Đại diện nhóm cổ đông miền Bắc chất vấn: Hoàng Quân có sẵn sàng cho một cuộc thanh tra công khai hoặc cổ đông đưa hồ sơ lên Bộ Công an?
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 của CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Mã: HQC) sáng ngày 18/6, nhiều cổ đông chất vấn ban điều hành về nội dung nhiều năm liền doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh rất cao nhưng kết quả thực tế rất thấp, khiến cổ đông nhiều lần hi vọng rồi thất vọng.
Bên cạnh đó, cổ đông đặt vấn đề: Báo cáo hàng năm đều cho thấy Hoàng Quân có nhiều dự án rất tốt nhưng không rõ doanh thu, lợi nhuận như thế nào và đề nghị phía doanh nghiệp giải trình về một số nghiệp vụ đầu tư trong thời gian qua.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, thừa nhận 2021 là năm thứ 7 Hoàng Quân không hoàn thành kế hoạch kinh doanh và còn nhiều vấn đề chưa xử lý triệt để, trong đó có nợ thuế. Song, tính đến hiện tại, Hoàng Quân không nợ ngân hàng và không nợ trái phiếu.
Liên quan đến khoản đầu tư, Chủ tịch HQC cho rằng rất nhiều người, kể cả cổ đông hay nhầm lẫn giữa công ty Hoàng Quân (HQC) và tập đoàn Hoàng Quân. Hai doanh nghiệp này đều do ông Tuấn làm Chủ tịch HĐQT nhưng hoạt động độc lập.
Trong đó, Tập đoàn Hoàng Quân liên kết với khoảng 30 công ty thành viên. Còn HQC chỉ có công ty liên kết, không có công ty thành viên và bản thân HQC hiện nay có rất ít dự án.
Thông tin thêm, ông Tuấn cho biết HQC đang đầu tư tài chính vào nhiều công ty trong tập đoàn Hoàng Quân như Mê Kông, Cần Thơ,... Các khoản đầu tư này sẽ tạo ra dòng tiền từ năm nay.
“Phần lớn các công ty HQC đầu tư tài chính đều có báo cáo tài chính kiểm toán hàng năm. Kết thúc năm 2021, HQC đầu tư khoảng 2.100 tỷ vào 4 công ty. Ngược lại, nợ phải trả trên 3.000 tỷ, trong đó có tôi”, Chủ tịch HQC cho biết.
Sau khi nghe ban điều hành giải trình một số vấn đề nóng, đại diện nhóm cổ đông miền Bắc chia sẻ, “chúng tôi rất băn khoăn khi nhắc đến sự minh bạch. Liệu có bao giờ Chủ tịch thử suy nghĩ lựa chọn một cách khác để chứng minh sự minh bạch này không. Ví dụ Hoàng Quân sẵn sàng cho một cuộc thanh tra công khai hoặc nhóm cổ đông sẽ tập hợp và đưa hồ sơ lên Bộ Công an chẳng hạn?”
Theo phản hồi của ông Trương Anh Tuấn, hiện nay HQC có hơn 46.000 cổ đông, không phải ai cũng đồng tình với ý kiến của ông và mọi người tôn trọng sự khác biệt.
“Bất kỳ công ty nào phải tuân thủ pháp luật và tôi rất tự hào từ ngày HQC thành lập cho đến nay gần 22 năm. Có rất nhiều cấp thanh tra khác nhau từ trung ương đến địa phương. Để làm dự án nhà ở xã hội, việc thanh tra gấp đôi so với làm nhà ở thương mại.
HQC luôn luôn chủ động, tuân thủ việc thanh tra từ các cơ quan chức năng, kể cả cơ quan báo chí liên quan đến vấn đề về dư luận. Những công ty nhỏ làm sai còn bị bắt, huống gì HQC là một doanh nghiệp niêm yết”.
Cũng theo chia sẻ của Chủ tịch Hoàng Quân, thời gian qua trong bối cảnh “vàng thau lẫn lộn” còn đáng sợ hơn đại dịch, khi một số lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt liên quan đến các vụ án hình sự, nhiều cổ đông cũng nghi ngại và sợ mất vốn khi đầu tư vào HQC.
“Chúng tôi buộc phải rút toàn bộ các khoản đầu tư như ở Bình Thuận để đảm bảo an toàn cho các đối tác. HQC có kiểm toán và đã công bố thông tin.
Khoảng hai tuần nay, tôi mới thương lượng lại và đối tác nhận thấy sóng yên gió lặng, ông Chủ tịch còn ngồi đây, tuân thủ pháp luật, không nợ ngân hàng, không nợ trái phiếu,… Trước mắt, các bên không hợp tác với hình thức mua cổ phần nữa mà sẽ hợp tác thông qua các sản phẩm”, ông Tuấn nói.
Liên quan đến thông tin nhóm cổ đông muốn thâu tóm HQC, ông Tuấn cho rằng ban điều hành hoàn nghênh cổ đông mua nhiều cổ phiếu để cùng đồng hành cùng doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, nếu cổ đông hoặc một nhóm cổ đông nào đó mua nhiều cổ phiếu với mực đích vào HĐQT hay được gọi là thù địch thì chúng tôi không hoan nghênh.
Vào để lôi nhau ra tòa, làm việc này việc kia để xào xáo nội bộ chắc chắn không nên. Nhiều công ty và ngân hàng đã xảy ra việc này và người chịu ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất là khách hàng”, Chủ tịch Hoàng Quân thông tin đến cổ đông.