|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cho vay hạ tầng sẽ trở thành động lực tín dụng trong năm 2024?

12:15 | 11/06/2024
Chia sẻ
Trong những tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn đã đẩy mạnh cho vay hạ tầng, với các khoản cấp tín dụng quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhiều công ty chứng khoán dự báo cho vay hạ tầng sẽ trở thành động lực tăng trưởng tín dụng lớn trong năm 2024.

 Ba ngân hàng ký hợp đồng tín dụng cấp 1,8 tỷ USD cho dự án sân bay Long Thành. (Ảnh: Báo Chính phủ). 

Nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay hạ tầng

Ngày 1/6, ba ngân hàng Vietcombank (đầu mối thu xếp vốn), VietinBank và BIDV đã ký kết và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã chính thức ký kết hợp đồng cấp tín dụng trị giá 1,8 tỷ USD cho dự án thành phần 3 của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành do ACV làm chủ đầu tư. 

Đây là khoản cấp tín dụng trung dài hạn bằng ngoại tệ cho khách hàng có giá trị lớn nhất từ trước đến nay của ngành ngân hàng Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là dự án đầu tiên được thu xếp hoàn toàn bằng nguồn vốn vay USD trung dài hạn từ các ngân hàng thương mại Việt Nam, với các điều kiện cạnh tranh hơn so với phương án vay vốn trực tiếp từ các định chế tài chính quốc tế.

Cho vay các dự bán hạ tầng lớn, đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp là một trong những giải pháp được các ngân hàng quốc doanh lựa chọn để thúc tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh hiện nay.Tính đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 2,41%, tương ứng dư nợ tín dụng đã tăng thêm hơn 326.800 tỷ đồng. 

Chứng khoán DSC kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của Vietcombank sẽ tốt hơn từ quý II nhờ ngân hàng dự kiến sẽ bắt đầu giải ngân các dự án trọng điểm như Sân Bay Long THành nói trên.

Tại báo cáo ngành ngân hàng, quý II/2024, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay lĩnh vực BĐS, xây dựng ở mức cao như LPBank, Techcombank, HDBank và MSB đã ghi nhận tăng trưởng tín dụng khả quan so với toàn ngành. 

Cụ thể, dư nợ doanh nghiệp lớn là động lực tăng trưởng tín dụng chính của MSB trong quý đầu năm với mức tăng trưởng 13,9% so với cuối năm trước, trong khi đó tín dụng SME chỉ tăng 2,1% còn tín dụng cá nhân giảm 7,4%.

HDBank ghi nhận tăng trưởng dư nợ khách hàng doanh nghiệp đạt 9,4% trong khi dư nợ cá nhận chỉ đạt 2%. Trong đó, ngành xây dựng ghi nhận tăng 24,3%. "Trong bối cảnh các khoản cho vay bán lẻ phục hồi chậm, chúng tôi cho rằng HDBank sẽ tiếp tục giải ngân đối với các doanh nghiệp xây dựng do nhu cầu vốn lớn", SSI nhận định trong báo cáo mới đây.

Còn tại LPBank, ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 5 năm qua trong 3 tháng đầu năm (11,8%). 

 

Ngoài dự án sân bay Long thành, đầu năm nay, 5 ngân hàng thương mại, bao gồm BIDV, VietinBank, ACB, VIB và MB đã cam kết tài trợ 15.644 tỷ đồng cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) để triển khai các dự án đường dây 500kV từ Quảng Trạch đến Phố Nối. 

Trong đó, BIDV cho vay 6.874 tỷ đồng, MB cho vay 2.855 tỷ đồng, VietinBank cho vay 3.875 tỷ đồng và liên danh ACB và VIB cam kết cho vay 2.040 tỷ đồng. Lãnh đạo EVNNPT thông tin, đến cuối tháng 6 tới đây, một số thành phần của các dự án này sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành.

Gần đây, Tập đoàn Đèo Cả (HHV) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - Chi nhánh Lâm Đồng ký kết thoả thuận hợp tác về tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo thỏa thuận, tổng mức vốn cung ứng dự kiến giai đoạn từ năm 2024 - 2027 khoảng 20.000 tỷ đồng, được phân bổ một theo các năm, năm 2024: 1.400 tỷ đồng, năm 2025: 3.500 tỷ đồng, năm 2026: 9.600 tỷ đồng, năm 2027: 5.500 tỷ đồng. Nhu cầu vốn cần đầu tư thực tế sẽ được Tập đoàn Đèo Cả thông báo cho Chi nhánh VDB Lâm Đồng sau khi các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

Lựa chọn chiến lược

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, lãnh đạo Vietcombank cho biết trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng bán lẻ, đặc biệt cho vay bất động sản gặp khó khăn, ngân hàng sẽ tập trung vào khách hàng doanh nghiệp lớn, tài chính tốt dự án trọng điểm quốc gia, trọng yếu kinh tế.

Ngoài dự án sân bay Long Thành, các dự án thành phần cũng sẽ được Vietcombank thẩm định, chẳng hạn như đường dẫn từ TP HCM về Long Thành và các hạng mục phụ trợ. 

Đồng thời, Vietcombank cho biết đang thẩm định nhiều dự án trọng điểm như dầu khí, khai thác, truyền dẫn, điện khí. Các dự án hạ tầng hàng không, cảng biển, công nghiệp, cũng được gấp rút thẩm định, cấp tín dụng. 

“Với định hướng cụ thể, Vietcombank nhận định rằng tăng trưởng tín dụng có thể đạt mục tiêu ở mức 12%, kiểm soát tín dụng nợ xấu dưới 1,5%”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng khẳng định.

Còn tại ĐHĐCĐ VietinBank, Thành viên HĐQT Trần Văn Tần cho biết ngành điện có nhu cầu vốn lớn. Ngành nhiệt điện than, cầu lớn nhưng về dài hạn cần xem xét vì ảnh hưởng môi trường. 

“Các mảng điện gió, điện mặt trời phát triển tốt nhưng hiện tại có vấn đề hạ tầng truyền tải, cơ chế chuyển tiếp. Chúng tôi cho rằng điện gió có nhiều khả quan hơn”, ông nói.

VCBS dự báo dư nợ tín dụng bất động sản và xây dựng sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới, trong đó tập trung vào hai phân khúc là BĐS nhà ở phục vụ nhu cầu thực và xây dựng hạ tầng giao thông. Trong khi tín dụng chung của nền kinh tế quay đầu giảm, dư nợ tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản đã tăng 0,16% vào cuối tháng 2/2024. 

Trong báo cáo ngành ngân hàng đầu năm, SSI cũng dư báo rằng dự địa tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ đến từ khối doanh nghiệp như: xây dựng cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp sản xuất và FDI cũng như các ngành nghề được ưu tiên. 

 

Cho vay hạ tầng đang giúp các ngân hàng tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn khó khăn đầu năm 2024, nhưng FiinRatings dự báo rằng xu hướng này sẽ giảm trong thời gian tới do những hạn chế về tỷ lệ và sự phát triển của những kênh huy động khác. 

Theo ước tính của FiinRatings, Việt Nam cần ít nhất 25-30 tỷ USD hàng năm để đầu tư cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới, tương đương gần 600 tỷ USD cho đến năm 2040.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại đóng vai trò quan trọng khi là nguồn tài trợ chính. Tuy nhiên, theo nhóm phân tích, việc phân bổ vốn vay cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng vẫn tương đối khiêm tốn, thường dao động từ 5% đến 7% dư nợ từng ngân hàng.

Trong giai đoạn tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các hạn chế về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, có thể dẫn đến việc cắt giảm hơn nữa việc phân bổ vào cơ sở hạ tầng. Mặt khác, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mới phát triển, với quy mô thị trường trái phiếu vẫn còn tương đối khiêm tốn, chỉ chiếm 9,75% GDP cả nước. 

FiinRatings cho rằng điều này thể hiện sự hạn chế về các công cụ tài chính để các tổ chức tài chính khác, như các công ty bảo hiểm, có thể tham gia tích cực hơn, trở thành nguồn tài trợ ổn định cho phát triển cơ sở hạ tầng. 

Minh Quang