Cổ phiếu thu hút NĐT ngoại sau khi nới room, VPBank có lợi thế và triển vọng gì trong năm 2023?
Ngay sau khi chính thức nới room ngoại lên 30%, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong các phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu VPB là cổ phiếu dẫn đầu ở chiều mua ròng của khối ngoại với gần 432,4 tỷ đồng trong phiên ngày 6/9, bán ròng nhẹ trong ngày 7/9 và quay trở lại mua ròng gần 524,2 tỷ đồng trong ngày 8/9.
Tính trong cả tuần, khối ngoại đã mua ròng 856,4 tỷ đồng cổ phiếu VPB, chủ yếu thực hiện qua kênh thỏa thuận. Theo dữ liệu từ HSX, room ngoại của VPBank đã tăng từ 16,37% ngày 31/8 lên mức 28,32% vào ngày 8/9.
VPB cũng góp mặt trong Top 3 cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực đến VN-Index trong tuần trước (từ 4/9 - 8/9). Đà tăng điểm của VPB (tăng 4,1%) đã giúp chỉ số tăng 1,5 điểm, sau hai cổ phiếu HPG và GAS.
Trong một báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Yuanta (Yuanta Việt Nam) nhận định VPBank là ngân hàng có lợi thế về nguồn vốn dồi dào nhờ bán 49% cổ phần FE Credit vào năm 2021 và 15% vốn điều lệ của VPBank cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) trong năm 2023.
Ngân hàng kỳ vọng tỷ lệ CAR sẽ tăng lên khoảng 19% sau khi phát hành riêng lẻ cho SMBC, đây là tỷ lệ CAR cao nhất trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam hiện nay.
Chuyên gia phân tích của Yuanta Việt Nam cho rằng nhờ CAR ở mức cao sau phát hành riêng lẻ và việc VPBank tham gia vào việc tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng được kỳ vọng sẽ vượt trội hơn so với các ngân hàng khác. Dự báo tăng trưởng cho vay năm 2023 sẽ tăng thêm 5 điểm% lên 25% so với năm trước và đạt mức 26% trong năm 2024.
Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng so với đầu năm của VPB mới đạt 10%, thấp hơn nhiều so với hạn mức 24% được Ngân hàng Nhà nước cấp. Vì vậy, VPBank được nhiều chuyên gia phân tích kỳ vọng sẽ đẩy mạnh tín dụng trong những tháng cuối năm để hoàn thành hạn mức trên.
Bên cạnh đó, nguồn tiền từ SMBC giúp VPBank giảm bớt áp lực về chi phí vốn trong nửa cuối năm 2023, theo Chứng khoán Vietcap.
"Số tiền thu được còn lại từ đợt phát hành riêng lẻ của VPBank sẽ giúp giảm bớt áp lực về chi phí vốn trong nửa cuối năm 2023 và sự hỗ trợ từ SMBC sẽ giúp ngân hàng phát triển cơ sở khách hàng FDI ", báo cáo phân tích của Vietcap nhận định.
Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của VPBank
Nhiều công ty chứng khoán dự báo VPBank sẽ không còn duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận như trước trong năm 2023.
Chứng khoán Vietcap cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của VPBank sẽ chạm mức đáy trong năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt mức 13.041 tỷ đồng trong năm nay, giảm gần 40% so với năm trước, sau đó sẽ phục hồi lên 17.963 tỷ đồng vào năm 2024 và lên 24.188 tỷ đồng vào năm 2025.
Trong khi đó, Yuanta Việt nam dự báo lợi nhuận của VPBank trong năm 2023 ước đạt 16.438 tỷ đồng, nhỉnh hơn so với mức dự báo của nhiều bên do con số tăng trưởng tín dụng kỳ vọng ở mức cao (tăng 25%).
Trong nửa đầu năm 2023, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của VPBank đã sụt giảm đáng kể do chi phí huy động tăng mạnh khi CASA giảm, FE Credit đang trong quá trình tái cơ cấu và tỷ lệ hình thành nợ xấu cao.
NIM hợp nhất quý II đạt 5,5%, giảm 230 điểm cơ bản so với mức 7,8% của cùng kỳ năm trước và giảm 200 điểm cơ bản so với mức 7,5% của cả năm 2022. Đây là quý thứ 4 liên tiếp ngân hàng ghi nhận mức NIM suy giảm so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo Yuanta, tỷ lệ LDR thấp (70,6% so với mức trần 85,0% của NHNN) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thấp (25,9% so với mức trần 34,0% của NHNN) sẽ cho phép VPBank có dư địa để duy trì NIM ở mức cao.
Cùng với đó, các chuyên gia phân tích cũng cho rằng VPBank cũng có ưu thế về tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) nằm trong nhóm thấp nhất ngành. CIR của ngân hàng có xu hướng giảm kể từ năm 2019 và được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian tới nhờ quá trình chuyển đổi số.
Bên cạnh những điểm sáng về lợi thế nguồn vốn dồi dào, tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận, kiểm soát chi phí,... các chuyên gia phân tích cũng chỉ ra những thách thức mà VPBank phải đối mặt trong thời gian tới về rủi ro chất lượng tài sản, trái phiếu doanh nghiệp,...
Cụ thể, vào cuối quý II, tỷ lệ nợ xấu của VPBank ở mức 4,98%, tăng 1 điểm % so với cùng kỳ, tuy nhiên đây là điều bình thường với ngân hàng do việc sở hữu công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn nhất Việt Nam - FE Credit.
Yuanta cho biết tỷ lệ nợ xấu tại FE Credit đã tăng lên 28% (tăng 6 điểm % so với quý trước và tăng 13 điểm % so với cùng kỳ năm trước) tại thời điểm cuối quý II/2023. Tỷ lệ nợ xấu của riêng ngân hàng mẹ cũng tăng 0,84 điểm % so với cùng kỳ lên mức 2,81%.
Trong khi đó, bộ đệm dự phòng của ngân hàng lại khá mỏng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của VPBank rất thấp, chỉ 38% (giảm 24 điểm % so với cùng kỳ) tại thời điểm cuối quý II/2023.
Hơn nữa, mức độ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của VPBank (chiếm 5,2% tổng tài sản) là tỷ trọng cao thứ tư trong ngành. Theo báo cáo tài chính quý II/2023 của Novaland, tổng tín dụng (chủ yếu là TPDN) mà VPBank cấp cho Novaland là 2.400 tỷ đồng (giảm 71% so với quý trước), chỉ chiếm 0,3% tổng tài sản của VPBank tại thời điểm cuối quý II/2023.
Do đó, các chuyên gia phân tích cho rằng ngân hàng nên tăng trích lập dự phòng để ứng phó với tình trạng suy giảm chất lượng tài sản có thể xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của ngành bất động sản và của công ty con FE Credit.