|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bí ẩn đế chế Asanzo: Từ ông chủ khởi nghiệp đến nghi án trốn thuế

16:37 | 24/06/2024
Chia sẻ
Ông Phạm Văn Tam góp vốn sở hữu nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái Asanzo. Doanh nghiệp nổi bật được truyền thông trong thời gian qua là Winsan - một tập đoàn đầu tư do ông Tam nắm 95% vốn.

Mới đây, ông Phạm Văn Tam - nguyên Chủ tịch tập đoàn Asanzo, bị nhà chức trách bắt tạm giam sau khi bị khởi tố về tội trốn thuế. Cáo buộc nêu ông Tam đã chỉ đạo ký hợp đồng với nhiều công ty nhưng không xuất hóa đơn và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để trốn thuế hơn 15,7 tỷ đồng.

Trước khi vướng lao lý, ông Phạm Văn Tam (sinh năm 1980, quê Quảng Ninh) được biết tới là một người trẻ khởi nghiệp rất thành công, gắn với tên tuổi thương hiệu các sản phẩm điện máy Asanzo.

Ông Phạm Văn Tam (áo trắng) với các công nhân trong nhà máy Asanzo. (Ảnh: ZingNews).

Năm 2013, từ một doanh nghiệp không tên tuổi bỗng nổi lên thành một thương hiệu đồ điện tử bình dân chuyên về tivi, điện lạnh, chỉ sau 6 năm có mặt trên thị trường, Asanzo nhanh chóng được người tiêu dùng biết đến với chiến lược nhắm vào khách hàng là hộ gia đình nông thôn và lao động thu nhập thấp. 

Hướng tới phân khúc khách hàng rộng, Asanzo đã nhanh chóng đạt được thành công khi chỉ sau một năm có mặt trên thị trường, doanh nghiệp này đã đạt doanh số hơn 100.000 chiếc tivi bán ra.

Năm 2015, con số này tăng gấp ba lần. Năm 2016, lượng tivi bán ra lên tới con số 500.000 chiếc và tiếp tục tăng 140% một năm sau đó. Ngoài tivi, đến năm 2018, Asanzo bán ra trên 4 triệu sản phẩm điện máy các loại. Theo thống kê của doanh nghiệp, vào thời kì đỉnh cao Asanzo từng chiếm tới 15% thị phần tivi tại Việt Nam.

 

CTCP Tập đoàn Asanzo là doanh nghiệp hiện nay chuyên phân phối chính các mặt hàng từ điện tử, điện lạnh và đồ điện gia dụng của Asanzo. Công ty này được đăng ký thành lập vào tháng 10/2016 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trong đó, ông Phạm Văn Tam góp vốn 90 tỷ đồng, tương đương 90% tỷ lệ sở hữu.

10% vốn còn lại chia đều cho 5 chủ đầu tư khác, gồm hai tổ chức CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam và Công ty TNHH Truyền thông Asanzo; ba cá nhân gồm bà Phạm Thị The, ông Phạm Văn Toản và ông Phạm Xuân Tình.

Đến tháng 7/2017, ông Phạm Văn Tam giảm tỷ lệ sở hữu của mình tại Asanzo từ 90% xuống 1%. Sau đó, các cổ đông tổ chức như CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam và Công ty TNHH Truyền thông Asanzo cũng lần lượt thoái hết vốn. Nhóm cổ đông sáng lập chỉ còn sở hữu 7% cổ phần tại tập đoàn Asanzo, trên vốn điều lệ của công ty vẫn giữ nguyên 100 tỷ đồng. Sau tái cơ cấu đại diện theo pháp luật của tập đoàn Asanzo là ông Phạm Xuân Tình - em trai ông Phạm Văn Tam.

Ngoài tập đoàn Asanzo, ông Phạm Văn Tam còn góp vốn sở hữu CTCP Truyền thông Asanzo - thành lập năm 2014, do bà Nguyễn Thị Ý Nhi làm người đại diện pháp luật và CTCP Công nghệ cao Asanzo ra mắt đầu năm 2019.

CTCP Công nghệ cao Asanzo chuyên sản xuất linh kiện điện tử, tại thời điểm mới thành lập, công ty này có ba cổ đông gồm Phạm Văn Tam, Dương Thị Ngọc Giàu, Nguyễn Thị Ý Nhi. Công ty này có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, đặt tại Khu Công nghệ cao (quận 9, TP HCM).

Trong khi tại CTCP Truyền thông và Giải trí Asanzo, ông Tam nắm 80% vốn năm 2018. Tới tháng 9 cùng năm, công ty này tăng mạnh vốn từ 200 triệu đồng lên 50 tỷ đồng.

Ngoài ba doanh nghiệp chính kể trên, còn có một loạt các công ty khác cũng được gắn mác "Asanzo". Chẳng hạn như CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam với địa chỉ trụ sở nằm tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân (TP HCM) được thành lập năm 2014, với ngành nghề kinh doanh chính là các mặt hàng đồ điện tử và đồ điện gia dụng của Asanzo. 

Tập đoàn Asanzo còn góp vốn, sáng lập nên nhiều công ty khác, như CTCP Đầu tư Asanzo, Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo và CTCP Viễn thông Asanzo. Tỷ lệ góp vốn ban đầu của Asanzo vào các công ty này luôn ở mức rất cao, lên đến 90%. Một số công ty khác có địa chỉ trụ sở nằm ngoài TP HCM, như Hải Dương, Long An cũng có "họ hàng" với Asanzo mới được thành lập từ năm 2017 đến nay.

Tuy nhiên đến năm 2020, ông Tam gần như đã thoái sạch vốn khỏi các công ty "họ hàng" như tại CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam, CTCP Đầu tư Asanzo và Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo.

Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho kết quả khoảng chục công ty có "họ" Asanzo. (Ảnh chụp màn hình). 

Đến tháng 5/2020, sau giai đoạn lùm xùm liên quan đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, ông Phạm Văn Tam cho biết đã rời ban điều hành Tập đoàn Asanzo. Rời hệ sinh thái Asanzo, ông Tam đứng ra thành lập một tập đoàn đầu tư tài chính với tên gọi Winsan.

Winsan hoạt động dưới mô hình công ty đầu tư tài chính cho các doanh nghiệp qui mô vừa và nhỏ. Không chỉ tập trung đầu tư vào startup điện tử, phần cứng như trước, Winsan có kế hoạch mở rộng danh mục đầu tư thêm nhiều lĩnh vực khác như nha khoa, thực phẩm tiêu dùng, thức uống giải khát,...

"Winsan như một chiếc 'bơm trợ lực' cho các doanh nghiệp có nhiều tiềm năng nhân rộng nhưng còn thiếu nguồn lực tài chính lẫn kinh nghiệm quản trị", ông Phạm Văn Tam chia sẻ vào thời điểm đó.

Theo hồ sơ, CTCP Đầu tư Tập đoàn Winsan được thành lập vào 25/5/2020, trụ sở đặt tại Tân Phú, TP HCM. Người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc Winsan là ông Phạm Văn Tam. Thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ của Winsan lên tới 300 tỷ đồng, gồm ba cổ đông góp vốn, trong đó ông Phạm Văn Tam là người đóng góp chính với số tiền góp 285 tỷ đồng, chiếm tới 95% vốn sở hữu. Hai cổ đông còn lại là bà Nguyễn Thị Hiền góp 13,5 tỷ đồng, sở hữu 4,5% cổ phần và ông Phùng Đông Hưng góp 1,5 tỷ đồng, chiếm 0,5% vốn điều lệ.

Trao đổi với người viết khi đó, ông Phạm Văn Tam cho biết mô hình tập đoàn đầu tư đã được nung nấu trong khoảng 3 năm, khi chứng kiến hiệu quả kinh doanh của công ty tăng cao nhờ trao quyền điều hành sản xuất cho các giám đốc trẻ.

Ông Tam cho biết, nguồn lực ban đầu của Winsan dự kiến sẽ khoảng 1.000 tỷ đồng và có thể tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Khoảng 70% số vốn sẽ tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp trong mảng công nghệ - điện tử. Ngoài ra, Winsan cũng sẽ mở rộng danh mục đầu tư thêm nhiều lĩnh vực khác như nha khoa, thực phẩm tiêu dùng, thức uống giải khát,…

Ngoài ra, khi đó, ông Tam còn cho biết hiện tại ông vẫn là chủ của Asanzo, tuy nhiên quyền điều hành công ty này đã được giao lại cho một người khác. "Từ lâu tôi đã rút khỏi việc điều hành Asanzo và chỉ đóng vai trò như một nhà đầu tư", ông Tam nhấn mạnh.

Đức Huy