|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cuộc đua tôm chế biến đang nóng dần

07:00 | 09/02/2024
Chia sẻ
Hiện nay, các nước có lợi thế về tôm nguyên liệu giá rẻ như Ecuador. Ấn Độ đang định hướng chuyển sang phát triển về chiều sâu. Điều này khiến nhiều người lo ngại thế mạnh về chế biến của ngành tôm Việt Nam bị đe doạ.

 

Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam đã có dịp trao đổi với ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta về cuộc đua tôm chế biến trên thế giới. 

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta. (Ảnh: Tập đoàn PAN)

Vị thế dẫn đầu về tôm chế biến của Việt Nam đang lung lay?

Truyền thông nước ngoài những ngày gần đây đưa tin về đối thủ của ngành tôm Việt Nam bắt đầu bước chân vào cuộc đua chế biến. Cụ thể, ông lớn ngành tôm Ecuador là Sociedad Nacional de Galapagos (Songa) đang tăng cường đầu tư cho dây chuyền sản xuất hàng chế biến giá trị gia tăng cao. Công suất dự kiến khoảng 91 tấn tôm thẻ chân trắng nguyên liệu/ngày. Việc đầu tư này diễn ra trong bối cảnh giá tôm nguyên liệu tại Ecuador giảm sâu do nhu cầu yếu trong khi nguồn cung tăng.

Còn ngành tôm Ấn Độ đã đưa chương trình này vào chiến lược phát triển cách đây đã khá lâu. Từ đó, nhiều ý kiến lo ngại rằng vị thế ngành tôm của Việt Nam sẽ bị đe doạ. Bởi từ trước đến nay, chế biến sâu vẫn được coi là “vũ khí” để tồn tại trên thị trường thế giới vốn cạnh tranh khốc liệt về giá. 

Ecuador và Ấn Độ đang có giá thành tôm nguyên liệu rất rẻ, chưa kể vị trí địa lý cũng gần với những thị trường chính như EU và Mỹ.

Nếu họ chế biến sâu thành công con tôm thì điều này đồng nghĩa Việt Nam chịu sức ép rất lớn và áp lực cạnh tranh lúc này là trực tiếp về phân khúc cao cấp.

Theo đúng xu thế thì mọi ngành nên phát triển về chiều sâu (tức về chất). Như vậy sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao, càng khắt khe của người tiêu dùng, đồng thời nhà sản xuất sẽ có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn.

Về lý thuyết là như vậy. Tuy nhiên trên thực tế, tùy hoàn cảnh mỗi ngành nghề ở từng giai đoạn mà các nước có chiến lược theo đuổi về lượng, về chất hoặc cả hai.

Điểm lại, Ecuador đã tập trung tăng sản lượng tôm trong cả thập kỷ qua và đã thành công vượt bậc. Ấn Độ cũng nỗ lực tăng sản lượng từ 2010-2015 và thành công khi đạt sản lượng một triệu tấn tôm vào năm 2020. Ecuador cũng đạt mức này trong năm sau đó.

Hiện nay, Ấn Độ không tăng sản lượng nữa, trong khi Ecuador duy trì tốc độ tăng tốt 10-15% mỗi năm. Điểm chung của họ là đều đang hướng đến việc đi bằng cả “hai chân”: lượng và chất.

Thế nhưng, khả năng đẩy mạnh về “chất” của hai nước này ở hoàn cảnh khác biệt với ngành tôm Việt Nam. Ecuador có lợi thế là nhiều doanh nghiệp gia tộc có năng lực tài chính lớn. Nhưng họ bị hai áp lực là phải chế biến hết lượng tôm nguyên liệu quá lớn và lao động ngành chế biến thiếu hụt trầm trọng. Trong khi đó, làm hàng chế biến sâu mất nhiều thời gian hơn, đòi hỏi trình độ lao động trong sản phẩm nhiều hơn, thậm chí gấp đôi hàng chế biến bình thường.

Còn tại Ấn Độ, trong số hàng nghìn nhà máy chế biến, đa phần công suất chỉ ở mức vừa phải, khó tổ chức sản xuất để có nguồn hàng lớn cung ứng để các tổ chức phân phối, tiêu thụ lớn ở những thị trường chính.

 

Gần chục năm nỗ lực cho việc nâng cao đẳng cấp chế biến, ngành tôm Ấn Độ đã có những thành tựu ban đầu, nhưng mức độ vẫn còn thua xa ngành tôm chúng ta, có thể định lượng khoảng 5 tới 10 năm.

Giả sử các đối thủ đuổi kịp về trình độ chế biến thì ngành tôm Việt cũng sẽ có những bước tiến mới. Do đó, Việt Nam sẽ luôn giữ được khoảng cách nhất định về đẳng cấp chế biến với họ.

Tôm Việt Nam đã vươn lên, khẳng định vị trí hàng đầu về đẳng cấp chế biến và lần lượt chiếm lĩnh các thị trường, thị phần tôm cao cấp, nhất là ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Australia... Trình độ chế biến tôm của chúng ta đang không ngừng tăng, với mặt hàng mới ngày càng phong phú.

Nhiều người đặt vấn đề: “Vậy tại sao Ấn Độ hay Ecuador không thuê chuyên gia Việt Nam hay các nước khác có kinh nghiệm về chế biến tôm đến đào tạo họ?”.

Tuy nhiên trên thực tế, chuyên gia chỉ hỗ trợ một phần, việc sản xuất còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như năng lực tổ chức, quản trị của người điều hành; ý thức kỷ luật, tinh thần cầu tiến của người lao động...

Cũng nói thêm, trong chế biến tôm, thiết bị, máy móc chỉ mang tính hỗ trợ làm tăng năng suất, giảm thiểu rủi ro nhưng có những yếu tố phải cần bàn tay khéo léo của đội ngũ lao động mới hoàn thiện sản phẩm. Đây là thế mạnh của Việt Nam. 

Ngoài yếu tố đẳng cấp chế biến, còn có lưu ý về mặt vị trí địa lý các thị trường tiêu thụ lớn. Không ít lo ngại rằng tôm Ecuador và Ấn Độ lợi thế hơn Việt Nam khi bán sang Mỹ và EU. Nhất là dung lượng nhu cầu hàng chế biến trung bình, khá ở hai thị trường này khá lớn.

Tuy nhiên, tôm Việt biết chọn lối phù hợp mà đi. Hiện nay, tôm Việt tập trung bán vào Nhật Bản và Hàn Quốc có lợi thế địa lý lớn hơn so các nước khác; ngoài việc giữ vững thị trường Mỹ, EU, Australia... Tại những thị trường này (Nhật, Hàn), tôm Việt Nam có thu hút về mẫu mã đẹp, đồng đều và chất lượng ổn định và từ đó giữ vị thế đứng đầu.

Cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam đang “bỏ trứng vào một giỏ” khi chỉ tập trung vào chế biến trong khi các mảng khác đều thua thiệt nhưng tôi cho rằng chúng ta đang phát huy được lợi thế cạnh tranh. Ngành sản xuất nào cũng có rủi ro và ngành tôm tránh rủi ro “bỏ trứng vào một giỏ” bằng cách mỗi doanh nghiệp chế biến đừng quá tập trung một thị trường; đừng quá tập trung một sản phẩm, dù đang có lợi thế; đừng quá tập trung một khách hàng.

Việc đa dạng hóa hoạt động còn tùy tình hình cụ thể ở từng giai đoạn của từng doanh nghiệp. Nói chung, ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn đang làm tốt thế mạnh của mình và chưa thể kết luận là “tôm chế biến đang bị đe doạ trực tiếp”. 

Mặc dù vậy, cũng có chút băn khoăn là tôm sơ chế của Ecuador và Ấn Độ quá rẻ có thể thu hút khách hàng ở phân khúc cao. Người nội trợ chấp nhận mất công một chút trong nấu nướng nhưng tiết kiệm được một khoản tiền trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Điều này sẽ tác động làm giá tôm chế biến giảm xuống.

Tuy nhiên, thách thức này chỉ là ngắn hạn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu. Khi mọi thứ dần trở lại bình thường, tôm chế biến vẫn giữ vững vị thế của mình. Tôi có suy nghĩ, nút thắt căn cơ hơn của ngành tôm là ở giá thành tôm nuôi thì phù hợp hơn.

 Ảnh: Tập đoàn PAN

Ngành tôm phải có hành động gì ngay bây giờ?

Như đã đề cập ở trên, Ấn Độ và Ecuador có thể phải mất 5-10 năm nữa mới đạt được trình độ chế biến tôm của Việt Nam bây giờ. Vậy câu hỏi đặt ra lúc này là bước phát triển tiếp theo của Việt Nam là gì để giữ khoảng cách về trình độ chế biến với họ? Câu trả lời là mức độ chế biến của Việt Nam sẽ sâu hơn, phức tạp hơn và giá thành hạ xuống.

Hiện nay, nhu cầu người tiêu dùng cực kỳ đa dạng và xu thế hiện nay là sản phẩm “xanh”. Ngoài ra, các yêu cầu hiện ngày càng khắt khe ví dụ thực phẩm phải bên ngoài đẹp mẫu mã, bên trong ngon, bổ và... càng rẻ thì càng tốt!

Do đó tốc độ đi lên của trình độ chế biến tôm Việt sẽ phụ thuộc sự phối hợp từ bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của các doanh nghiệp với chuyên gia ẩm thực từng thị trường mà hình thành từng bước.

Có thể sắp tới là các sản phẩm tích hợp nhiều tiện ích hơn hiện nay. Ví dụ thay vì người nội trợ vào siêu thị mua 3-5 loại rau củ về chế biến và pha trộn thành món ăn thì nhà cung ứng chế biến sẵn theo khẩu vị từng thị trường, người nội trợ chỉ mua về cho vào lò hâm nóng có ngay món ăn vừa ý.

Tôm cũng vậy, sẽ kết hợp phụ gia, phụ liệu cho sản phẩm mới; hoặc kết hợp với rau củ để hình thành sản phẩm “ready to eat” như sản phẩm rau củ trộn nói trên. Về cơ bản nhà chế biến sẽ hỗ trợ nhà nội trợ tối đa, nhà nội trợ sẽ rảnh tay cho công việc khác!

 

Và khi xu hướng “xanh” ngày càng được coi trọng nhất là sau COP26 và các cam kết của COP28 trong việc trung hòa carbon, việc duy trì diện tích tôm sinh thái như tôm - rừng, tôm - lúa, tôm quảng canh... (phát thải âm) sẽ là thế mạnh để nâng tầm tôm Việt trong tương lai.

Hiện nay, Cà Mau rất chú trọng tôm rừng, các tỉnh ven biển từ Kiên Giang chạy dọc tới Sóc Trăng chú trọng tôm lúa, Cà Mau và Bạc Liêu còn diện tích nuôi quảng canh rất lớn... Tất cả là hướng đi bền vững. Tôm sinh thái này, chúng ta không cần chế biến sâu, mà bán nguyên con, luôn cả đầu tôm, vỏ tôm với giá cao. Bởi tôm sinh thái đa phần xuất khẩu nguyên con theo thị hiếu người tiêu dùng.

Chúng ta không nên nặng chỉ tiêu tăng trưởng lượng mà nên khuyến khích chỉ vùng nào đủ điều kiện như nước, điện... mới nuôi thâm canh, phát huy thế mạnh địa phương. Còn các vùng khác nên nuôi mật độ vừa phải để giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường.

Trong lĩnh vực nuôi trồng, ngành nuôi tôm của Việt Nam hiện nay cũng đứng trước nhiều khó khăn như đầu tư lớn, tình trạng nuôi nhỏ lẻ, manh mún... khiến cho giá thành tôm nuôi ở mức cao. Ngành chế biến dù giỏi giang tới đâu mà giá thành tôm nuôi cao hơn các nước khác từ 20-30% thì cũng khó phát triển. Đây là điểm thắt nút nóng nhất.

Các giải pháp đã được nêu lên nhiều lần như quản lý con tôm giống, có giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh, quan tâm đủ nước sạch cho nuôi những vùng nuôi tôm trọng điểm... Ngành cũng cần quan tâm giải pháp tích tụ, tập trung đất nuôi tôm để hình thành các trại nuôi quy mô càng lớn càng tốt. Qua đó, doanh nghiệp có điều kiện giảm giá thành và ứng dụng chuẩn nuôi ASC phổ biến nhất hiện nay, thu hút khách hàng cao cấp.

Đồng thời, việc kiểm soát dư lượng các chất hạn chế hoặc cấm sử dụng còn chưa chặt chẽ. Điển hình hiện nay tất cả lô tôm Việt bán vào Nhật Bản phải dừng ở cảng đến để kiểm tra, nếu an toàn mới cho vào. Trong khi tôm vào Mỹ, tỷ lệ lô hàng bị kiểm soát chỉ khoảng 5%.

Tóm lại, ngành tôm ngày mai ra sao phụ thuộc vào nhận thức và chung tay hành động của chúng ta hôm nay, ngay từ bây giờ.

Trích Đặc san Doanh nhân Việt Nam số Đặc biệt Xuân Giáp Thìn

Đức Quỳnh