|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đợt COVID-19 bùng phát mạnh nhất từ trước đến nay ở TP HCM: 90 ca trong ba ngày, nguy cơ lây lan các tỉnh thành lân cận

17:19 | 29/05/2021
Chia sẻ
Từ tối muộn 26/5 đến nay, TP HCM ghi nhận tổng cộng 90 bệnh nhân COVID-19, nhiều nhất so với ba đợt dịch. Đây cũng là lần đầu tiên thành phố thực hiện cuộc tầm soát thần tốc cho khoảng 50.000 người dân trên địa bàn phường 15, quận Gò Vấp.

Chỉ trong ba ngày, tình hình dịch COVID-19 tại có nhiều diễn biến mới. Số bệnh nhân tại đây liên tục tăng, chủ yếu liên quan nhóm tôn giáo ở quận Gò Vấp. TP HCM trở thành tỉnh thành thứ 6 ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất trong đợt dịch này.

Sau 3 ngày, TP HCM có 90 ca nhiễm COVID-19 liên quan tới 2 chuỗi lây nhiễm cộng đồng không rõ nguồn lây - Ảnh 1.

Chùm lây nhiễm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng có tốc độ lây lan nhanh do nhiễm chủng virus Ấn Độ. (Ảnh: Zing).

Đợt bùng phát dịch mạnh nhất của TP HCM chỉ trong thời gian ngắn

Tính từ đầu đợt dịch thứ tư đến nay, TP HCM đã ghi nhận 4 chuỗi lây nhiễm cộng đồng. Chùm lây nhiễm thứ nhất gồm hai ca tại một công ty quận 3 (nhiễm biến chủng Anh). Chùm lây nhiễm thứ hai tại hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3 (nhiễm chủng Ấn Độ) gồm 5 ca.

Đáng chú ý là hai chuỗi ca lây nhiễm cộng đồng mới được phát hiện trong 3 ngày gần đây với số ca nhiễm tăng lên tới 90.

Tối ngày 26/5, TP HCM phát hiện 3 trường hợp dương tính COVID-19 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Qua điều tra dịch tễ, xác định cả 3 người này đều là thành viên của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, có địa chỉ sinh hoạt tại tại đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp.

Tính đến trưa ngày 29/5, chùm lây nhiễm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng (nhiễm biến chủng Ấn Độ) đã phát hiện được 85 ca liên quan. Đặc biệt, số người liên quan đến chuỗi ca bệnh này lên tới 12.000 người rải rác ở16 quận huyện.

"Ca bệnh đã xuất hiện rải rác tại hơn 50% số quận huyện của thành phố, với đặc điểm chủng virus lây nhanh, mạnh nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan trong thành phố là rất cao, do mức độ người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc lao động, học tập, sinh hoạt.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM

Ngoài ra, TP HCM cũng ghi nhận tổng cộng 5 ca liên quan đến chuỗi lây nhiễm của cặp vợ chồng thai phụ ngụ tại chung cư Sen Xanh (quận Tân Phú). Chùm ca bệnh này được phát hiện khi đi khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vào ngày 27/5. Hiện vẫn chưa xác định chùm ca bệnh này nhiễm biến chủng virus nào của SARS-CoV-2.

Như vậy, trải qua ba đợt bùng phát dịch, "làn sóng" dịch COVID-19 lần thứ 4 này có thể coi là đợt bùng phát dịch mạnh nhất của TP HCM khi liên tiếp ghi nhận các ổ dịch COVID-19 không rõ nguồn gốc. Với hai chùm lây nhiễm cộng đồng, TP HCM đã ghi nhận 90 ca nhiễm tại 12 quận huyện chỉ trong 3 ngày.

Cuộc tầm soát COVID-19 quy mô lớn nhất - thần tốc xét nghiệm 50.000 người trong đêm

Chiều ngày 28/5, ngành y tế TP HCM đã phát hiện 5 mẫu gộp có kết quả nghi nhiễm COVID-19 tại phương 15, quận Gò Vấp. Những mẫu xét nghiệm này đều thuộc khu vực phong tỏa do liên quan đến các ca lây nhiễm thuộc chùm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng.

Ngay lập tức, TP HCM đã gấp rút thực hiện cuộc tầm soát COVID-19 thần tốc cho khoảng 50.000 người dân trên địa bàn phường 15, quận Gò Vấp. Đây được coi là đợt lấy mẫu lớn nhất từ trước tới nay tại TP HCM, kéo dài suốt đêm 28 đến rạng sáng ngày 29.

Sau 3 ngày, TP HCM có 90 ca nhiễm COVID-19 liên quan tới 2 chuỗi lây nhiễm cộng đồng không rõ nguồn lây - Ảnh 2.

Người dân thuộc phường 15, quận Gò Vấp được tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ngay trong đêm. (Ảnh: Zing).

Nhiều bệnh viện lớn phong tỏa tạm thời, dừng tiếp nhận bệnh nhân

TP HCM hiện đang tiến hành phong tỏa 44 khu vực ở 16 quận huyện, phần lớn liên quan ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. Trong đó, 3 bệnh viện Gia Định, Hoàn Mỹ và Tân Phú phải phong tỏa do các ca nhiễm từng đến khám.

Ngay trong đêm 26/5 khi phát hiện ba trường hợp dương tính lần 1 từng khám tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, bệnh viện này đã phải phong tỏa, cách ly tạm thời

Sau 3 ngày, TP HCM có 90 ca nhiễm COVID-19 liên quan tới 2 chuỗi lây nhiễm cộng đồng không rõ nguồn lây - Ảnh 3.

Bệnh viện quận Tân Phú đã phải khẩn cấp phong tỏa, tạm thời ngưng nhận bệnh nhân sau khi phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 tới khám. (Ảnh: Thanh niên).

Tiếp đó, sáng 28/5, Bệnh viện quận Tân Phú đã phải khẩn cấp phong tỏa, tạm thời ngưng nhận bệnh nhân để điều tra, truy vết liên quan ba trường hợp dương tính nCoV là ba, mẹ và con gái, ngụ tại quận Tân Phú.

Đáng chú ý, ba trường hợp này đều không khai báo trung thực nên đã được bệnh viện chuyển đến khám tại khoa tai mũi họng. Tại đây, nhân viên y tế đã phải khai thác thêm thông tin mới biết được 3 người này là hội viên của Hội thánh Truyền giáo Phục hưng nên đã lấy mẫu xét nghiệm và đưa đi cách ly tập trung. Hiện 9 nhân viên y tế tiếp xúc gần với 3 trường hợp này đều đã được cách ly tập trung.

Chiều ngày 28/5, Bệnh viện Quân dân y Miền Đông cũng được Sở Y tế thông báo việc có ca dương tính phát hiện ở Bệnh viện Nhân dân Gia định đã từng đi khám tại đây.

Liên quan đến chùm ca bệnh tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, bệnh viện này tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch ngay sau khi phát hiện trường hợp cặp vợ chồng thai phụ có kết quả dương tính sáng 28/5.

Chiều 29/5, Bệnh viện quận Bình Thạnh cũng phải tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân sau khi phát hiện một trường hợp nghi nhiễm từ Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đến thăm khám.

Nguy cơ bùng phát dịch sang các tỉnh thành lân cận, khu công nghiệp

Trong hai chuỗi lây nhiễm cộng đồng gần đây thì chuỗi lây nhiễm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng có nguy cơ lây lan rộng với số F1, F2 lên tới gần 39.000 người

Đặc biệt, hiện đã xuất hiện những ca dương tính liên quan đến chuỗi lây nhiễm này tại các tỉnh thành lân cận TP HCM.

Sau 3 ngày, TP HCM có 90 ca nhiễm COVID-19 liên quan tới 2 chuỗi lây nhiễm cộng đồng không rõ nguồn lây - Ảnh 4.

Ngành y tế đã lấy mẫu cho 700 công nhân, nơi có trường hợp dương tính COVID-19 liên quan đến chùm ca Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, ngay trong đêm. (Ảnh: HCDC).

Sáng 28/5, Sở Y tế Long An đã thông tin về ca mắc COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng là BN6325, nam, cư trú tại ấp 4, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, Long An. Trường hợp này ngồi chung bàn với một ca F0 liên quan đến chùm ca bệnh Hội thánh Truyền giáo Phục hưng.

Qua truy vết, ngành y tế địa phương đã xác định được 19 trường hợp F1, 103 trường hợp F2 liên quan đến BN6326. Sau đó, UBND tỉnh Long An đã ra quyết định thiết lập vùng cách ly tại tổ 17, ấp 4, xã Long Hậu, nơi gia đình BN6325 sinh sống.

Ngày 28/5, CDC tỉnh Bình Dương cũng phát thông báo truy tìm các trường hợp F1, F2 liên quan đến mục sư của Hội thánh Truyền giáo Phục hưng tại thị xã Tân Uyên. Trước đó, ngày 9/5, mục sư này đã đến Bình Dương để truyền đạo cho 8 người thuộc nhiều khu vực khác nhau. Hiện, tỉnh Bình Dương đã truy vết được 13 trường hợp F1 và đang tiếp tục truy vết các F1, F2.

Điều này cho thấy nguy cơ dịch lây từ cộng đồng dân cư vào khu công nghiệp hoặc ngược lại thông qua người lao động. Môi trường làm việc và sinh hoạt trong khu công nghiệp đông người là điều kiện cho dịch lan nhanh ra cộng đồng.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM

Chiều 28/5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cũng cho biết thêm về hai trường hợp là thành viên của hội giáo này. Theo đó, một trường hợp đã được cách ly tại TP HCM, trường hợp còn lại đã được đi cách ly tập trung tại Đồng Nai vào tối 26/5. Hiện, tỉnh đã truy vết và đưa đi cách ly 4 người có tiếp xúc gần với ca dương tính liên quan đến chuỗi ca bệnh Hội thánh Truyền giáo Phục hưng.

Cũng trong tối ngày 28/5, CDC tỉnh Lâm Đồng đã phát đi thông báo khẩn tìm những người tiếp xúc với BN6437 (bệnh nhân liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng) có lịch trình di chuyển đến 13 địa điểm trên TP Đà Lạt từ ngày 22/5 đến 23/5.

Sáng 29/5, Sở Y tế Tây Ninh thông báo về một trường hợp dương tính COVID-19 cộng đồng đầu tiên của tỉnh là BN6659, nam, 2 tuổi, địa chỉ tại thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Trường hợp này là F1 của BN6447 (mẹ), liên quan đếng ổ dịch nhóm tôn giáo, đã được cách ly.

Điểm đáng ngại của ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là có hai trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 làm việc tại Khu Công nghiệp Tân Bình và Công viên phần mềm Quang Trung. Đồng thời, sau khi xét nghiệm 400 nhân viên làm việc chung tòa nhà tại Công viên phần mềm Quang Trung, nơi bệnh nhân COVID-19 của Hội thánh Truyền giáo Phục hưng làm việc, đã có ba trường hợp F1 dương tính với SARS-CoV-2.

Phương Trang

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thể mang về 22 tỷ USD, tạo ra thị trường xây dựng hơn 33 tỷ USD
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến các nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD và các hoạt động thương mại dự kiến sẽ mang về khoảng 22 tỷ USD. Bên cạnh đó, dự án này cũng sẽ tạo ra thị trường xây dựng 33,5 tỷ USD.