|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Biến chủng Delta lan rộng cản bước phục hồi của các nền kinh tế lớn tại châu Á

06:25 | 21/08/2021
Chia sẻ
Trong khi các quốc gia phương Tây đang bắt đầu thực hiện mở cửa trở lại, dịch COVID-19 cùng sự lây lan nhanh rộng của biến thể Delta đã đẩy nền kinh tế châu Á đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phục hồi nền kinh tế.

Đà phục hồi chậm lại ở châu Á và tăng nhanh tại phương Tây

Theo The Wall Street Journal, do các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh gây nên sự kìm hãm sản xuất ở một số quốc gia, Châu Á đang nổi lên như một mắt xích yếu trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu

Với tiến độ tiêm chủng chậm hơn so với các quốc gia phương Tây, châu Á đang chạm đỉnh của làn sóng COVID-19 bùng phát mới gây ra bởi biến thể Delta. Sự lây lan của vi rút đang đe dọa làm tổn thương lòng tin của người tiêu dùng và xói mòn lợi thế của nhiều cường quốc sản xuất tại đây.

Biến chủng Delta lan rộng cản bước phục hồi của các nền kinh tế lớn tại châu Á - Ảnh 1.

Một con phố tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia - một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 tại Đông Nam Á, vào tháng 7. (Ảnh: Zuma Press).

Báo cáo của HIS Markit cho thấy các nền kinh tế Đông Nam Á đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi biến chủng Delta hoành hành. Đặc biệt là Indonesia và Malaysia, những nơi đang phải đối mặt với tình trạng số ca lây nhiễm và tử vong tăng mạnh, đang thuộc nhóm chịu ảnh hưởng hàng đầu. Hoạt động sản xuất suy giảm trên khắp khu vực này.

Nhu cầu nước ngoài đã thúc đẩy các nền kinh tế xuất khẩu như Trung Quốc và Hàn Quốc trong đại dịch, với các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng từ xe đạp đến đồ nội thất, thiết bị điện tử cho người tiêu dùng nước ngoài. Song, những động lực này đã có dấu hiệu chậm lại.

Tại Trung Quốc, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua, cho thấy nhu cầu trong và ngoài nước đang giảm nhiệt.

Trong khi đó, ở phương Tây, với tỷ lệ tiêm chủng cao hơn đã giúp cho các hoạt động kinh tế đang trở lại mức bình thường. Tại Mỹ, sản lượng kinh tế đã tăng trên mức trung bình trước đại dịch trong quý II.

Biến chủng Delta lan rộng cản bước phục hồi của các nền kinh tế lớn tại châu Á - Ảnh 2.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua tại Trung Quốc. (Nguồn: Bloomberg).

Theo khảo sát của IHS Markit, các nhà máy ở châu Âu đã báo cáo mức tăng trưởng sản lượng gần đạt kỷ lục trong tháng 7. Tại Eurozone, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động mạnh chưa từng thấy trong tháng 7, khi số đơn hàng mới vượt sản lượng của các nhà máy ở mức độ chưa từng thấy trong 24 năm khảo sát của IHS.

Theo Chỉ số Quản lý Mua hàng của Viện Quản lý Cung ứng Mỹ, trong tháng 7, một số hạn chế về nguồn cung đã có dấu hiệu giảm nhẹ. Nguyên liệu thô tăng giá chậm lại và việc thuê nhân công được mở rộng. Các công ty cũng báo cáo có ít nhà cung cấp chậm trễ hơn.

Trong khi đó, sản lượng và nhu cầu của khách hàng tiếp tục tăng mạnh nhưng với tốc độ chậm hơn một chút so với tháng 6.

Chuỗi cung ứng gián đoạn

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gần 40% dân số tại các nền kinh tế tiên tiến đã được tiêm phòng đầy đủ, so với chưa đến một nửa tỷ lệ đó tại các nền kinh tế mới nổi. Ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn. Khoảng 8% dân số Indonesia và Philippines đã được tiêm chủng đầy đủ, và khoảng 6% ở Thái Lan.

Malaysia đã yêu cầu các nhà máy sản xuất hàng không thiết yếu đóng cửa từ đầu tháng 6 sau khi phát hiện hàng loạt ổ dịch ở nhiều doanh nghiệp.

Ông Tan Thian Poh, đại diện Công ty may mặc Asia Brands ở Malaysia cho biết các nhà máy của hãng ngừng hoạt động suốt hai tháng qua, khiến các đơn hàng xuất khẩu bị trì hoãn.

“Các đơn hàng xuất khẩu bị trì hoãn do chúng tôi không thể sản xuất trong hai tháng. Khách hàng nước ngoài có thể sẽ chọn nhà cung cấp mới bên ngoài Malaysia. Sự bất ổn này đang ảnh hưởng quá nặng tới chúng tôi”, ông Tan Thian Poh, chủ công ty may mặc Asia Brands, than thở.

Lối thoát duy nhất của ông Tan là chuyển sang sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân, được chính phủ coi là một lĩnh vực thiết yếu. Tuy nhiên, ông cũng chỉ được duy trì 60% lực lượng lao động so với bình thường.

Biến chủng Delta lan rộng cản bước phục hồi của các nền kinh tế lớn tại châu Á - Ảnh 3.

Biến chủng Delta chặn đứng sự phục hồi của nền kinh tế châu Á. (Nguồn: CGTN).

Do các chuỗi cung ứng trong khu vực được kết nối chặt chẽ, nên việc ngừng hoạt động của nhà máy ở một quốc gia có thể gây ra gián đoạn tại nơi khác.

Tại Indonesia, PT Pan Brothers, một nhà sản xuất hàng may mặc Indonesia được phép hoạt động với 100% số công nhân (31.000 công nhân) vì được xem là hàng thiết yếu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng gặp nhiều khó khăn vì không thể nhập khẩu kịp thời nguyên liệu từ Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực do dịch bệnh bùng phát, theo Anne Patricia Sutanto, Phó giám đốc điều hành của công ty.

Tại Trung Quốc, chỉ số phụ về đơn hàng mới của PMI chính thức giảm xuống 47,7 trong tháng 7, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Chỉ số dưới 50 cho thấy lượng đơn hàng đang thu hẹp vì nhu cầu nước ngoài giảm. Cho đến nay, biến thể Delta đã được phát hiện tại hơn 26 thành phố ở Trung Quốc, có nguy cơ làm suy giảm tâm lý người tiêu dùng.

Ngành xuất khẩu của Hàn Quốc tăng trưởng lần lượt 39,8% và 29,6% trong tháng 6 và tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự báo nền kinh tế nước này sẽ đối mặt với những thách thức về bất ổn chuỗi cung ứng trong thời gian tới.

"Ngay cả khi mối đe dọa tức thời của dịch COVID-19 giảm bớt trong vài tháng, tác động kinh tế của nó có thể kéo dài", Frederic Neumann, đồng Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế châu Á tại HSBC, nhận định.

Trong khi đó, tại Thái Lan, hàng loạt nhà máy của Toyota Motor phải đóng cửa vì số ca mắc COVID-19 tăng vọt. Các chuyên gia nhận định tình trạng này sẽ gây sức ép lớn lên chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã căng thẳng trong bối cảnh chi phí vận chuyển tăng cao và tình trạng thiếu hụt một số thành phần, nguyên liệu.

Tăng tốc tiêm chủng để mở cửa trở lại

Các chuyên gia cũng cho rằng, nếu biến thể Delta tiếp tục lây lan nhanh chóng trong khi tốc độ tiêm chủng vẫn chậm, châu Á có thể hứng chịu những hậu quả kinh tế dài hạn.

Sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 cũng có thể khiến các ngân hàng trung ương ở châu Á khó bám sát các kế hoạch bình thường hóa ban đầu, buộc một số phải giữ chính sách nới lỏng trong thời gian dài hơn.

Điều đó có thể làm tăng thêm rủi ro về xu hướng dòng vốn chảy ra, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể thắt chặt chính sách sớm vì áp lực lạm phát ngày càng tăng.

Biến chủng Delta lan rộng cản bước phục hồi của các nền kinh tế lớn tại châu Á - Ảnh 4.

Tốc độ tiêm chủng vắc xin là một trong những yếu tố quyết định việc mở cửa trở lại nền kinh tế. (Nguồn: Reuters).

Các nhà kinh tế cho biết, tất cả những lực cản này đối với sự phục hồi kinh tế trong khu vực có thể thúc đẩy nhiều quốc gia xem xét lại hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn mở rộng và tăng tốc triển khai tiêm chủng, một yếu tố có thể cho phép họ mở cửa trở lại nền kinh tế.

Điển hình là Singapore, quốc gia có kế hoạch nới lỏng hạn chế đi lại vào cuối năm nay, khi đã tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 80% dân số, có thể là một ví dụ tốt để học hỏi.

"Yếu tố quan trọng là các chính phủ phải quản lý nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát di chuyển hoặc giãn cách xã hội như thế nào để giữ cho vấn đề sức khỏe cộng đồng được ổn định", Steven Cochrane, Nhà kinh tế trưởng châu Á - Thái Bình Dương của Moody’s Analytics ở Singapore, đánh giá.

Theo vị chuyên gia, nếu không có sự phổ biến nhanh chóng của vắc xin thì khu vực này chẳng có nhiều sự lựa chọn ngoài việc siết chặt các hạn chế di chuyển như hiện nay.

Phương Trang