|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

BID và GAS tăng mạnh đầu năm, bảng xếp hạng vốn hóa có nhiều xáo trộn

09:15 | 26/01/2022
Chia sẻ
BID của ngân hàng BIDV và GAS của Tổng Công ty Khí PV Gas đã vượt qua HPG của Tập đoàn Hòa Phát để vào top 5 vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.
BID và GAS tăng mạnh đầu năm, bảng xếp hạng vốn hóa có nhiều xáo trộn - Ảnh 1.

Một phòng giao dịch của BIDV ở Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Tính đến cuối phiên 25/1, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) là doanh nghiệp giá trị nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với vốn hóa 453.400 tỷ đồng, tương đương gần 20 tỷ USD. Hai vị trí tiếp sau thuộc về cặp công ty mẹ - con là Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) và CTCP Vinhomes (Mã: VHM). 

VCB cùng với VIC và VHM từ lâu đã thay phiên nhau thống trị top vốn hóa, những doanh nghiệp khác không thể chen chân nổi với ba ông lớn này.

Tuy nhiên ở phía dưới của bảng xếp hạng, thứ tự thường xuyên có sự thay đổi. HPG của Tập đoàn Hòa Phát từng có thời gian dài chắc chân ở vị trí số 4 nhưng do giá cổ phiếu liên tục giảm sút những tháng gần đây nên hiện đã tụt xuống vị trí số 6.

Nhóm ngân hàng quốc doanh khởi sắc

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas - Mã: GAS) đã vươn lên mạnh mẽ với vốn hóa tăng lần lượt 32% và 14% trong chưa đầy một tháng, lần lượt đứng thứ 4 và 5.

Ngoài BIDV, hai ngân hàng quốc doanh còn lại trong VN30 là Vietcombank (VCB) và VietinBank (CTG) cũng chứng kiến cổ phiếu tăng giá lần lượt gần 22% và 9% so với cuối năm 2021. Trong top 10 vốn hóa thị trường hiện nay có 4 đại diện của nhóm ngân hàng.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá triển vọng ngành ngân hàng năm 2022 tiếp tục được cải thiện trên nền tảng chính sách tiền tệ mở rộng, kinh tế phục hồi, áp lực tăng lãi suất dự kiến chỉ xuất hiện cuối năm 2022 và phân hóa từng ngân hàng.

Hoạt động của các nhà băng quốc doanh như Vietcombank, VietinBank và BIDV nhiều khả năng sẽ được hỗ trợ bởi các câu chuyện như chia cổ tức tăng vốn và phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước dự kiến trong quý I, VDSC cho hay.

Trong những tháng gần đây, cả ba ngân hàng quốc doanh kể trên đều phát hành hàng tỷ cổ phiếu để trả cổ tức, đồng thời vươn lên thành những doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Vietcombank ước tính hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế mà Ngân hàng Nhà nước và đại hội cổ đông giao, tức là không dưới 25.585 tỷ đồng.

BIDV cũng vừa cho biết lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 đạt 13.500 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2020.

BID và GAS tăng mạnh đầu năm, bảng xếp hạng vốn hóa có nhiều xáo trộn - Ảnh 3.

Sắp xếp theo thứ tự vốn hóa ngày 25/1/2022.

Triển vọng PV Gas khả quan nhờ giá dầu tăng

PV Gas đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 cho thấy doanh thu thuần đạt 20.177 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.029 tỷ, tăng trưởng tương ứng 30% và 21% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm, công ty đạt doanh thu 78.992 tỷ và lợi nhuận 8.852 tỷ, lần lượt tăng 23% và 11%, đồng thời vượt kế hoạch đề ra.

Doanh thu của PV Gas tăng trưởng mạnh nhờ giá dầu nhiên liệu bình quân tăng 70% so với năm trước. Tuy nhiên, làn sóng dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến PV Gas những tháng cuối năm 2021. Trong đó, huy động khí của khách hàng EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) chỉ bằng 76% so với cùng kỳ năm trước và bằng 68% kế hoạch của công ty mẹ PVN.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo giá dầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao nhờ nhu cầu được cải thiện sau giai đoạn suy sụp vì biến thể Omicron. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC giữ nguyên dự báo nhu cầu năm 2022, với quan điểm nhu cầu dầu sẽ tăng trên toàn thế giới, dẫn đầu bởi các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.

Bên cạnh đó, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cũng đưa ra dự báo nhu cầu dầu trên toàn cầu sẽ tăng thêm 3,3 triệu thùng/ngày vào năm 2022 khi các tác động của đại dịch được kiểm soát. BSC đánh giá triển vọng khả quan của giá dầu sẽ tác động tích cực lên các mảng hoạt động chính của PV Gas như mảng khí khô và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).

BID và GAS tăng mạnh đầu năm, bảng xếp hạng vốn hóa có nhiều xáo trộn - Ảnh 4.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát và các hoạt động sản xuất được phục hồi, nhu cầu sử dụng điện công nghiệp dự kiến sẽ tăng 5-10%. BSC dự báo sản lượng khí ẩm khai thác của PV Gas trong năm 2022 sẽ tăng 18% lên 8,6 tỷ m3 nhờ nhu cầu cải thiện cũng như sản lượng khí được bổ sung từ các dự án mới như mỏ Sư tử Trắng giai đoạn 2A (bắt đầu khai thác từ quý II/2021) và kho cảng LNG Thị Vải (dự kiến đi vào hoạt động từ nửa cuối 2022).

BSC dự phóng doanh thu thuần và lãi sau thuế năm 2022 của PV Gas lần lượt đạt 92.778 tỷ đồng và 9.863 tỷ, tăng tương ứng 17,5% và 11,4% so với 2021. Các giả định là:

Thứ nhất, giá dầu Brent trung bình năm đạt là 80 USD/thùng, tăng 10% so với bình quân 2021. Thứ hai, sản lượng mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2A đạt 500 triệu m3 khí. Thứ ba, PV Gas sản xuất và phân phối 8,6 tỷ m3 khí khô (tăng 18%); 2,1 triệu tấn LPG (tăng 6%) và 62.000 tấn condensate (tăng 2%).

Song Ngọc

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.