CEO Wigroup: Giảm lãi suất điều hành là sự xác nhận về một chu kỳ nới lỏng trong tương lai gần của Việt Nam
Sự xác nhận về một chu kỳ nới lỏng trong tương lai gần
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có thông báo về việc điều chỉnh giảm loạt lãi suất điều hành 0,5 - 1 điểm %, áp dụng kể từ ngày 15/3. Lần điều chỉnh lãi suất điều hành này không áp dụng với trần lãi suất huy động.
Đánh giá về động thái này, ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup, nhận định hành động giảm lãi suất điều hành của NHNN là một sự xác nhận không thể rõ hơn về một chu kỳ nới lỏng trong tương lai gần của Việt Nam.
Sau khi NHNN thông báo giảm lãi suất điều hành, thị trường chứng khoán vào phiên hôm nay là một tâm lý vô cùng hứng khởi, tuy nhiên theo ông Báu đó là vấn đề trong ngắn hạn, thị trường muốn thực sự có những bứt phá trung và dài hạn thì đòi hỏi đi kèm là câu chuyện dòng tiền và triển vọng lợi nhuận.
“Với bối cảnh hiện tại thì có thể thấy dòng tiền sẽ mở rộng hơn nhưng không thể kỳ vọng bùng nổ do chúng ta vẫn bị kìm kẹp bởi xu hướng thắt chặt toàn cầu chưa kết thúc, mặt khác triển vọng lợi nhuận quý I và cả năm 2023 nhiều khả năng sẽ là gam màu xám chủ đạo”, CEO Wigroup nhận định.
Theo ông Báu, động thái này của NHNN ở thời điểm hiện tại xuất phát từ ba cơ sở.
Thứ nhất, số liệu hai tháng đầu năm thể hiện sức khỏe khu vực sản xuất và tiêu dùng rất yếu và cần những biện pháp kích thích phục hồi, giảm nhanh lãi suất điều hành từ đó tạo môi trường giảm lãi suất thị trường là điều cấp bách lúc này.
Thứ hai, những rung lắc tại hệ thống ngân hàng Mỹ chắc chắn sẽ tạo rào cản lớn đến mục tiêu tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và từ đó xoa dịu những áp lực tỷ giá lên VND.
Ngoài ra cán cân tổng thể dự báo khả quan khi thặng dư thương mại khá cao trong hai tháng đầu năm, dòng vốn ngoại cũng bắt đầu gia nhập trở lại và việc tỷ giá ổn định cùng với dòng tín dụng trong nước bị ách tắc cũng sẽ kích thích các doanh nghiệp mở rộng vay nợ nước ngoài. Ông Báu nhận định có thể NHNN đã có đong đếm để chấp nhận giảm hỗ trợ tỷ giá thay vào đó tập trung hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Thứ ba, về lạm phát, áp lực lạm phát của năm nay được dự báo là có, tuy nhiên phía NHNN cũng đã chủ động dịch chuyển mục tiêu lạm phát từ 4% như các năm trước đó lên 4,5% để tạo không gian cho việc nới lỏng.
“Với những diễn biến giá cả dự kiến trong năm 2023 thì mục tiêu này là quá thoải mái cho những hành động từ phía NHNN”, ông Báu nhận định.
Chúng ta đang để “con nghiện” qua cơn đau bằng việc cho thêm “thuốc”
Việc giảm lãi suất điều hành được đánh giá là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay, định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Tuy nhiên, mặt khác động thái này của NHNN cũng tồn tại những mặt trái cần phải nhìn nhận. CEO Wigroup cho hay Việt Nam phải giảm lãi suất trước các ngân hàng trung ương khác vì kinh tế của chúng ta đang thể hiện sự suy yếu nhanh và sớm hơn phần đông còn lại.
Bên cạnh đó, lãi suất điều hành giảm sẽ kéo theo các lãi suất kỳ hạn ngắn và siêu ngắn giảm theo, điều này có thể sẽ làm chênh lệch lãi suất trong và ngoài nước bị âm trở lại và gây áp lực lên tỷ giá. Áp lực này là không lớn nhưng rủi ro này vẫn tiềm ẩn.
Ông Báu cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang bị phụ thuộc vào nguồn vốn giá rẻ khi giai đoạn 2019-2022 đã được duy trì nền lãi suất rất thấp để chống trọi với COVID-19 nhưng khi NHNN tăng 2% lãi suất điều hành trong thời gian qua thì rất nhiều vấn đề đã xảy ra.
Do đó, với nền lãi suất lãi suất điều hành nhìn chung thấp như hiện tại chúng ta sẽ không còn nhiều dư địa để sử dụng công cụ lãi suất điều hành trong tương lai để kích thích nền kinh tế. Có thể nói chúng ta đang để “con nghiện” qua cơn đau bằng việc cho thêm “thuốc”, ông Báu nhận định.
Ngoài ra, lạm phát cũng là một rủi ro hiện hữu. Việc đẩy mạnh đầu tư công, nới lỏng sớm chính sách tiền tệ khó tránh khỏi việc gây áp lực lên lạm phát trong nước. Tuy rằng vấn đề lạm phát không quá căng thẳng bởi NHNN đã nới mục tiêu lạm phát cao hơn và sức cầu trong nước đang suy giảm, tuy nhiên rủi ro này cũng cần phải cân đo thêm.
Lãi suất điều hành của Việt Nam không còn nhiều dư địa để tiếp tục có nhiều đợt giảm mạnh
Dự báo về lãi suất điều hành trong năm 2023, giới phân tích cho rằng nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục kiềm giữ đà tăng lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Ông Trần Ngọc Báu cho rằng từ giờ đến cuối năm có thể NHNN sẽ có thêm 1-2 đợt giảm lãi suất điều hành nữa để hỗ trợ nền kinh tế, tuy nhiên lãi suất điều hành của Việt Nam không còn nhiều dư địa để tiếp tục có nhiều đợt giảm mạnh.
Bên cạnh đó, công cụ lãi suất hoàn thành xong nhiệm vụ thì NHNN sẽ cần sử dụng kết hợp thêm các công cụ hỗ trợ thanh khoản khác như: mở rộng thanh khoản thị trường mở, mua thêm ngoại tệ, cung cấp những gói tái cấp vốn đặc biệt theo đối tượng chuyên biệt, ….. Nhìn chung sẽ là những động thái nới lỏng tiền tệ song song với đó là một vài điều tiết nhỏ để giảm thiểu áp lực tỷ giá và lạm phát.
“Lãi suất điều hành có nhiều loại với các mục tiêu nhiệm vụ khác nhau, trong ngắn hạn để tiếp tục giảm lãi suất thị trường thì NHNN trong thời gian tới cũng cần giảm thêm các loại lãi suất điều hành còn lại, cũng như chủ động điều tiết thanh khoản trên thị trường mở theo hướng giảm dần lãi suất liên ngân hàng bình quân”, ông Báu cho hay.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng chung quan điểm khi cho rằng ưu tiên của chính sách tiền tệ sẽ dịch chuyển theo hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất trong nền kinh tế để hỗ trợ cho đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định của hệ thống (hỗ trợ thanh khoản, tránh xảy ra đổ vỡ và mất niềm tin đối với hệ thống ngân hàng).
Do đó, các chuyên gia cho rằng lãi suất điều hành sẽ không chạy theo lãi suất thị trường với định hướng kiềm chế lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát đà tăng lãi suất để đảm bảo an toàn hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề nợ xấu tăng sẽ nổi cộm hơn trong năm 2023.