|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chủ tịch GP.Invest: Chính sách tín dụng cần có 'dự lệnh' trước khi ra 'động lệnh', không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200%

12:02 | 17/02/2023
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest, chính sách tín dụng cần có "dự lệnh" trước khi ra "động lệnh" để tránh gây khó khăn đột ngột cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về bất động sản do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sáng ngày 17/2, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc GP.Invest, cho biết hiện doanh nghiệp đang triển khai giai đoạn 1 của dự án Palm Manor ở Việt Trì (Phú Thọ), quy mô 28 ha, tổng mức đầu tư khoảng 3.270 tỷ đồng.

Dự án này đã được phê duyệt quy hoạch năm 2012 và phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 2/2013 với quy mô cả hai giai đoạn là 58,5 ha. Thời điểm đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận cho thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo hình thức Nhà nước thu hồi đất bàn giao cho chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa xong phần đền bù giải phóng mặt bằng. Theo ông, vướng mắc của công tác giải phóng mặt bằng ở dự án là do cơ chế đền bù được quy định trước khi có Luật Đất đai năm 2013.  

“Giá đền bù từ năm 2013 đến nay không thay đổi trong khi quá trình đền bù kéo dài 11 năm dẫn đến tình trạng phức tạp so kè giữa người nhận trước và nhận sau, nếu đền bù theo mặt bằng giá mới thì người nhận trước lại đòi bổ sung còn nếu tự thoả thuận thì lại vi phạm quy định về dự án Nhà nước thu hồi”, ông Hiệp nói.  

Chủ tịch GP.Invest cho biết, đến tháng 8/2022, chính quyền địa phương mới tổ chức cưỡng chế bảo vệ thi công đợt 1, được 7,2 ha và phần còn lại của dự án vẫn đang chờ tháo gỡ về giá đền bù. 

Ông cũng cho rằng đây là khó khăn kéo dài gây phát sinh nhiều chi phí, thời gian cho chủ đầu tư và kiến nghị Thủ tướng, cùng tổ công tác của Chính phủ có biện pháp tháo gỡ để dự án có thể triển khai dứt điểm việc giải phóng mặt bằng 28 ha trong năm nay.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, CHủ tịch GP.Invest. (Ảnh: VGP).

Ngoài ra, ông Hiệp thông tin, doanh nghiệp đang chuẩn bị loạt dự án khác gồm một toà văn phòng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội); ba dự án khu đô thị (tại Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Yên); một dự án nhà ở (TP Hồ Chí Minh) và một cụm công nghiệp (Hải Dương). Tổng mức đầu tư cho các dự án trên khoảng 15.000 tỷ đồng và sắp tới doanh nghiệp có nhu cầu vay 8.000 tỷ đồng từ ngân hàng. 

Bên cạnh đó, ông Hiệp kiến nghị NHNN cho phép dùng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án đi vay làm tài sản đảm bảo nếu phương án có hiệu quả mà không phải sử dụng tài sản đảm bảo độc lập khác; xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể tuỳ thuộc vào tín nhiệm của khách hàng, dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200%.

“Chúng tôi đề nghị về chính sách tín dụng, NHNN cần có 'dự lệnh’ trước khi ra ‘động lệnh’ để tránh những khó khăn đột ngột cho doanh nghiệp. Và về tổng thể, kiến nghị NHNN có biện pháp chỉ đạo để hạ lãi suất sớm nhất", ông Hiệp kiến nghị.

Cho phép các tổ chức mua bán nợ tiếp cận đánh giá đối với dự án khả thi về pháp lý

Về vấn đề trái phiếu, ông Hiệp cho rằng năm 2023 sẽ có một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đến hạn trong khi thị trường bất động sản đang trầm lắng.

"Có một số doanh nghiệp đã quá đà trong việc phát hành TPDN để ôm dự án, gây ra biến động phức tạp cho thị trường tài chính và ảnh hưởng lớn đến niềm tin của thị trường bất động sản. Cần phải cho gia hạn các trái phiếu này để giảm bớt áp lực dòng tiền thanh toán của các công ty phát hành.

Sau đó, bên cạnh biện pháp cho hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản còn cần có cơ quan đánh giá cụ thể đối với từng doanh nghiệp đang phải chuẩn bị thanh toán trái phiếu mà không cân đối được dòng tiền", đại diện GP.Invest nói.

Cũng theo Chủ tịch GP.Invest, với một số trường hợp cụ thể, những dự án nếu khả thi về pháp lý nên cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) hoặc Công ty TNHH MTV Quản lý Tài sản của các Tổ chức Tín dụng Việt Nam (VAMC) tiếp cận đánh giá tài sản, dự án (đang sử dụng trái phiếu) để có thể xử lý triệt để, giúp hạ nhiệt thị trường.

Góp ý với việc sửa đổi Nghị định 65, Chủ tịch GP.Invest cho rằng có thể cân nhắc thêm quy định về tỷ lệ trái phiếu phiếu hành với vốn chủ sở hữu hoặc tài sản của doanh nghiệp. Đồng thời, xem xét trách nhiệm của ngân hàng và công ty môi giới, để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra như thời gian vừa qua.

Đăng Nguyên