|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đường đua CASA 'nóng' trở lại

09:06 | 20/02/2025
Chia sẻ
Khi NIM của ngân hàng dần xuống thấp, tỷ lệ CASA sẽ trở thành một yếu tố quyết định tới lợi nhuận của các nhà băng và cuộc đua CASA sẽ càng "nóng" hơn.

Cuộc đua CASA 'nóng lên'

Mới đây nhất, VIB công bố ra mắt tài khoản sinh lời theo ngày, lợi suất đến 4,3%/năm. Với sản phẩm này, khi số tiền trên tài khoản vượt các ngưỡng được chọn (10 triệu hoặc 100 triệu đồng), được xem là ngưỡng chi tiêu, phần vượt sẽ tự độngkết nối vào tài khoản "Siêu lợi suất".

Mức lợi suất trong một năm áp dụng theo thời gian gửi: 2,5% cho 1-7 ngày; 2,8% với 8-14 ngày, tăng dần đến 4,3% cho 61-90 ngày. Các mức lãi suất này cao hơn nhiều lần so với mức 0,1%/năm được áp dụng cho tiền nhàn rỗi trên các tài khoản thông thường. Người dùng có thể rút tiền bất kỳ lúc nào và vẫn hưởng lợi suất theo kỳ hạn tại thời điểm rút.

Theo số liệu từ VIB, trong 48 giờ sau ngày đầu ra mắt, tài khoản Siêu Lợi suất đã thu hút được gần 10.000 khách hàng tham gia.

Sản phẩm này có tính tương đồng với tính năng "Sinh lời tự động" (auto-earning) mà Techcombank, một trong ba ngân hàng dẫn đầu về CASA toàn ngành, đã áp dụng từ đầu năm 2024. Tuy nhiên xét về mức lợi tức thì VIB có vẻ nhỉnh hơn so với con số đang áp dụng tại Techcombank (từ 0,05% đến 2,5%/năm).

Sự tập trung quảng bá và chính sách lãi suất của VIB cho thấy sự quyết tâm dành thị phần và đẩy CASA tăng lên trong năm 2025. Hiện tại, tỷ lệ CASA của VIB mới chỉ xếp vị trí thứ 15 trên bảng xếp hạng toàn hệ thống với con số khá khiêm tốn 14,1% (theo dữ liệu Wichart).

Để lý giải vì sao VIB lại kỳ vọng cao như vậy với sản phẩm mới này. Cùng nhìn lại chiến lược "Sinh lời tự động" đã giúp Techcombank lấy lại đà tăng trưởng của CASA trong năm qua ra sao.

Theo cho biết từ lãnh đạo Techcombank, nhờ tính năng "Sinh lời tự động" cũng như nhiều ưu đãi nâng cao mức gắn kết với khách hàng, số dư CASA của ngân hàng đã tăng cao kỷ lục, đạt 231.000 tỷ đồng, đưa tỷ lệ CASA cuối quý IV cải thiện lên 40,9% sau khi sụt giảm trong hai quý trước đó.

Riêng lượng tiền gửi được chuyển vào tài khoản sinh lời tự động đã đạt 32.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024.

Tỷ lệ CASA của Techcombank phục hồi sau hai quý sụt giảm

 Nguồn: Techcombank.

Chiến lược này cũng đã mang lại cho Techcombank lợi thế to lớn về chi phí vốn khi góp phần duy trì mức lãi suất bình quân tiền gửi ở mức thấp 2,9%/năm, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung chi phí vốn của các ngân hàng.

Ngoài auto-earning, giải pháp thanh toán và thu hộ (dựa trên Phương thức QR247 và tài khoản định danh) cũng mang lại "trái ngọt" cho ngân hàng. Ngân hàng cho biết tệp khách hàng doanh nghiệp nhỏ là hộ kinh doanh sử dụng giải pháp này ghi nhận số dư CASA bình quân cao hơn tới 1,7 lần so với các khách hàng doanh nghiệp nhỏ khác.

Từ vài năm trước, Techcombank cũng đã khá thành công trong việc áp dụng zero-fee trên tài khoản và thu về được lượng CASA lớn. Giải pháp này được mở rộng gần như trên toàn hệ thống ngân hàng sau đó, mang lại trải nghiệm thuận tiện cho người dùng.

Mặc dù vậy, Techcombank lại không phải là ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hiện nay. Theo dữ liệu khách quan từ Wichart, tính đến cuối 2024, MB mới là quán quân về CASA của toàn ngành trong khi Techcombank xếp vị trí thứ hai, tiếp đó là "ông lớn" Vietcombank.

MB và Vietcombank là hai ngân hàng có lợi thế lớn nhờ nguồn tiền gửi khổng lồ của các tập đoàn lớn, nắm trong tay hệ thống chi trả lương, thanh toán lương cho cán bộ, công chức trong nước.

Ngoài những gương mặt kể trên, MSB cũng là ngân hàng có khả năng duy trì tỷ lệ CASA ở mức cao, luôn nằm trong Top 5 về CASA trong những năm trở lại đây. Cuối 2024, tỷ lệ CASA của MSB đạt 25,9%, giảm nhẹ so với cuối năm trước (26,3%).

Lý giải cho kết quả này, MSB cho biết chiến lược chuyển đổi số và lấy khách hàng làm trọng tâm được xem là động lực chính tạo nên lợi thế CASA cho ngân hàng. Từ đó giúp cho biên lãi thuần (NIM) của MSB tăng trưởng liên tục trong 4 năm liên tiếp từ 2019 – 2022, có giảm trong năm 2023 và 2024 nhưng vẫn ở mức hiệu quả tốt.

Cuộc đua CASA cũng lan rộng ra nhiều ngân hàng với những sản phẩm, chương trình khác nhau. Nhiều ngân hàng đã tung ra tính năng Rewards (Phần thưởng), cho phép người dùng đổi quà khi sử dụng các dịch vụ thẻ hay ứng dụng ngân hàng. Một số ngân hàng cũng đang tích cực mở rộng hệ sinh thái, mua lại các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm hay chứng khoán hoặc mở thêm những dịch vụ chuyên nghiệp về quản lý gia sản,… nhằm thu hút hơn nữa nguồn tiền nhàn rỗi với lãi suất thấp của khách hàng.

Vì sao cuộc đua trở nên gay cấn hơn?

Tỷ lệ CASA cao tạo tiền đề giúp ngân hàng cải thiện biên lãi thuần, có thêm điều kiện cạnh tranh về lãi suất cho vay trên thị trường. Trong bối cảnh tỷ giá chịu áp lực khiến chi phí huy động vốn bằng ngoại tệ đi lên làm tăng chi phí vốn, việc có mức CASA cao trở nên rất quan trọng với ngân hàng.

“Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) sẽ trở nên vô cùng quan trọng với các nhà băng Việt”, là nhận định được nhiều chuyên gia phân tích đưa ra theo xu hướng phát triển của thị trường tài chính hiện đại.

Theo Chứng khoán VPBank (VPBankS): “Các ngân hàng cần chuẩn bị để phục vụ khách hàng bán lẻ tốt hơn nhằm duy trì lòng trung thành của họ trong việc sử dụng ngân hàng làm tài khoản thanh toán chính. Do vậy các ngân hàng sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào công nghệ”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng trong dài hạn, khi NIM của ngân hàng Việt Nam dần xuống thấp, tương tự như xu hướng đã diễn ra ở các nền kinh tế phát triển, tỷ lệ CASA sẽ trở thành một yếu tố quyết định tới lợi nhuận nhà băng.

Chuyên gia cho biết thêm việc tỷ lệ CASA đạt kỷ lục vào năm 2021 là nhờ yếu tố thời vụ đặc biệt khi người dân vẫn còn mặn mà với bảo hiểm, chứng khoán. Tuy nhiên đến hiện nay, khi thị trường bất động sản, tiền mã hóa lấn át các thị trường tài chính truyền thống, tiền gửi CASA không thể duy trì được động lực tăng trưởng.

 

Trong báo cáo phân tích triển vọng ngân hàng năm 2025 mới đây, các chuyên gia của Chứng khoán BSC dự báo NIM toàn ngành sẽ cải thiện ở mức khiêm tốn, với mức tăng bình quân dưới 0,1 điểm % so với năm 2024. Tuy nhiên, một số ngân hàng sẽ có sự phục hồi vượt trội nhờ chiến lược đặc biệt, đơn cử như Techcombank có thể cải thiện NIM 0,15% nhờ chi phí vốn thấp và chính sách lãi suất linh hoạt.

Có thể hình dung rằng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao, chủ trương giảm lãi suất cho vay ra nền kinh tế của nhà điều hành, chiến lược về CASA đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều ngân hàng để cải thiện biên sinh lời hay lợi nhuận của mình.

 

H.T