|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cỏ không còn xanh đối với các startup nông nghiệp

15:08 | 03/10/2024
Chia sẻ
Trong 7 tháng đầu năm nay, các công ty agritech trong khu vực chỉ gọi vốn được vỏn vẹn 43,1 triệu USD.

Theo Tech in Asia, các startup công nghệ nông nghiệp (agritech) đang chật vật tìm chỗ đứng tại những thị trường vốn đã quen thuộc với phương thức canh tác truyền thống. Trong 8 tháng đầu năm, nhiều công ty agritech thông báo cắt giảm nhân sự.

Dòng vốn cạn kiệt

eFishery - “kỳ lân” công nghệ nuôi trồng thủy sản của Indonesia chuyên về tự động hóa các trang trại cá và tôm, đã tuyên bố sa thải nhân viên vào tháng 7, với lý do thay đổi chiến lược kinh doanh. Trước đó, công ty này đã huy động thành công 108 triệu USD trong vòng gọi vốn Series D vào năm ngoái.

ReshaMandi, một startup Ấn Độ đạt doanh thu 149 triệu USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023, đã giảm tới 85% nhân sự vào cuối năm ngoái. Tính đến tháng 8/2024, công ty này tiếp tục sa thải toàn bộ nhân viên còn lại, mặc dù phủ nhận việc ngừng hoạt động.

TaniHub, một công ty agritech khác của Indonesia, dù đã gọi vốn được hơn 90 triệu USD, vẫn phải đóng cửa dịch vụ B2C (bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng) vào năm 2022 do chi phí vận hành và tiếp thị leo thang. Bộ phận cho vay của TaniHub gần đây cũng đang phải đối mặt với nguy cơ thanh lý.

Ruộng bậc thang tại một tỉnh miền núi phía Bắc. (Ảnh: Đức Huy).

Những thông tin trên là một cú sốc đối với các nhà đầu tư, bởi theo dữ liệu từ Tracxn, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực agritech tại Đông Nam Á đã tăng gấp 3,5 lần trong năm 2022 so với năm trước đó, đạt đỉnh 513,2 triệu USD. Phần lớn trong số này đổ vào các công ty agritech ở Indonesia.

Tuy nhiên, dòng vốn đã cạn kiệt kể từ đó. Trong 7 tháng đầu năm nay, các công ty agritech trong khu vực chỉ gọi vốn được vỏn vẹn 43,1 triệu USD.

Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng doanh thu trì trệ và thiếu vốn là những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm đầu tư. Tình trạng này là do lạm phát, sự thiếu hiểu biết về thị trường nông nghiệp và các xung đột toàn cầu gây ra.

Những yếu tố này khiến con đường đến với lợi nhuận trở nên xa vời hơn bao giờ hết đối với nhiều công ty agritech.

Tìm mảnh đất mới

Không phải mọi công ty agritech đều thất bại. Arya.ag, một startup Ấn Độ, đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên đến 36%, đạt 2 triệu USD cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024. Công ty này, vốn đã có lãi từ năm 2013, đã huy động được 29 triệu USD trong vòng gọi vốn pre-Series D vào tháng 7 năm nay.

Ông Prasanna Rao, đồng sáng lập kiêm CEO của Arya.ag, chia sẻ bí quyết thành công của họ nằm ở việc cung cấp dịch vụ kho bãi cho nông dân và hợp tác với các trung gian truyền thống.

Ông cảnh báo rằng nhiều công ty trong ngành đang mắc phải những sai lầm cơ bản, chẳng hạn như cố gắng loại bỏ trung gian khỏi chuỗi cung ứng - một cách tiếp cận mà cả ReshaMandi và TaniHub đều mắc phải.

Trong nông nghiệp, trung gian đóng vai trò là cầu nối và nhà phân phối, đảm bảo nông sản đến tay người tiêu dùng. Họ đóng vai trò then chốt trong thị trường nông nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực hậu cần và tài chính - những yếu tố sống còn đối với những người nông dân cần vốn đầu tư ban đầu.

"Nhiều người cho rằng loại bỏ trung gian sẽ tạo ra giá trị đáng kể, nhưng thực tế, điều này chỉ làm tăng tỷ suất lợi nhuận ròng thêm vài phần trăm," ông Aldi Adrian Hartanto, đối tác tại quỹ đầu tư mạo hiểm Ascent Venture Group, nhận định.

Ông Hartanto cho rằng, thay vì tập trung vào hạ nguồn, các startup agritech nên hướng tới việc tạo ra giá trị ở phía thượng nguồn. Nói cách khác, họ nên hỗ trợ nông dân tăng năng suất và cải thiện sản lượng cây trồng. Đây là một chiến lược quan trọng, nhưng cũng cần lưu ý rằng thị trường nông sản, đặc biệt là thực phẩm, luôn biến động.

Người nông dân làm việc trên cánh đồng. (Ảnh: Đức Huy).

Các startup agritech vốn đã hoạt động với biên lợi nhuận thấp nên càng dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động giá cả thị trường. Lợi nhuận hôm nay có thể là dương, nhưng ngày mai có thể lại âm. Theo ông Hartanto, đây là điều mà các nhà đầu tư trong lĩnh vực này vẫn chưa thực sự nắm rõ.

Một giải pháp khác là các startup agritech có thể tập trung vào việc giảm chi phí sản xuất trên mỗi đơn vị sản lượng, giúp nông dân ổn định lợi nhuận bất chấp sự biến động của thị trường.

Ông Hartanto lấy ví dụ về việc kinh doanh tôm. Theo ông, thay vì tập trung vào tôm cỡ nhỏ hoặc cỡ lớn, ưu tiên tôm cỡ trung bình có thể mang lại lợi ích cao hơn.

"Tôm cỡ trung bình thường có giá ổn định hơn vì thời gian nuôi ngắn hơn - khoảng một tháng so với tôm cỡ lớn. Nhờ đó, người nông dân có thể tiết kiệm chi phí thức ăn, vốn là khoản chi phí lớn nhất trong quá trình nuôi trồng", ông giải thích.

Một vấn đề khác là thị trường cho các giải pháp công nghệ trả phí trong nông nghiệp còn khá hạn chế, đặc biệt là với những hộ nông dân nhỏ lẻ.

Ông Hartanto cho rằng, thay vì trực tiếp thu phí, các startup agritech nên cung cấp giải pháp công nghệ của mình miễn phí. Bằng cách này, họ có thể hợp tác với nhiều nông dân và các bên liên quan hơn, từ đó giúp họ tăng thu nhập. Mạng lưới hợp tác rộng hơn sẽ giúp các startup gia tăng doanh thu.

Thay đổi hay dừng lại?

Vậy trong bối cảnh thị trường khó khăn, các startup agritech phải làm sao? Theo ông Hartanto, các công ty khởi nghiệp nông nghiệp cần mở rộng chuỗi giá trị của mình.

Thay vì chỉ đơn thuần bán nông sản thô, các startup nên nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu riêng hoặc xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, nơi có thể mang lại lợi nhuận cao hơn. Ông lấy Cimory, một thương hiệu sữa và thịt chế biến nổi tiếng của Indonesia, làm ví dụ điển hình cho việc chuyển đổi từ bán hàng hóa sang bán sản phẩm có thương hiệu để gia tăng giá trị. 

Năm 2023, Cimory đạt doanh thu 7.800 tỷ rupiah (tương đương 510,5 triệu USD) với lợi nhuận ròng 1.200 tỷ rupiah (81,5 triệu USD). Hay Beleaf - một công ty trong danh mục đầu tư của Ascent Venture Group, cũng đang đi theo hướng này bằng cách xây dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm rau củ quả của mình.

Trong bối cảnh thị trường agritech ngày càng trưởng thành, việc tìm kiếm lợi nhuận bền vững và tạo ra sản phẩm phù hợp với thị trường vẫn là những thách thức lớn nhất đối với các startup.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra lạc quan về tương lai của lĩnh vực này. Những khó khăn của ngành có thể được xem là cơ hội để phát triển. Chẳng hạn, sự biến động giá cả nông sản không phải là một điểm yếu cố hữu, mà là một đặc điểm mà các startup như Arya.ag đã tận dụng thành công thông qua các giải pháp lưu trữ và tiếp cận thị trường.

Nền tảng của Arya.ag cho phép nông dân lưu trữ nông sản ngay sau khi thu hoạch và sử dụng làm tài sản thế chấp để vay vốn. Khi giá nông sản tăng sau thu hoạch, Arya.ag sẽ kết nối nông dân với người mua để bán được giá tốt nhất.

Đức Huy

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.