|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp xây lắp mà ông Nguyễn Đức Hưởng vừa gia nhập HĐQT: Kinh doanh thua lỗ nhưng cổ phiếu vẫn tăng bằng lần

18:24 | 25/11/2021
Chia sẻ
Trước khi ông Nguyễn Đức Hưởng - doanh nhân tiếng tăm trong giới ngân hàng gia nhập HĐQT và muốn sở hữu gần 25% cổ phần của CMS thì doanh nghiệp xây lắp này đã có chuỗi tăng phi mã bất chấp tình hình kinh doanh thua lỗ.
Doanh nghiệp xây lắp - nơi ông Nguyễn Đức Hưởng vừa gia nhập HĐQT: Kinh doanh thua lỗ nhưng cổ phiếu vẫn tăng bằng lần - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Hưởng. (Đồ hoạ: Alex Chu).

Chuyển động lớn trong cơ cấu cổ đông

Sau hơn ba năm rời ghế Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - Mã: LPB), ông Nguyễn Đức Hưởng bất ngờ tái xuất và ngồi ghế thành viên HĐQT của CTCP CMVIETNAM (Mã: CMS) từ ngày 22/11 với vai trò giám sát các hoạt động của ban điều hành và hoạt động sản xuất kinh doanh của CMS.

Đáng chú ý, không chỉ ngồi ghế HĐQT mà chỉ vài ngày sau nhậm chức, ông Hưởng đã đăng ký mua vào hơn 3,7 triệu cổ phiếu CMS từ 29/11 - 29/12, tương đương 21,56% vốn để nâng sở hữu lên 24,9%. Trước khi gia nhập HĐQT của CMS, ông Hưởng sở hữu 570.000 cổ phiếu, ứng với 3,34% vốn tại đây.

Ông Phạm Minh Phúc (1977), Chủ tịch HĐQT đang là cổ đông lớn nhất nắm 50,23% vốn của CMS. Tuy nhiên ngay khi ông Hưởng đăng ký mua vào 21,56% cổ phần thì ông Phúc cũng đồng thời đăng ký bán ra gần 1,64 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 9,53% từ ngày 29/11 - 29/12.

Bên cạnh đó, ông Kim Ngọc Nhân (1974), Phó Chủ tịch HĐQT kiêm CEO cũng đăng ký bán ra 3,64% cổ phần trong tổng 9,45% vốn đang sở hữu tại CMS cùng khoảng thời gian trên.

Trước khi ông Hưởng chính thức ngồi ghế HĐQT của CMS, một cổ đông lớn và nhóm có người liên quan tới lãnh đạo công ty như em ruột và em dâu của Chủ tịch, mẹ của thành viên HĐQT liên tục bán ra cổ phiếu.

CMS là một doanh nghiệp ít tên tuổi trên thị trường chứng khoán và chỉ nổi lên thời gian gần đây nhờ cổ phiếu CMS liên tục tăng phi mã, nằm trong Top những cổ phiếu tăng mạnh nhất trên HNX và tính chung trên cả ba sàn.

Giá cổ phiếu CMS đã cao gấp 4,74 lần chỉ trong vòng một tháng qua, kết phiên 25/11 CMS tiếp tục tăng trần lên 23.400 đồng/cp. Giá trị vốn hóa hết phiên 24/11 chỉ hơn 402 tỷ đồng.

Doanh nghiệp xây lắp - nơi ông Nguyễn Đức Hưởng vừa gia nhập HĐQT: Kinh doanh thua lỗ nhưng cổ phiếu vẫn tăng bằng lần - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu CMS ba tháng qua. (Nguồn: TradingView).

CMS có gì?

Ông Nguyễn Đức Hưởng bất ngờ gia nhập HĐQT và muốn thành cổ đông lớn của một doanh nghiệp ít tên tuổi đang gây sự chú ý của nhiều nhà đầu tư.

CMS thành lập năm 2007, có vốn điều lệ 172 tỷ đồng và hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, thủy điện.

Một số dự án thầu lớn CMS đã triển khai gồm: Dự án thủy điện Sendje tại Ghi Nê Xích Đạo (giá trị hợp đồng 443 tỷ đồng), dự án thủy điện Xepian Xenamnoy tại Lào (171 tỷ), thủy điện Xayabury tại Lào (112 tỷ), dự án đường hầm giao thông tại Algeria (462 tỷ), hầm thủy điện Ulu Jelai tại Malaysia (52 tỷ),...

Trên báo cáo tài chính hợp nhất quý III không thuyết minh chi tiết các dự án đang triển khai nhưng theo báo cáo tài chính bán niên thì tại ngày 30/6, CMS đang thi công dở dang các dự án thủy lợi ở Đắk Lắk, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng,...

Doanh nghiệp xây lắp - nơi ông Nguyễn Đức Hưởng vừa gia nhập HĐQT: Kinh doanh thua lỗ nhưng cổ phiếu vẫn tăng bằng lần - Ảnh 3.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên sau soát xét.

Hoạt động kinh doanh trượt dốc ba năm gần đây

Từ năm 2016 tới nay, kết quả kinh doanh của CMS bắt đầu trượt dốc khi năm 2018 công ty lần đầu báo lỗ hơn 330 triệu đồng. Hồi phục năm 2019, CMS lại tiếp tục lỗ nặng 14 tỷ đồng năm 2020 và tiếp tục lỗ gần 9 tỷ đồng ba quý đầu năm nay dưới tác động của dịch COVID-19.

Liên tục thua lỗ khiến công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/9 âm gần 3 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm nay, CMS đạt 133 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là doanh thu từ hợp đồng xây dựng trong nước và phần nhỏ từ nước ngoài.

Bất chấp kết quả kinh doanh thua lỗ nhưng cổ phiếu CMS vẫn tăng bằng lần thời gian qua.

CMS - Ảnh 2.

Sắp xóa gần 45 tỷ nợ xấu và sẽ hồi tố trên báo cáo tài chính năm 2020

Quy mô tài sản cuối quý III của CMS đạt gần 396 tỷ đồng. Tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn tại ngày 30/9 khoảng 64,5 tỷ đồng, giảm khoảng 20% so với đầu năm.

Khoản phải thu chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 45%) có giá trị 177 tỷ đồng, trong đó CMS đã trích lập dự phòng 50 tỷ đồng và đa số nằm ở các khoản ngắn hạn. So với đầu năm, khoản phải thu đã tăng 39% chủ yếu ở khoản tạm ứng cho Chủ tịch CMS tại công ty con để đứng tên sở hữu các lô đất tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

CMS - Ảnh 3.

Các khoản nợ xấu của CMS trên báo cáo tài chính quý III. (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý III).

Cùng ngày ông Hưởng gia nhập HĐQT, HĐQT của CMS đã thông qua phương án xử lý số nợ xấu nói trên. HĐQT quyết định xóa các khoản nợ phải thu, phải trả, sản lượng dở dang chưa nghiệm thu và chi phí dở dang ở dự án Sông Bạc tồn đọng từ trước năm 2013 với giá trị hơn 44 tỷ đồng.

Ngoài ra, CMS cũng sẽ xóa nợ phải thu tiền ứng trước mua hàng cho Công ty TNHH Thiết bị và Xây dựng Phoenix gần 265 triệu đồng.

CMS sẽ hoàn số dư "quỹ đầu tư phát triển" hơn 5 tỷ đồng về "lợi nhuận sau thuế chưa phân phối" để bù đắp các khoản xử lý trên.

Các tổn thất tài chính và giá trị bù đắp tổn thất nói trên sẽ được CMS thực hiện hồi tố vào báo cáo tài chính năm 2020, do năm 2020 là năm gần nhất có thể hồi tố và kiểm toán viên đã có ý kiến ngoại trừ các vấn đề này trong báo cáo năm ngoái. 

Tại ngày 30/9, tổng nợ đi vay của CMS chưa tới 25 tỷ, đều là nợ ngắn hạn và chủ yếu của ngân hàng. Khoản này đã đã tăng gần 6,8 lần so với đầu năm.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Kiều

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.