xã hội khiến nhu cầu từ nhà máy điện khí cũng như khu công nghiệp giảm. Do đó, sản lượng khí chỉ ở mức 7,1 tỷ m3 trong năm 2021, giảm 20% so với cùng kỳ. Thị trường khí tự nhiên trong nước chuyển từ thiếu cung sang thừa cung trong 2020-2021 do dịch bệnh.
Năm 2021, tổng sản lượng khai thác dầu thô đạt 10,97 triệu tấn, giảm 5% so với cùng kỳ, khi các mỏ trữ lượng cao hiện tại dần cạn kiệt. Về hoạt động khai thác, không có hoạt động thăm dò lớn trong năm 2021 (năm 2020, Việt Nam đã thăm dò thành công mỏ Kèn Bầu 2x – đây là tìm kiếm có sản lượng lớn nhất Đông Nam Á trong hai thập kỷ qua, theo Wood Mackenzie).
Biến động giá dầu tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp hạ nguồn
Đáng giá về tác động của giá dầu tới các doanh nghiệp trong nước, báo cáo chỉ ra rằng biến động giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến GAS (tăng/giảm doanh thu và biên lợi nhuận, và nhu cầu khí khô từ nhà máy điện do giá khí ở mức cao), cũng như PLX và OIL (tăng/giảm doanh thu & lãi/lỗ hàng tồn kho) và BSR (tăng/giảm biên lợi nhuận lọc hóa dầu, lãi/lỗ hàng tồn kho).
Trong khi đó, đối với các công ty dầu khí thượng nguồn (PVD và PVS), giá dầu không ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận ròng của công ty trong ngắn hạn do các công ty này dựa vào các dự án mang tính chất dài hạn hơn. Mặc dù vậy, SSI Research cho rằng ước tính mảng khoan của PVD đã quay đầu hồi phục từ quý II/2021 và ghi nhận lợi nhuận từ năm 2022 nhờ hiệu suất sử dụng và giá thuê tăng. Giá dầu duy trì tích cực sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động đầu tư thăm dò khai thác, đặc biệt là việc triển khai các dự án lớn, giúp đem lại khối lượng công việc tiềm năng cho PVD, PVS trong dài hạn.
Đối với các công ty sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào như điện khí, đạm, giá dầu tăng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, các công ty đạm vẫn có khả năng tăng giá bán do nguồn cung tại Trung Quốc vẫn còn hạn chế.
Đối với điện khí, giá khí tăng có thể chuyển ngang một phần vào sản lượng hợp đồng PPA với tỷ lệ sản lượng hợp đồng năm 2022 là 80% theo kế hoạch của EVN/A0. Tuy nhiên giá khí cao sẽ làm các nhà máy điện khí kém cạnh tranh hơn và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phần sản lượng chào bán trên thị trường điện cạnh tranh.
Dù có sự khác nhau về các yếu tố cơ bản, giá cổ phiếu ngành dầu khí đều có tương quan rất chặt chẽ với giá dầu, hay nói cách khác độ “nhạy” của giá cổ phiếu với giá dầu là rất cao. Báo chỉ chỉ ra rằng giá dầu tăng đem lại cơ hội đầu tư cả ngắn và dài hạn. Với chiến lược đầu tư ngắn hạn, các cổ phiếu có mức độ tương quan lớn nhất với giá dầu như BSR, PVD, PVS và OIL.
Triển vọng của các doanh nghiệp dầu khí ra sao?
Với giả định giá dầu Brent ở mức 95 USD/thùng năm 2022 (tăng 34% so với cùng kỳ), SSI Research đã đưa ra loạt đánh giá với từng doanh nghiệp dầu khí.
Về GAS, với giả định giá dầu mới cho năm 2022 (FO ở mức 490 USD/tấn, tăng 26% so với cùng kỳ), mặc dù giá dầu cao hơn khiến điện khí kém cạnh tranh hơn so với các loại điện khác, ước tính nhu cầu từ các nhà máy điện khí sẽ phục hồi trong năm. Tăng trưởng sản lượng ước tính đạt 16% do mức so sánh thấp trong năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn mức trước COVID-19. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 ước tính tăng mạnh do giá bán tăng.
Với PVS, giá dầu cao sẽ kích hoạt các dự án mới cũng như cải thiện nhu cầu và giá cả cho các dịch vụ của PVS (tàu chuyên dụng, M&C, cảng & cơ sở cung ứng, O&M, FSO/FPSO...). SSI Research dự báo tăng trưởng lợi nhuận có thể không mạnh trong ngắn hạn do việc khởi động lại dự án dầu khí bị trì hoãn so với giá dầu, tuy nhiên, ước tính CAGR lợi nhuận 2022-2025 là 23% so với cùng kỳ.
Về PVD, với điều kiện giá dầu tăng cao hỗ trợ các dự án E&P bắt đầu tái khởi động, công suất và giá cho thuê sẽ duy trì ở mức cao trên thị trường giàn khoan toàn cầu. SSI Research nhận định Việt Nam đang phản ứng chậm hơn, nhưng cũng sẽ bắt kịp các nước khác trên thế giới.
Do đó, các chuyên gia phân tích nâng giả định về giá thuê ngày và công suất hoạt động trong giai đoạn 2022-2024 phản ánh triển vọng dài hạn được cải thiện. Lợi nhuận ngắn hạn có thể vẫn yếu do thời gian bắt đầu dự án khoan có thể mất khoảng 4-6 tháng.
PVT có một đội tàu chở dầu lớn ở tất cả các phân khúc hoạt động (tàu chở dầu thô, dầu sản phẩm và khí), và được hưởng lợi từ chu kỳ đi lên của ngành vận tải hàng lỏng, do thiếu nguồn cung từ căng thẳng Nga - Ukraine hiện nay và đầu tư mới ở mức thấp trong 3-4 năm qua, trong khi nhu cầu toàn cầu đang phục hồi tốt và đã đạt về mức trước dịch COVID.
Theo quan điểm của SSI Research, mức tăng trưởng được thể hiện rõ hơn bởi nhu cầu của châu Âu nhập khẩu dầu khí từ các thị trường xa hơn như Châu Mỹ, Vùng Vịnh Ả Rập hay Châu Á, điều này có thể khiến giá giao ngay và giá thuê tàu duy trì ở mức cao trong một thời gian.
Cơ cấu hợp đồng của PVT cũng không bị ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực của giá tăng. Vì vậy lợi nhuận của PVT không tăng ngay từ xu hướng này mà đây là câu chuyện trung hạn.
Với nhóm các doanh nghiệp hạ nguồn, báo cáo chỉ ra lợi nhuận của PLX có thể tăng 28% trong 2022, nhờ sự phục hồi của sản lượng tiêu thụ xăng dầu, nhiên liệu máy bay cũng như các mảng kinh doanh khác. Ước tính lợi nhuận này chưa bao gồm việc thoái vốn khỏi PGBank có thể đem lại khoản thu nhập bất thường đáng kể cho PLX.
Với OIL, giá dầu tăng giúp công ty có thể hưởng lợi nhờ hàng tồn kho giá thấp. Sản lượng tiêu thụ có thể hồi phục trong 2022 so với mức thấp trong 2021.
Cuối cùng là BSR, ước tính công ty có thể duy trì tăng trưởng lợi nhuận 15,5% trong năm 2022 nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 6% trong khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bị gián đoạn hoạt động. Ngoài ra, giá dầu cũng như mức chênh lệch giữa giá xăng dầu và giá đầu vào (crack spread) tăng cũng giúp hỗ trợ biên lợi nhuận của công ty.