Doanh nghiệp chăn nuôi sắp lên HOSE: Doanh thu trên chục nghìn tỷ mỗi năm, lãi đột biến 245 tỷ đồng ba quý đầu 2021
Ngày 3/12 tới đây, 78 triệu cổ phiếu BAF của CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam sẽ chính thức giao dịch trên HOSE với giá tham chiếu 20.000 đồng/cp, tương đương vốn hoá khi lên sàn là 1.560 tỷ đồng.
Trước đó vào cuối tháng 8, công ty đã chào bán thành công 28 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với giá 20.000 đồng/cp, tương ứng số tiền thu về 560 tỷ. Sau đợt IPO, vốn điều lệ của công ty tăng từ 500 lên 780 tỷ đồng.
Về cơ cấu cổ đông, cập nhật tại ngày 13/9, có 333 nhà đầu tư hoàn toàn là cá nhân rót vốn vào BaF. Trong đó bà Bùi Hương Giang, Tổng giám đốc công ty nắm 13,26%, còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Phan Ngọc Ấn sở hữu 6,35% vốn góp chủ sở hữu. Trong khi trước đó vào cuối tháng 6, hai cá nhân này lần lượt nắm 50% và 30% vốn điều lệ.
Thành lập hơn 4 năm, ROE thuộc top đầu ngành
Theo giới thiệu, Nông nghiệp BaF Việt Nam (BaF) được thành lập từ năm 2017 với vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng. Công ty hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi heo, chế biến và cung ứng thực phẩm sạch. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, BaF hướng đến mục tiêu xây dựng mô hình Feed - Farm - Food (3F) khép kín.
Theo thống kê một số công ty trong ngành, xét về doanh thu, con số tạo ra 9 tháng đầu năm 2021 của BaF bằng 60% so với Masan MeatLife và nhỉnh hơn so với Dabaco hay Vissan.
Mặt khác, tỷ suất lợi nhuận tạo ra trên vốn chủ sở hữu (ROE) lại thuộc top đầu với 25,25% và bỏ xa nhiều công ty thâm niên khác.
Hiện thực hoá mô hình 3F, cuối tháng 11/2019, BaF đã nhập lô lợn 1.000 con heo giống cụ kỵ từ Tập đoàn Genesus của Canada và độc quyền ký với Generus nguồn giống heo tại Việt Nam và Myanmar. Mục tiêu tới 2023 của BaF đạt 45.000 con heo nái và 1 triệu heo thịt thương phẩm.
Sau 4 năm, BaF đã phát triển hệ thống 14 trang trại heo trải dài từ Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Bình Thuận, Phú Yên cho đến các tỉnh Đông Nam Bộ như Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu. Công ty đang tiếp tục phát triển số lượng trang trại toàn quốc và mở rộng quy mô sang Myanmar.
Cuối tháng 6, BaF được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư hai dự án chăn nuôi ở huyện Tân Kỳ với tổng mức đầu tư hai dự án là 1.240 tỷ đồng.
Kế hoạch công bố trên website chính thức cho thấy doanh nghiệp xây dựng mục tiêu đạt 250.000 heo thương phẩm cho năm nay, và năm sau gấp 2,2 lần, tức 550.000 heo thương phẩm/năm.
Lợi nhuận đa phần đến từ bán nông sản
Đi sâu hơn về tình hình kinh doanh, doanh thu thuần của BaF hằng năm ghi nhận trên dưới 10.000 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản khoảng 7.483 tỷ đồng.
Dù định hướng là doanh nghiệp chăn nuôi song giai đoạn 2018 - 2020, mảng nông sản (bán lúa mì, ngô hạt,...) lại đóng góp chính vào tổng doanh thu của BaF với tỷ trọng trên 97%.
Công ty cho biết mảng nông sản mang lại nhiều doanh thu nhưng biên lợi nhuận tạo ra rất thấp, chỉ 1% - 2%. Công ty nhận định "đây là một sân chơi khó đối với doanh nghiệp trẻ như BaF".
Do đó từ năm 2020, công ty đẩy mạnh hơn hoạt động chăn nuôi và giảm tỷ trọng phần bán nông sản. 9 tháng đầu năm 2021, phần đóng góp của mảng này đã giảm còn 94%.
Tạo doanh thu hàng chục nghìn tỷ nhưng lợi nhuận BaF đem về đều dưới 50 tỷ đồng giai đoạn 2018 - 2020. Song con số 9 tháng 2021 lại có sự đột biến khi công ty lãi sau thuế 245 tỷ đồng, gấp 8 lần cùng kỳ năm trước và thực hiện 65% kế hoạch năm.
Bên cạnh yếu tố năng suất đàn lợn được đảm bảo (doanh thu gấp đôi cùng kỳ) do công ty thuyết minh thì việc giảm mạnh chi phí lãi vay từ 105 tỷ còn 6 tỷ cũng đã đẩy lợi nhuận công ty tăng cao so với cùng kỳ.
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của BAF.
Tính riêng mảng heo, năm 2019 công ty lỗ trước thuế hơn 7 tỷ ở mảng này bắt đầu có lãi từ năm 2020. 9 tháng đầu năm nay, doanh thu bán heo đạt 490 tỷ, tăng 15% nhưng lãi trước thuế gần 144 tỷ đồng, gấp gần 2,6 lần năm 2020.
Về tình hình tài chính, trong tổng 7.483 tỷ đồng tài sản tại ngày 30/9 của BaF, khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 64%, còn hàng tồn kho chưa tới 1/6.
Một danh sách dài các đối tác phải thu nợ của BaF đến từ các công ty có liên quan đến đến hệ sinh thái đa ngành Tân Long Group của Chủ tịch Trương Sỹ Bá, trong đó có thể kể đến các khoản phải thu như Công ty TNHH Thương mại và Phát triển dịch vụ Sơn La (561 tỷ đồng), Tập đoàn Tân Long (492 tỷ đồng), CTCP Xuất nhập khẩu Rau quả I (246 tỷ đồng), tại ngày 30/9...
Ngoài ra hơn 3.000 tỷ đồng phải thu không được thuyết minh. Tương tự, các khoản phải trả người bán ngắn hạn cũng lên tới 5.618 tỷ đồng, chiếm 3/4 tổng nguồn vốn.
Tiền, tương đương tiền, chứng khoán kinh doanh và tiền gửi ngân hàng dưới một năm của BaF hơn 541 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với đầu năm.
Ngoài ra tại cuối tháng 9, doanh nghiệp chăn nuôi này chỉ đi vay 91 tỷ đồng, phần lớn từ các ngân hàng trong khi trước đó công ty phát sinh vay nhà băng là 3.102 tỷ đồng trong năm 2019 và 2020 là 1.062 tỷ đồng. Các khoản vay chủ yếu nhằm đầu tư các dự án trang trại chăn nuôi của công ty.