|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO F88: Gọi 10 ứng viên thì 9 người nghe đến cầm đồ là bỏ phỏng vấn, 1 người nghỉ việc ngay trong ngày đầu tiên

14:45 | 08/02/2022
Chia sẻ
"Sứ mệnh của doanh nghiệp phải trả lời được câu hỏi: Doanh nghiệp tồn tại vì điều gì, mọi người trong tổ chức đi làm vì cái gì? Sứ mệnh đó sẽ truyền cảm hứng cho đội ngũ", ông Phùng Anh Tuấn, CEO F88 chia sẻ.

Mới đây trong buổi Webinar do GapoWork tổ chức với chủ đề "Chiến lược con người và xây dựng văn hoá doanh nghiệp", ông Phùng Anh Tuấn - CEO CTCP Kinh doanh F88 (F88) đã có những chia sẻ về khó khăn trong tuyển dụng nhân sự những ngày đầu. 

Khởi nghiệp với một lĩnh vực mang nhiều định kiến xã hội, làm thế nào để F88 hoá giải và chiêu mộ nhân tài về làm việc. Dưới đây là những bài học về quản trị chiến lược mà đội ngũ lãnh đạo F88 đã thực thi trong giai đoạn 5 năm qua.

CEO F88: Gọi 10 ứng viên thì 9 người nghe đến cầm đồ là bỏ phỏng vấn, 1 người nghỉ việc ngay trong ngày đầu tiên - Ảnh 1.

Đội ngũ F88. (Ảnh: @Phùng Anh Tuấn).

Bài toán tuyển dụng nhân sự với nghề "nhạy cảm"

Người đứng đầu F88 chia sẻ rằng doanh nghiệp được thành lập từ năm 2013 với ngành nghề kinh doanh chính là cho vay cầm cố tài sản mà dân gian thường gọi là cầm đồ. "Thời điểm đó, đây là ngành nghề nhạy cảm và có đầy định kiến xã hội", ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, khi ấy, theo chia sẻ, đội ngũ lãnh đạo của F88 chỉ suy nghĩ một cách đơn giản rằng thị trường đang có một nhóm khách hàng dưới chuẩn tài chính của ngân hàng - không thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thống.

Do đó, khi có nhu cầu, bắt buộc họ phải tìm đến thị trường thứ cấp là hộ kinh doanh nhỏ lẻ - các tiệm cầm đồ hoặc vay người thân. Do đó, F88 đã nhìn thấy cơ hội cung cấp dịch vụ cho những đối tượng khách hàng này. "Chúng tôi nhìn thấy cơ hội và làm thôi", ông Tuấn kể.

Nhưng vị CEO cũng phải thừa nhận: "Với mô hình kinh doanh thông thường, để xây dựng thành công đã là khó rồi. Nhưng đối với dịch vụ của chúng tôi còn khó hơn nhiều vì nó có định kiến của xã hội nên mọi người nhìn nó không tốt".

Điển hình cho điều này là câu chuyện tuyển dụng nhân sự. Ông Tuấn kể trong những ngày đầu mở phòng giao dịch đầu tiên, gọi cho 10 ứng viên thì 9 người nghe đến cầm đồ là không đến phỏng vấn. Còn một ứng viên tuyển được thì ngày đầu tiên đi làm, đến điểm giao dịch thấy biển hiệu có chữ cầm đồ cũng nghỉ việc luôn.

"Thậm chí khi chúng tôi tuyển dụng được nhân sự thì những người ấy cũng không gắn bó lâu dài với công ty. Các bạn ấy sẽ giấu với gia đình là đang làm việc tại F88. Đấy là giai đoạn đầu tiên trong vòng ba năm mới thành lập", ông Tuấn nhớ lại.

Chiến lược văn hoá doanh nghiệp, chiêu dụ người tài

Đến năm 2016, lãnh đạo F88 đã tìm ra điểm nghẽn trong tuyển dụng nhân sự, đó là: "Mục tiêu của doanh nghiệp là tốt nhưng công ty chưa thể định hình được tương lai của doanh nghiệp này như thế nào, sứ mệnh của doanh nghiệp, tồn tại để làm gì và từ năm 2016, chúng tôi bắt đầu viết ra tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi công ty".

Theo đó, tầm nhìn đầu tiên là trong vòng 5 năm, F88 sẽ trở thành công ty cung cấp dịch vụ cầm đồ số 1 Việt Nam, sở hữu 300 phòng giao dịch, với định giá công ty 300 triệu USD. Mục tiêu này đặt ra vào thời điểm F88 mới sở hữu 10 phòng giao dịch với mức định giá chưa đến 10 triệu USD. "Lúc ấy thực sự đặt ra mục tiêu ấy là mục tiêu trên trời. Tóm lại là mình mơ ước thế nào, mong muốn thế nào thì mình đặt ra như thế", CEO F88 thừa nhận.

Về sứ mệnh, "lúc đấy chúng tôi suy nghĩ là làm sao để nhân viên có cảm hứng trong tổ chức. Do đó chúng tôi đặt luôn ra sứ mệnh là thay đổi định kiến của xã hội về nghề cầm đồ".

Từ đó, F88 đã tiến hành rất nhiều hoạt động để truyền tải hình ảnh tương lai công ty cho đội ngũ nhân sự hiện có, và dùng tương lai đấy để thu hút nhân tài về giúp doanh nghiệp thực hiện được tầm nhìn và sứ mệnh đã đặt ra.

CEO F88: Gọi 10 ứng viên thì 9 người nghe đến cầm đồ là bỏ phỏng vấn, 1 người nghỉ việc ngay trong ngày đầu tiên - Ảnh 2.

Nhân viên tại một điểm giao dịch F88. (Ảnh: @Phùng Anh Tuấn).

Kết quả, đến năm 2021, F88 đã thực hiện được tầm nhìn đầu tiên, không những chỉ 300 phòng giao dịch mà là 500 phòng giao dịch, từ 10 phòng giao dịch năm 2016. Định giá doanh nghiệp vượt qua mức kỳ vọng -  ông Phùng Anh Tuấn tiết lộ.

"Sứ mệnh đặt ra là thay đổi định kiến thì đến giờ F88 đã khá tự hào khi chúng tôi đã tạo ra mô hình kinh doanh mà những doanh nghiệp khác phải học tập hoặc làm theo", lãnh đạo F88 nói. 

Dẫn chứng ông Tuấn cho rằng nhiều doanh nghiệp trong nước với mô hình tương tự F88 cũng đã được thành lập, thậm chí các doanh nghiệp nước ngoài hàng tỷ USD - nơi họ đã sở hữu 3.000 - 4.000 phòng giao dịch như F88 cũng nhảy vào thị trường Việt Nam.

Hay như thị trường cầm đồ truyền thống, để cạnh tranh với F88 cũng phải nâng cấp điểm giao dịch, nâng cấp dịch vụ của bản thân. "Chúng tôi tự hào là đã làm lành mạnh hoá thị trường, cung cấp dịch vụ tốt, người hưởng lợi cuối cùng là khách hàng", CEO Phùng Anh Tuấn chia sẻ.

"Một tổ chức thiếu văn hoá doanh nghiệp giống như thiếu linh hồn"

Bên cạnh tầm nhìn và sứ mệnh, F88 cũng xây dựng bộ giá trị cốt lõi từ năm 2016. "Đối với F88, văn hoá doanh nghiệp được hình thành từ tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi", ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo chia sẻ từ người đứng đầu, F88 có định nghĩa riêng của mình về văn hoá doanh nghiệp, định nghĩa này sẽ chỉ cho lãnh đạo công ty thấy trong 3 năm nữa, 10 năm nữa F88 sẽ đi về đâu, sẽ trông ra làm sao. 

"Nó là một mục tiêu rõ ràng khiến cả tổ chức có nhìn thấy và hành động. Khi tầm nhìn ấy thành hiện thực, tất cả đội ngũ sẽ được hưởng thành quả. Thậm chí là thành quả trên hành trình chinh phục", CEO Phùng Anh Tuấn tự tin. "Sứ mệnh của doanh nghiệp phải trả lời được câu hỏi: Doanh nghiệp tồn tại vì điều gì, mọi người trong tổ chức đi làm vì cái gì? Sứ mệnh đó sẽ truyền cảm hứng cho đội ngũ".

Lấy ví dụ, ông Tuấn chia sẻ, hàng ngày nhân viên F88 tới điểm giao dịch sẽ phải mang tâm thế đang hỗ trợ khách hàng, làm sao để khách hàng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. "Đó là sứ mệnh của chúng tôi. Người dân vay tiền từ F88 sẽ không phải vướng vào vòng xoáy nợ nần và muốn cuộc sống của họ phải tốt lên. Như vậy nó sẽ giúp cho nhân viên có cảm hứng để làm việc", ông Tuấn nói về việc đặt ra sứ mệnh doanh nghiệp đã giúp nhân viên thay đổi cái nhìn với các hoạt động kinh doanh của công ty ra sao.

"Một tổ chức thiếu văn hoá doanh nghiệp giống như thiếu linh hồn, không thể phát triển được", vị CEO trẻ kết luận.

Thiên Trường