|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: NVB tiếp tục dẫn đầu tăng giá, MSB sắp chia cổ tức 30%

14:13 | 07/08/2021
Chia sẻ
Trong tuần từ 2/8 đến 6/8, nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực với 22/27 mã tăng giá. Thanh khoản toàn ngành đạt hơn 885 triệu đơn vị, tăng 18% so với tuần trước.
Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: NVB tiếp tục dẫn đầu tăng giá, MSB sắp chia cổ tức 30% - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: NCB).

22/27 mã tăng giá, NVB tiếp tục dẫn đầu

Tiếp nối xu hướng tuần trước, sắc xanh tiếp tục cáp đảo trên nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần giao dịch vừa qua (2/8 - 6/8) với 22/27 mã tăng giá.

Trong đó, mã NVB của Ngân hàng Quốc dân là cổ phiếu tăng mạnh nhất ngành (+16%) với 4 phiên tăng và duy nhất một phiên giảm. 

Tuần trước đó, cổ phiếu này cũng đã có 5 phiên tăng giá liên tiếp. Nếu tính từ ngày 26/7 tới nay, cổ phiếu NVB đã tăng hơn 53%. Cổ phiếu NVB duy trì đã tăng giá tích cực trong bối cảnh ngân hàng vừa có chủ tịch HĐQT mới.

Ngoài NVB, PGB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất tăng giá trên 10% trong tuần qua. Tính chung sau 5 ngày giao dịch, cổ phiếu này đã tăng 13,9% lên mức 23.000 đồng/cp.

Bên cạnh đó, một loạt các cổ phiếu có mức tăng từ 3 - 6% có thể kể đến gồm KLB (+6%), NAB (+4,6%), BID (+4,4%), SHB (+4,3%),...

Ở chiều ngược lại, có ba mã giảm giá trong tuần qua và cũng là ba cổ phiếu bluechip là ACB (-1,7%), CTG và VPB (-0,7%).

Cổ phiếu VAB của VietABank và MSB của Ngân hàng Hàng hải đứng giá tham chiếu, lần lượt ở mức 16.800 đồng/cp và 29.650 đồng/cp.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: NVB tiếp tục dẫn đầu tăng giá, MSB sắp chia cổ tức 30% - Ảnh 2.

(Ảnh: Lê Huy tổng hợp).

Tuần qua có tổng cộng gần hơn 885 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt hơn 30.649 tỷ đồng, tăng 18% về khối lượng và tăng hơn 20% về giá trị so với tuần trước.

Trong đó, STB tiếp tục là mã có thanh khoản cao nhất ngành với khối lượng giao dịch đạt hơn 163,3 triệu đơn vị, tăng gần 37% so với tuần trước. Bên cạnh STB, SHB là mã ngân hàng duy nhất còn lại có thanh khoản đạt trên 100 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu CTG, MBB, TCB lần lượt đứng kế sau với khối lượng giao dịch đạt từ 80 đến 95 triệu đơn vị.

Xét về giá trị giao dịch, STB cũng là mã đứng đầu toàn ngành với hơn 4.945 tỷ đồng. Ngoài ra, chỉ có một mã cổ phiếu ngân hàng khác có giá trị giao dịch trên 4.000 tỷ đồng trong tuần là TCB với 4.500 tỷ đồng. Giá trị giao dịch của CTG, VPB, SHB, MBB dao động quanh mức 2.000 tỷ đến 3.250 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: NVB tiếp tục dẫn đầu tăng giá, MSB sắp chia cổ tức 30% - Ảnh 3.

(Ảnh: Lê Huy tổng hợp).

Một số sự kiện nổi bật ngành ngân hàng trong tuần

Vì lý do sức khỏe, ông Nguyễn Văn Lê thôi giữ chức Tổng Giám đốc SHB từ ngày 4/8. Phó Chủ tịch HĐQT Võ Đức Tiến sẽ kiêm nhiệm phụ trách điều hành ngân hàng trong thời gian tuyển tổng giám đốc mới.

HĐQT MSB phê duyệt việc triển khai tăng vốn thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%. Qua đó, nâng mức vốn điều lệ từ 11.750 tỷ lên 15.275 tỷ.

Với số vốn điều lệ tăng thêm là 3.525 tỷ đồng, MSB dự kiến sử dụng vào việc bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ; đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống các điểm giao dịch; nâng cao năng lực tài chính để thích ứng với biến động của thị trường.

Sau khi có tân Chủ tịch, Ngân hàng Quốc dân bổ nhiệm loạt nhân sự cấp cao mới. Cụ thể, từ ngày 3/8, bà Dương Thị Lệ Hà sẽ đảm nhận vị trí quyền Tổng Giám đốc thay cho ông Phạm Thế Hiệp. Ông Hiệp vẫn đảm nhận vị trí Thành viên HĐQT ngân hàng. Đồng thời, HĐQT cũng bổ nhiệm vị trí Phó TGĐ đối với bà Nguyễn Thị Thùy Dương và bà Hoàng Thu Trang.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến cho dự thảo chính sách xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Luật xử lý nợ xấu của các TCTD dự kiến sẽ được xây dựng dựa trên việc kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc.

NHNN ban hành Thông tư 11/2021 quy định về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Lê Huy