|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cùng không tự chủ được thép thượng nguồn, tại sao Nam Kim không chuyển hướng sang mảng phân phối như Hoa Sen đã làm?

10:12 | 02/05/2022
Chia sẻ
Mặc dù Nam Kim chưa thể chủ động thép thượng nguồn nhưng công ty vẫn theo đuổi mảng sản xuất thay vì rẽ sang mảng phân phối như Hoa Sen bởi đây không phải là thế mạnh của công ty.

Cùng là ông lớn ngành tôn mạ nhưng người mở rộng sản xuất kẻ từ bỏ, rẽ sang hướng khác

Trong ngành tôn mạ, hai cái tên Hoa Sen và Nam Kim được xem là những ông lớn và hay được đem ra so sánh. Hiện tại, Hoa Sen đang đứng top đầu thị phần trong khi Nam Kim đứng thứ ba (sau Hoa Sen và Tôn Đông Á). 

 Thị phần tôn mạ kim loại và sơn phủ màu quý I/2022 (vòng trong) và năm 2021 (vòng ngoài) của các doanh nghiệp (H.Mĩ tổng hợp từ Hiệp hội Thép Việt Nam)

Tuy nhiên, trong một diễn biến mới đây khi “anh cả” ngành tôn mạ là Hoa Sen tuyên bố sẽ rẽ hướng sang mảng phân phối vật liệu xây dựng và bỏ tất cả những gì không liên quan đến mảng này. 

Theo đó, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho biết thời gian tới sẽ không đầu tư mở rộng sản xuất nữa, và bán hết những tài sản không liên quan đến phân phối như bất động sản, sản xuất để dồn lực cho kế hoạch chuyển đổi sắp tới. Bởi, theo ông Vũ, nếu muốn mở rộng thì phải giải quyết được khâu thép thượng nguồn - hiện chỉ có hai ông lớn là Hoà Phát và Formosa mới làm được.

Trước đó, Hoa Sen cũng đã từng tham vọng tự chủ nguồn thép cuộn cán nóng với dự án thép Cà Ná ở tỉnh Ninh Thuận trị giá 10 tỷ USD. Thế nhưng do gặp nhiều trở ngại liên quan đến vấn đề môi trường nên tập đoàn đành từ bỏ.

"Chúng ta sẽ có bước ngoặt chiến lược, sẽ hình thành hệ thống Hoa Sen Home. Bây giờ khi nhắc đến tập đoàn Hoa Sen, người ta nghĩ đến ngay các sản phẩm như tôn, ống thép, ống nhựa. 

Nhưng trong  5 - 10 năm tới, người ta sẽ nhắc đến tập đoàn như một nhà phân phối vật liệu xây dựng, nội thất Hoa Sen Home. Nếu vận hành tốt, tôi tin rằng doanh thu của hệ thống có thể đạt 50.000 tỷ đồng thậm chí hơn", ông Vũ nói. 

Nam Kim cũng giống Hoa Sen là chưa chủ động được thép thượng nguồn, tuy nhiên, chiến lược lại hoàn toàn khác khi công ty này vẫn tiếp tục gắn bó sản xuất và dự kiến mở rộng công suất.

Hiện tại Nam Kim đã khai thác gần như gần hết công suất các nhà máy. Tính đến năm 2021, công ty có 4 nhà máy sản xuất các sản phẩm tôn mạ, ống thép với công suất 1,2 triệu tấn. 

Trong năm 2022, Nam Kim dự kiến thông qua việc hoàn tất việc mua lại công ty Dae Myung, công ty chú trọng tái cơ cấu nhà máy, đồng thời mở rộng công suất cán hiện hữu. Tầm nhìn tới năm 2027, tổng công suất của Tôn Nam Kim sẽ nâng gấp đôi lên 2,4 triệu tấn.

Theo đó, Nam Kim đang có kế hoạch đầu tư 4.500 tỷ đồng cho dự án trên diện tích 33 ha với tổng công suất 1,2 triệu tấn tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó chia thành 3 giai đoạn, giai đoạn 1 (từ đây đến năm 2024) sẽ hoàn thành 400.000 tấn. Một năm tiếp theo sẽ đưa vào sản xuất 400.000 tấn, khoảng 1-1,5 năm tiếp đó, tức năm 2027 thì sẽ hoàn thành tổng công suất 1,2 triệu tấn.

Dự án này với mục tiêu nghiên cứu sản phẩm mới về hợp kim chất lượng cao. 

 

 Kế hoạch nâng công suất của Nam Kim. (H.Mĩ tổng hợp)

Công ty có vẻ cũng không có ý định cố gắng để làm thép thượng nguồn bởi theo tổng giám đốc Võ Hoàng Vũ suất đầu tư gấp 4,5 lần so với dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều này tiềm ẩn rủi ro tài chính cao, nhất là khi lãi suất ngày một tăng.

Theo chia sẻ của ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Nam Kim tại ĐHĐCĐ diễn ra hôm 22/4, sở dĩ Nam Kim không đi theo hướng tập trung vào mảng phân phối như đối thủ đang làm là bởi đây không phải thế mạnh của công ty.

“Chúng tôi không giỏi mảng khác, chỉ dám tập trung vào cốt lõi là sản xuất. Dĩ nhiên có thể chậm ở thời điểm này nhưng khi đất nước phát triển thì đây lại là cơ hội tốt hơn khi các dự án đòi hỏi sản phẩm cao cấp hơn. Còn về việc đối thủ tập trung mảng phân phối, thì theo quan điểm của tôi mỗi người có chiến lược khác nhau, không bàn về ai đúng ai sai. Nhưng chúng tôi không cạnh tranh với những cái mình không có năng lực”, ông Quang nói. 

 

Với Nam Kim, chiến lược mở rộng công suất được đánh giá là nước đi phù hợp. Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá việc mở rộng công suất để nắm bắt cơ hội từ thị trường nước ngoài là hợp lý vì khoản đầu tư tương đối nhỏ so với mức lợi nhuận tiềm năng. 

Trong quý I vừa qua, Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 7.151 tỷ đồng, tăng trưởng 47% so với quý I năm ngoái. Lợi nhuận gộp cũng nhảy vọt từ 610 lên 957 tỷ.

Sang quý II, hoạt động kinh tế sẽ trở lại bình thường nên dự kiến doanh thu trên 8.000 tỷ đồng. Năm ngoái, Nam Kim ghi nhận 4.860 tỷ đồng doanh thu trong quý I và 7.016 tỷ đồng trong quý II.

Tiếp tục tập trung vào xuất khẩu

Ông Quang cho biết hiện nay công ty tập trung vào sản xuất, nhấn mạnh vào phân khúc cao cấp hơn, sản phẩm hoàn chỉnh hơn, mở rộng thị trường. 

Theo đó, chiến lược của công ty thời gian tới tiếp tục tập trung vào xuất khẩu với cơ cấu tỷ trọng doanh thu cao hơn thị trường nội địa.

Trong kế hoạch mở rộng của Nam Kim trong thời gian tới, thị trường nội địa chiếm 40 - 45% và xuất khẩu chiếm 55 - 60% cơ cấu bán hàng. 

Trong năm 2021, doanh thu mảng xuất khẩu của Nam Kim chiếm tỷ trọng lên tới 68%. 

“Tổng công suất của các công ty trong nước dư sức đáp ứng cho nhu cầu nội địa. Do đó kế hoạch mở rộng thời gian tới của Nam Kim không chỉ riêng cho nội địa mà còn cho xuất khẩu. Đây là thị trường rộng, nhiều phân khúc mà các doanh nghiệp vẫn chưa khai thác. Các doanh nghiệp hiện nay đều nhắm tới xuất khẩu. Hiện tại Nam Kim đang có lợi thế giá rẻ và các nước cũng đang thiếu hàng”, ông Quang nói. 

Tuy nhiên, ông Quang cũng nói thêm sẽ không bỏ qua thị trường nội địa bởi trong tương lai khi đất nước phát triển, nhu cầu các sản phẩm tôn mạ, ông thép lớn, đặc biệt tập trung vào phân khu cao cấp - phân khúc mà Nam Kim đang theo đuổi trong chiến lược đầu tư thời gian tới. 

“Nam Kim sẽ không thể nào bỏ quên thị trường nội địa. Thời gian tới khi nhu cầu tăng mà không chú trọng thì mai mốt Nam Kim chơi với ai? Cơ cấu thị trường có thể thay đổi sao cho phù hợp với tình hình thực tế”, ông Quang nói.

H.Mĩ

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.