|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Doanh nghiệp điện than, thuỷ điện sẽ khả quan nửa cuối năm'

11:21 | 06/07/2021
Chia sẻ
VNDirect nhận định doanh nghiệp điện than, thuỷ điện sẽ khả quan nửa cuối năm trong khi các công ty điện khí sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2021 nhưng sẽ dần hồi phục từ năm 2022.

Điện mặt trời bùng nổ năm 2021 nhưng vẫn còn nhiều thách thức

Năng lượng tái tạo chủ yếu là điện mặt trời và điện gió, phát triển mạnh ở khu vực miền Trung và miền Nam, được hỗ trợ chi phí đầu tư đối với các dự án mới. 

Trong báo cáo chiến lược của Chứng khoán VNDirect dự đoán năng lượng tái tạo tăng trưởng với tốc độ cao với tỷ lệ tăng trưởng kép 7,7% giai đoạn 2020-2045. 

Năng lượng tái tạo ghi nhận tăng tưởng mạnh mẽ nhưng hệ thống truyền dẫn chưa đủ tương thích để tận dụng tối đa hiệu quả. Công suất lắp đặt chiếm tới 28,9% nhưng sản lượng điện từ năng lượng tái tạo chỉ đạt 11,8% trong 5 tháng đầu năm. 

Tuy nhiên, VNDirect cho rằng năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới khi các hệ thống lưới điện dần phát triển theo như dự thảo Quy hoạch điện VIII.

'Doanh nghiệp điện than, thuỷ điện sẽ khả quan nửa cuối năm' - Ảnh 1.

Với điện mặt trời, tổng lượng điện sản xuất là 11,48 tỷ kWh trong 5 tháng đầu năm, cao hơn mức ghi nhận 10,6 tỷ kWh trong năm 2020. Tổng công suất lắp đặt đạt 16.500 MW trong 2020, gần đạt kế hoạch năm 2025 là 17.200 MW theo dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Thách thức đối với điện mặt trời là vẫn còn thiếu sót về cơ sở hạ tầng trong việc truyền tải năng lượng, các dự án gắn với đất cần xem xét các quyền về đất đai và dự án sau 2020 không còn được hưởng ưu đãi về giá bán điện.

Về điện gió, tổng công suất điện gió tính đến tháng 5/2021 đạt 1.400 MW, mới chỉ đạt được 5,1% so với tổng tiềm năng. Công suất điện gió có thể tăng mạnh trong năm 2021 để được hưởng ưu đãi về giá, VNDirect nhận định.

Dự kiến 105 dự án điện dự kiến đi vào hoạt động trước tháng 11/2021. Các dự án điện hoạt động sau tháng 11/2021 có thể được hưởng ưu đãi về giá cao hơn so với các dự án điện khác.

'Doanh nghiệp điện than, thuỷ điện sẽ khả quan nửa cuối năm' - Ảnh 2.

Doanh nghiệp điện than, thuỷ điện sẽ khả quan hơn nửa cuối năm  

Các nhà máy nhiệt điện than thì chậm triển khai do công tác đầu tư. 5 tháng đầu năm, sản lượng nhiệt điện giảm 6,8% so với cùng kỳ xuống 54,1 tỷ kWh do than tăng giá từ tháng 1/2021 và sản lượng than nhập khẩu tăng. 

Bộ phận phân tích dự báo giá than và nhu cầu nhập khẩu vẫn còn tăng cao trong năm 2021. Tuy nhiên, nhiệt điện than vẫn có lợi thế bởi tính chất ổn định của nguyên liệu và giá bán rẻ. Do đó, VNDirect cho rằng các công ty nhiệt điện than vẫn có thể đạt được kết quả khả quan trong nửa cuối năm 2021.

'Doanh nghiệp điện than, thuỷ điện sẽ khả quan nửa cuối năm' - Ảnh 3.

Còn nhiệt điện khí là nguồn cung cấp chính nhờ tính ổn định và khả năng nhập khẩu khí LNG ngày càng tăng. Ước tính nhiệt điện khí tăng trưởng kép 8,4% trong giai đoạn 2020 - 2045. 

Nhiệt điện khí giảm 16,8% đạt 13,3 tỷ kWh trong 5 tháng đầu năm do sự tăng giá đầu vào (dầu, khí đốt) từ tháng 3/2020. Giá dầu được dự báo dao động quanh mức 75 USD/thùng trong năm 2021 và giảm xuống mức 50-60 USD/thùng trong năm 2022. 

Do đó, VNDirect nhận định các công ty điện khí sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2021 và dần hồi phục từ năm 2022.

'Doanh nghiệp điện than, thuỷ điện sẽ khả quan nửa cuối năm' - Ảnh 4.

Mặc dù nhận thấy tiềm năng của nhiệt điện LNG rất cao vì tính ổn định của nó (so với tính chất gián đoạn của NLTT), các chuyên gia phân tích vẫn đánh giá đây là câu chuyện dài hạn từ năm 2023 trở đi do các quy định về dự án điện LNG chưa rõ ràng.

Với thủy điện gần như đã khai thác hết công suất. Tổng dự án thủy điện chỉ tăng thêm khoảng 4.000 MW và không có dự án nào lớn có công suất hơn 100 MW trong giai đoạn 2020-2045.

Trong 5 tháng đầu năm, thủy điện sản xuất 24,01 tỷ kWh, chiếm 23,1% tổng sản lượng điện toàn quốc nhờ lượng mưa dồi dào do hiệu ứng La Nina. Theo kết quả NOAA dự báo, khả năng xuất hiện của La Nina khá cao, VNDirect cho rằng các công ty thủy điện sẽ đạt kết quả khả quan hơn trong nửa cuối năm 2021.

'Doanh nghiệp điện than, thuỷ điện sẽ khả quan nửa cuối năm' - Ảnh 5.

Giá bán điện sẽ ổn định năm nay, thiếu điện vẫn còn tiếp diễn

Tiêu thụ điện tăng 7,3% trong 5 tháng đầu năm nhờ mở rộng các hoạt động sản xuất. Về phía cung ứng, tổng công suất lắp đặt đạt 69.300 MW trong năm 2020, cao hơn so với kế hoạch trong dự thảo quy hoạch điện 7 là 60.000MW. 

VNDirect dự báo giá điện bình quân (ASP) sẽ ổn định trong năm 2021 chủ yếu nhờ thủy điện và sẽ tăng dần lên từ năm 2022 nhờ sự đóng góp của điện khí và năng lượng tái tạo (NLTT).

'Doanh nghiệp điện than, thuỷ điện sẽ khả quan nửa cuối năm' - Ảnh 6.

Ước tính tăng trưởng kép nhu cầu điện đạt 8,9% từ năm 2021. Nhiều dự án điện truyền thống (điện khí, điện than và thủy điện) với tổng công suất hơn 7.000 MW chậm hơn so với tiến độ trong giai đoạn 2016 - 2020 do chậm trễ trong công tác đầu tư. Do đó, dự báo tình trạng thiếu điện sẽ còn tiếp diễn đến năm 2024.

'Doanh nghiệp điện than, thuỷ điện sẽ khả quan nửa cuối năm' - Ảnh 7.

Giá bán điện bình quân sẽ phục hồi nhờ chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo theo dự thảo quy hoạch điện VIII cùng với dự báo thiếu điện khi nền kinh tế phục hồi sau COVID-19. 

Bên cạnh đó, giá than và giá dầu tăng cao thúc đẩy tăng giá nhiệt điện than và nhiệt điện khí truyền thống. Cùng với sự gia nhập của các nhà máy mới khi đi vào hoạt động sử dụng các nguyên liệu đầu vào (như khí gas lỏng, than chất lượng cao…) có giá thành cao sẽ giúp giá bán điện hồi phục.

'Doanh nghiệp điện than, thuỷ điện sẽ khả quan nửa cuối năm' - Ảnh 8.

Hoàng Kiều