|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia: Rủi ro là độ trễ giữa chính sách và thị trường, tác động tiêu cực của tăng lãi suất sẽ rõ hơn từ quý IV

07:00 | 14/10/2022
Chia sẻ
Chuyên gia cho rằng điểm đáng lo ngại nhất đối với triển vọng kinh tế Việt Nam là ở độ trễ giữa chính sách và thị trường, mọi chuyện sẽ khác từ quý IV.

Bức tranh kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022 khá tích cực với mức tăng trưởng cao nhất trong 12 năm, lạm phát thuộc nhóm thấp. Điều này tương phản với thực trạng toàn cầu khi nhiều ngân hàng trung ương đang tăng phải lãi suất để kìm lạm phát.

Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn với nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh thế giới nhiều biến động khó lường. 

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm quốc gia có mức tăng lạm phát thấp so với mặt bằng chung.  

 

Tốc độ mở rộng của nền kinh tế khá yếu

Mới đây, các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định kinh tế tăng trưởng cao kỷ lục do mức nền thấp nhưng tốc độ mở rộng khá yếu.

"Nếu không xét đến yếu tố mức nền thấp của cùng kỳ, tốc độ mở rộng của nền kinh tế trong quý III nhìn chung yếu hơn đáng kể so với quy luật nhiều năm trước khi dịch bệnh xảy ra. GDP trong quý III chỉ tăng 1,8% so với quý trước, chưa điều chỉnh yếu tố mùa vụ.

Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng tiếp tục mở rộng với mức tăng lần lượt 6,6% và 3,3% so với quý trước, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đều tăng trưởng thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước đại dịch.

Lĩnh vực dịch vụ dù ghi nhận mức tăng rất mạnh theo năm nhưng gần như không tăng trưởng so với quý trước. Trong khu vực dịch vụ, động lực tăng trưởng được duy trì ở nhóm dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động vui chơi giải trí với mức tăng lần lượt 14% và 13% so với quý trước.

Trái lại, GDP của lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và vận tải giảm lần lượt 8,6% và 4,6% so với quý trước, khác với xu hướng mở rộng của hai lĩnh vực này trong những năm trước đại dịch.

Đối với dịch vụ tài chính, nhóm ngân hàng, bảo hiểm cho thấy sự cải thiện (tăng 8,7% so với cùng kỳ và tăng 14% so với quý trước) nhưng nhóm bất động sản mặc dù tăng rất mạnh so với cùng kỳ (tăng 11,8%) nhưng chỉ tăng 2,2% so với quý trước, thấp hơn xu hướng tăng trưởng của lĩnh vực này trong những năm trước đại dịch.

Số liệu đã điều chỉnh tính mùa vụ của xuất khẩu và doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cho thấy tăng trưởng đã chậm lại theo quý. 

Các chuyên gia của SSI Research cũng vừa cảnh báo về một số biến số vĩ mô bắt đầu dấu hiệu kém tích cực hơn và cho thấy nền kinh tế không thể đứng ngoài những rủi ro bên ngoài. 

SSI cho rằng nếu loại trừ yếu tố kỹ thuật (mức nền thấp trong quý III/2021), tăng trưởng GDP trong quý III ước tính đạt 6,5% so với cùng kỳ - thấp hơn so với mức 7,8% trong quý II và cho thấy tăng trưởng kinh tế có thể đã đạt đỉnh trong quý II hoặc quý III.

Tương tự, số liệu đã điều chỉnh tính mùa vụ của xuất khẩu và doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cho thấy tăng trưởng đã chậm lại theo quý. Đặc biệt, xuất khẩu trong quý III đã ghi nhận mức tăng trưởng âm so với quý II cho thấy triển vọng khó khăn trong thời gian tới đối với hoạt động thương mại. 

Tác động tiêu cực của tăng lãi suất và suy giảm tăng trưởng cung tiền sẽ thể hiện rõ hơn từ quý IV

Nhận định về những rủi ro sắp tới, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho rằng điểm đáng lo ngại nhất đối với triển vọng kinh tế Việt Nam là ở độ trễ giữa chính sách và thị trường.

"Các chính sách tiền tệ thường có độ trễ khoảng 2 quý đến 1 năm, có thể lâu hơn trong một số trường hợp. Như vậy những tác động tiêu cực tới nền kinh tế từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu đến lúc này mới chỉ đang bắt đầu thẩm thấu vào các nền kinh tế", ông nói.

 

Ông Báu thông tin thêm, sự việc Credit Suisse đứng trước nguy cơ mất thanh khoản là câu chuyện điển hình cho việc những tác động tiêu cực từ thị trường tài chính đang thẩm thấu rõ ràng hơn vào sức khỏe của nền kinh tế thực.

"Tại Việt Nam những tác động tiêu cực của việc tăng lãi suất và suy giảm tăng trưởng cung tiền đến nền kinh tế trong nước phải từ quý IV trở đi mới thể hiện rõ nét hơn", CEO WiGroup cảnh báo.

 

 

Vấn đề thứ hai được ông Báu đề cập đến là những lo ngại về bất ổn địa chính trị có thể tiếp tục tạo ra những biến động khó lường trong giá cả hàng hóa thiết yếu, thứ mà chúng ta không thể phán đoán được tình huống. 

"Nhìn viễn cảnh tương lai, năm 2023, suy giảm tăng trưởng toàn cầu là điều không thể tránh khỏi. Trong nước, những áp lực lạm phát là hiện hữu. Nếu như giá cả hàng hóa tiếp tục ghi nhận đà tăng, kinh tế của chúng ta thực sự phải đứng trước những bài toán rất khó khăn", ông nêu quan điểm.

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhắc lại việc Fed tăng lãi suất tạo áp lực lên VND và các đồng tiền khác.

Việc Fed tăng lãi suất đã đẩy giá đồng USD tăng so với VND và các đồng tiền khác. Chỉ số DXY thể hiện sức mạnh của đồng USD đang tăng hơn 15% từ đầu năm và vượt mức đỉnh đầu năm 2020.

Các đồng tiền EUR, JPY đều đang mất giá so với đồng USD. VND cũng chịu áp lực mất giá sau 2 năm VND lên giá so với USD. Tỷ giá USD/VND dự báo sẽ tiếp tục tăng khi Fed có thể tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong các tháng cuối năm.

Các chuyên gia tại đây còn cảnh báo lãi suất tăng mạnh có thể làm thị trường tài chính biến động mạnh. Dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán có nguy cơ rút ra khỏi các thị trường mới nổi và tìm đến các kênh an toàn, các khu vực có lãi suất tăng.

Trong quá khứ, khi Fed tăng lãi suất như năm 2013, thị trường tài chính các quốc gia mới nổi và đang phát triển là biến động lớn với việc tiền nội tệ giảm giá, dòng vốn đầu tư ra ngoài, giá cổ phiếu giảm, thiếu thanh khoản nên họ buộc phải thắt chắt chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, lãi suất toàn cầu tăng sẽ khiến chi phí đi vay nợ nước ngoài của Chính phủ tăng cao và gánh nặng trả nợ cũng tăng theo. Đồng thời, lãi suất tăng dẫn đến gia tăng áp lực tài chính của doanh nghiệp, hộ gia đình cũng như cá nhân, dẫn đến các khoản vỡ nợ. Chi phí vay tăng cũng khiến cho vay tiền trở nên đắt đỏ hơn, người dân sẽ chi tiêu ít đi, tiết kiệm hơn.

Theo Agriseco, tại Việt Nam, mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tăng. Lãi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm đang tăng kể từ đầu năm nay và hiện về mức bình quân trước dịch COVID-19 là năm 2019. NHNN đã quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản sau khi Fed tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ bằng việc tăng lãi suất lên 0,75%. Nhiều NHTM cũng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động, dao động trong khoảng 5,5 – 7,55% với mức tăng từ 0,8% – 1%/năm so với đầu năm.  

Hồng Hà