|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dân số thế giới già hóa nhanh chóng, nhà đầu tư nên phòng thân bằng vàng và cổ phiếu?

15:50 | 06/01/2025
Chia sẻ
Ngày càng nhiều chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần chuẩn bị cho sự thay đổi nhanh chóng của dân số thế giới.

Nhà đầu tư lớn tuổi quan sát bảng giá chứng khoán. (Ảnh: EPA). 

Một thế giới đang già đi

Bà Idanna Appio có kinh nghiệm làm việc 15 năm tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York với chuyên môn là các cuộc khủng hoảng nợ công. Hiện tại, bà là nhà quản lý quỹ tại công ty đầu tư First Eagle Investments có quy mô 138 tỷ USD.

Nhà kinh tế kiêm chuyên gia đầu tư dày dặn kinh nghiệm này đã rút ra một kết luận mà các nhà đầu tư nên chú ý. Đó là thế giới đang già đi nhanh chóng và mọi người cần chuẩn bị sẵn sàng cho danh mục. 

Thay vì trái phiếu kho bạc Mỹ - tài sản được coi là an toàn nhất thế giới - bà Appio chọn mua vàng để cân bằng các khoản đầu tư vào cổ phiếu và tín dụng. Theo bà, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài không đủ để bù đắp cho rủi ro Mỹ rơi vào khủng hoảng nợ công vì chính phủ đẩy mạnh vay nợ trong những năm gần đây. 

Các nhà quản lý tài sản lớn khác như BlackRock, Royal London Asset Management và DWS Group cũng đang tìm cách để đầu tư và bảo vệ tiền của khách hàng trong môi trường lạm phát nóng hơn, các chính phủ chi nhiều hơn cho y tế và thâm hụt ngân sách gia tăng.  

Theo tờ Bloomberg, sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến mọi loại tài sản trên các thị trường tài chính và tới mọi quốc gia, do đó không ai có thể đưa ra một giải pháp phù hợp cho tất cả.

Những chuyên gia đang chuẩn bị cho một thế giới già cỗi hơn có chung nỗi lo về lạm phát và vì vậy chiến lược của họ là giảm bớt trái phiếu, tăng cường nắm giữ cổ phiếu và hàng hóa. Họ cũng nhấn mạnh rằng đây là thách thức cần được chú ý ngay lập tức. 

 

Ông Erik Weisman, nhà quản lý danh mục tại công ty MFS Investment Management có quy mô 607 tỷ USD, chỉ ra: “Chúng ta thường nghĩ nhân khẩu học là một đoàn tàu di chuyển chậm chạp, nhưng thực tế không phải vậy. Con tàu đó đang lao về phía chúng ta và bạn sẽ bị cán nếu không rời khỏi đường ray”.

Nhiều dữ liệu gần đây cũng cho thấy giới đầu tư cần hành động khẩn trương. Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc đã xuống mức thấp kỷ lực, số liệu ở Italy và Đức đều đang trên đà giảm.

CEO tập đoàn BlackRock hùng mạnh và tỷ phú đầu tư Stanley Druckenmiller đã lên tiếng cảnh báo về khủng hoảng nghỉ hưu. Và dân số già hóa là một trong những nguyên nhân Mỹ bị Fitch Ratings hạ xếp hạng tín dụng năm ngoái.

Phòng vệ lạm phát

Nhiều chiến lược gia cho rằng khi dân số già hóa, lạm phát sẽ nóng lên vì khi đó thế giới sẽ có thêm nhiều người lớn tuổi tiêu tiền và có ít người trẻ để sản xuất hơn. Với quan điểm đó, một số loại tài sản trở nên đặc biệt hấp dẫn.

Royal London Asset Management tập trung vào các loại hàng hóa, bất động sản thương mại và thị trường cổ phiếu thiên về các công ty tài nguyên của Anh để phòng vệ danh mục khi thế giới già đi và lạm phát lên cao hơn. Công ty này có quy mô 205 tỷ USD.

Ông Trevor Greetham, Giám đốc bộ phận đầu tư đa tài sản của Royal London, chia sẻ: “Khi lập chiến lược phân bổ tài sản, chắc chắn là chúng tôi phải cân nhắc về hệ quả lạm phát do sự thay đổi của nhân khẩu học”.

 

Những nỗi lo về lạm phát có vẻ trái ngược với Nhật Bản - quốc gia có dân số già nhất thế giới - và hàng thập kỷ giảm phát cùng tăng trưởng chậm ở nước này.

Nhưng trải nghiệm của Nhật Bản nhiều khả năng gắn liền với các yếu tố đặc trưng của nước này và sẽ không lặp lại ở những nước khác. Ngoài ra, “thập kỷ mất mát” của Nhật Bản cũng bị tác động bởi áp lực thiểu phát từ hàng hóa giá rẻ Trung Quốc trong thế kỷ 21, theo cuốn sách “The Great Demographic Reversal” của hai tác giả Manoj Pradhan and Charles Goodhart.

Tuy nhiên, áp lực thiểu phát từ Trung Quốc đang suy yếu trong bối cảnh dân số nước này sụt giảm và Bắc Kinh đương đầu với căng thẳng thương mại từ Mỹ và châu Âu.

Ông Pradhan, cựu chuyên gia của Morgan Stanley và nhà sáng lập Talking Heads Macroeconomics, bình luận: “Nếu chúng ta coi Trung Quốc là bộ mặt của nhân khẩu học thế giới, tương lai có vẻ thiên về lạm phát hơn là giảm phát.

Hầu hết mọi nền kinh tế đều có chính sách xanh và nhiều nước đang tăng cường chi tiêu cho quân đội. Nhìn chung các quốc gia sẵn sàng kích thích nhu cầu và Trung Quốc không còn khả năng phục vụ nhu cầu đó đầy đủ như trước đây”.

 

Sức hút của cổ phiếu

Liên Hợp Quốc dự đoán tới năm 2050, khoảng 1/6 dân số thế giới sẽ là người từ 65 tuổi trở lên. Việc xác định khoản đầu tư đúng cho kịch bản đó là nỗi lo đặc biệt lớn với các quỹ hưu trí đang quản lý tổng cộng 50.000 tỷ USD trên toàn thế giới.

Bà Vera Fehling, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản DWS có quy mô 941 tỷ euro (khoảng 1.000 tỷ USD), khuyên các quỹ hưu trí chuyển tiền từ chứng khoán trả thu nhập cố định sang cổ phiếu, mua hợp đồng hoán đổi lạm phát, đầu tư vào các dự án hạ tầng có doanh thu gắn với lạm phát tương lai.

 

Thông thường khi một người gần đến tuổi nghỉ hưu, các nhà quản lý hưu trí của họ thường chuyển sang nắm giữ nhiều trái phiếu hơn để bảo vệ danh mục khỏi thay đổi thất thường của thị trường cổ phiếu. Nhưng ông Nathan Thooft, Giám đốc đầu tư của Manulife Investment Management, cho rằng thói quen này cần thay đổi.

Ông giải thích: “Ngay cả khi khách hàng đã nghỉ hưu, chúng tôi vẫn khuyên họ phân bổ ít nhất 50% danh mục cho cổ phiếu. Hầu hết mọi người không tiết kiệm đủ cho tuổi xế chiều nên họ cần chấp nhận rủi ro từ cổ phiếu để kiếm thêm tiền”.

Vào năm 2014, Quỹ Đầu tư Hưu trí Chính phủ Nhật Bản đã ra quyết định tương tự, chuyển đổi cơ cấu danh mục sang 50% cổ phiếu và 50% trái phiếu. Ông Stephen Jen, CEO Eurizon SLJ Capital, cho rằng các quỹ hưu trí Mỹ và châu Âu cần táo bạo hơn nữa và bắt chước mô hình 70% cổ phiếu - 30% trái phiếu của Na Uy. 

Giang