Cửa sáng cho WinCommerce
WinCommerce, từng đóng hơn 700 cửa hàng bán lẻ trong một năm, từng bị nhà đầu tư đặt câu hỏi sẽ gánh lỗ đến bao giờ giữa lúc nền kinh tế bấp bênh vì đại dịch, suy thoái. Vậy nhưng, sau 6 năm miệt mài cải tổ tìm công thức, ngày 24/10 vừa qua, WinCommerce đã hái được quả ngọt khi trong báo cáo tài chính của tập đoàn mẹ Masan Group, công ty cho biết chuỗi bán lẻ tạp hoá đã có quý lãi ròng đầu tiên sau COVID-19.
“Chúng tôi chọn hy sinh thị phần và tốc độ tăng trưởng để xây dựng nền móng của một doanh nghiệp có quy mô khổng lồ và lợi nhuận vượt trội” - câu nói của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group, vào thời điểm ban đầu khó khăn nhất của WinCommerce, nay đã thành sự thật.
Hiện WinCommerce đang sở hữu hơn 3.700 siêu thị WinMart/WinMart+ và WIN với độ phủ 62/63 tỉnh, thành. Số cửa hàng chiếm 50% tổng số siêu thị bán lẻ hiện đại toàn quốc và là hệ thống bán lẻ tạp hoá có quy mô lớn nhất Việt Nam, xét về số điểm bán.
Theo báo cáo tài chính của Masan Group, 9 tháng đầu năm, chuỗi bán lẻ tạp hoá đạt doanh thu khoảng 24.404 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Tức trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp ghi nhận hơn 89 tỷ đồng doanh thu.
Riêng trong quý III, doanh thu WinCommerce tăng 9,1% so với cùng kỳ, đạt hơn 8.600 tỷ đồng. Trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 20 tỷ đồng, lần đầu tiên kể từ đại dịch. Các siêu thị WinMart đạt lợi nhuận hoạt động (EBIT) dương trong khi tăng trưởng doanh thu không thay đổi, chủ yếu nhờ tỷ lệ hao hụt được cải thiện.
Kết quả trên được đóng góp chủ yếu bởi mô hình cửa hàng mới như WIN (khu vực thành thị), WinMart+ Rural (khu vực nông thôn) và mô hình cửa hàng truyền thống. Bắt đầu từ năm ngoái, chuỗi bán lẻ đã triển khai hai mô hình cửa hàng mới này nhằm tiếp cận tối đa tới các tập khách hàng khác nhau.
Trong đó WIN hiện có hơn 400 cửa hàng, tăng trưởng mỗi cửa hàng là trên 7%, mang đến trải nghiệm tiêu dùng hiện đại, cung cấp những sản phẩm tươi sống cho người tiêu dùng thành phố.
Tại nông thôn, do người tiêu dùng không có thói quen đến siêu thị hiện đại để mua những hàng tươi sống. Do đó Masan Group ra mắt mô hình WinMart+ Rural, tập trung đưa các mặt hàng FMCG có chất lượng với giá cả tốt.
Năm qua, hệ thống bán lẻ này đã chuyển đổi gần 1.200 cửa hàng WinMart+ cũ sang cửa hàng WinMart+ mới, kết quả tạo ra hơn 11% tăng trưởng/mỗi cửa hàng sau chuyển đổi.
Trong đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ban lãnh đạo WinCommerce khẳng định đã hoàn tất tái cấu trúc và trở lại chiến lược mở rộng điểm bán, tập trung vào các mô hình riêng biệt cho từng khu vực và phân khúc khách hàng.
Ban lãnh đạo Masan Group đánh giá tiềm năng cho WinCommerce phát triển là rộng mở. Trong một cuộc họp cuối tháng 6, ông Lê Bá Nam Anh - Giám đốc chiến lược và Phát triển tại Masan Group, khẳng định: “Từ khi mua lại siêu thị WinMart vào năm 2019, tới thời điểm này chúng tôi nhìn thấy dư địa ngành siêu thị hiện đại còn rất nhiều”.
Thực tế, hiện kênh bán hàng kênh truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh số bán lẻ, khiến thị trường bán lẻ bị phân mảnh. Ngay cả khi là một doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, WinCommerce chỉ chiếm khoảng 3% tổng thị trường bán lẻ.
Dù vậy, lãnh đạo công ty vẫn tin rằng một cuộc cách mạng về bán lẻ hiện đại đang diễn ra và sớm muộn cũng sẽ bùng nổ tại Việt Nam khi tốc độ đô thị hóa và tầng lớp trung lưu có chiều hướng tăng nhanh. Theo đó, các hình thức mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% thị trường bán lẻ trong tương lai gần so với mức khoảng 8% như hiện nay.
Nhìn lại chặng đường 6 năm gầy dựng nền móng của WinCommerce, chắc chắn có những đoạn không bằng phẳng nhưng với kiên định mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị cho người tiêu dùng, xuyên suốt từ online tới offline, có vẻ như Masan Group đang đi đúng hướng.
Như Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang từng nói: "20 năm qua, mục tiêu của Masan rất đơn giản như chúng ta đã thường nói. Đó là con đường chúng ta chọn. Con đường Masan đó là phục vụ lợi ích của người tiêu dùng Việt Nam. Đó là con đường mà chúng ta luôn tìm thấy ý nghĩa trên mỗi chặng đường đi".