|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Cơn sốt' học tiếng Anh đưa các trung tâm ngoại ngữ chạm đỉnh

12:06 | 25/09/2024
Chia sẻ
Với sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp lớn cùng các startup EdTech đầy tiềm năng, thị trường dạy học tiếng Anh tại Việt Nam hứa hẹn sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Việt Nam hiện là một trong những thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á về giáo dục tiếng Anh. Với quy mô dân số gần 100 triệu người và nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình khoảng 6,1% mỗi năm, nhu cầu học tiếng Anh đã không ngừng mở rộng.

Điều này đã tạo nên một thị trường đa dạng với nhu cầu học tập từ nhiều đối tượng khác nhau, từ người học để lấy chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, cho đến những người học để giao tiếp trong công việc hoặc nâng cao khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. 

Theo một báo cáo hồi năm 2021 của Q&Me, Tiếng Anh là ngôn ngữ được học nhiều nhất tại Việt Nam với tỷ lệ 86%, tiếng Nhật và tiếng Trung xếp sau lần lượt với 16% và 15%.

Báo cáo chỉ ra rằng người Việt Nam có thói quen tự học lên đến 44%, bên cạnh đó các khóa học trực tuyến miễn phí cũng được 35% người tham gia tận dụng, và hình thức học tại trung tâm ngoại ngữ là không thể thiếu với 29%.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã nhận thấy tiềm năng khổng lồ và không ngừng mở rộng hoạt động.

 Ảnh minh hoạ: Apollo English.

Nở rộ chuỗi trung tâm Anh ngữ

Một số trung tâm lớn như Anh Văn Hội Việt Mỹ (VUS), ILA, Apollo trở thành những cái tên hàng đầu trong ngành. Những đơn vị này không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập của người dân mà còn phát triển các hệ thống giáo dục đa dạng, từ các khóa học cho trẻ em đến người lớn, học tại trung tâm hoặc trực tuyến.

VUS - Anh Văn Hội Việt Mỹ hiện đang vận hành 85 trung tâm trên cả nước. VUS hướng tới đối tượng học viên đa dạng, từ trẻ em đến người lớn. Doanh thu của VUS chạm đỉnh 1.700 tỷ đồng vào năm 2019 và giảm xuống còn 1.000 tỷ đồng năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch, theo Vietdata.

Tương tự VUS, Apollo vốn hướng tới phân khúc cao cấp, đã bị ảnh hưởng bởi COVID-19 khi doanh thu giảm 10% so với năm 2020, đạt 650 tỷ đồng vào năm 2021 với 1 triệu học viên và hơn 70 trung tâm khắp cả nước. 

Trong khi đó, một startup thành lập năm 2009 là Yola đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định 50% hàng năm về số lượng học viên, đồng thời thu hút đầu tư lớn từ các quỹ như Kaizen PE và Mekong Capital.

IMAP, sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như IELTS Fighter và Anh ngữ Ms Hoa, là một đối thủ đáng gờm trong phân khúc trung cấp. Với mạng lưới trung tâm rộng khắp cả nước, IMAP đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu trong những năm gần đây, dù lợi nhuận vẫn còn khiêm tốn so với các ông lớn trong ngành.

Báo cáo của Vietdata tiết lộ doanh thu năm 2021 của IMAP tăng gần như gấp đôi so với năm cùng kỳ năm 2020 ở mức khoảng 115 tỷ đồng. 

Nếu nhắc tới khía cạnh cung cấp chứng chỉ như IELTS hay TOEIC, Hội đồng Anh là một cái tên nổi bật. Đây là tổ chức hợp tác văn hóa giáo dục quốc tế của Vương quốc Anh, hiện diện tại Việt Nam từ năm 1993.

Được công nhận là tổ chức phi lợi nhuận độc lập, Hội đồng Anh hoạt động trong phân khúc cao cấp và đạt tăng trưởng doanh thu ấn tượng, đặc biệt là năm 2018 với mức tăng gấp 4 lần so với năm trước. Năm 2020, doanh thu đạt hơn 460 tỷ đồng, tăng 5% so với 2019, mang về 22 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Sôi động dòng vốn cho EdTech

Ngoài các hệ thống Anh ngữ, sự bùng nổ của các startup EdTech trong lĩnh vực giáo dục ngoại ngữ tại Việt Nam càng làm cho thị trường này trở nên sôi động.

Theo báo cáo của Markets and Markets, thị trường EdTech toàn cầu sẽ đạt giá trị hơn 181 tỷ USD vào năm 2025, tăng mạnh từ mức 85,8 tỷ USD vào năm 2020. Với sự gia tăng của dân số trẻ và tỷ lệ người sử dụng internet ngày càng cao, Việt Nam đang nổi lên như một thị trường đầy tiềm năng cho các startup EdTech trong lĩnh vực giáo dục tiếng Anh.

Dự báo, nhu cầu học tiếng Anh online sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới, đặc biệt là sau những thành công của các ứng dụng và nền tảng học trực tuyến trong giai đoạn dịch bệnh.

 CEO Văn Đinh Hồng Vũ nổi bật trong giới startup với cái tên ELSA. (Ảnh: ELSA).

Một trong những cái tên nổi bật nhất là Prep, startup chuyên về luyện thi tiếng Anh đã huy động thành công 7 triệu USD vòng Series A vào hồi tháng 5. Khoản đầu tư này giúp Prep mở rộng sản phẩm và hướng đến thị trường quốc tế, minh chứng cho tiềm năng của ngành công nghệ giáo dục tại Việt Nam.

Ngoài ra, ứng dụng học ngoại ngữ toàn cầu Duolingo cũng ghi nhận mức tăng trưởng người dùng đáng kể tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch. Với chiến lược cung cấp dịch vụ miễn phí, Duolingo đã thu hút hàng triệu người dùng tại Việt Nam, giúp nó trở thành một trong những ứng dụng học tiếng Anh phổ biến nhất.

Lượng người dùng tại Việt Nam của Duolingo tăng 67% từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2022, biến Việt Nam thành thị trường lớn nhất của ứng dụng này tại Đông Nam Á.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh từ các đối thủ khác như ELSA - startup ứng dụng công nghệ AI để dạy phát âm tiếng Anh, đang tạo ra một cuộc đua căng thẳng trong lĩnh vực này. Hồi tháng 9/2023, ELSA của Việt Nam đã hoàn thành vòng gọi vốn mới trị giá 20 triệu USD, được dẫn dắt bởi UOB Venture Management, công ty con với 100% vốn của ngân hàng UOB của Singapore. Cách đó hai năm, ELSA đã gọi vốn thành công 15 triệu USD trong vòng Series B vào năm 2021.

Việt Nam cũng là thị trường mục tiêu của nhiều startup giáo dục khác từ nước ngoài. Ringle, một startup từ Hàn Quốc chuyên về dạy kèm tiếng Anh trực tuyến, đã nhận đầu tư từ quỹ Do Ventures để mở rộng tại Việt Nam. Thị trường học tiếng Anh trực tuyến đang ngày càng phát triển khi người học có xu hướng tìm đến các giải pháp linh hoạt và hiệu quả hơn trong việc trau dồi ngoại ngữ. 

Thành Vũ