[Bài 5] Tái cân bằng nền kinh tế: Đừng bỏ quên nông nghiệp, du lịch
Xuất khẩu đang ngày càng phụ thuộc lớn vào FDI. Tính toán từ số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, những năm gần đây, tỷ trọng đóng góp của khối FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngày càng lớn. Nếu như năm 2012, xuất khẩu khu vực FDI chiếm 63% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến 2022, tỷ trọng này tăng lên 74,4%.
Trong một báo cáo của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), các chuyên gia phân tích bản chất của việc doanh nghiệp FDI xuất siêu nhiều sẽ không mang lại nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Điều này xuất phát từ việc các doanh nghiệp FDI xuất khẩu nhiều thì cũng nhập nguyên liệu đầu vào từ các nước xuất xứ, không phải ở Việt Nam, kéo theo giá trị gia tăng trong nước không cao. Các chuyên gia của UNIDO cũng khuyến nghị Việt Nam cần đánh giá lại mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI.
Việt Nam trước nay vẫn luôn giữ vai trò là quốc gia có lợi thế rất lớn về các sản phẩm nông nghiệp. Trong giai đoạn COVID-19, khi xuất khẩu tắc nghẽn thì Việt Nam vẫn cư trú được vào khu vực nông nghiệp.
Đến nửa cuối năm 2022, vai trò trụ đỡ nền kinh tế của nông nghiệp càng thấy rõ; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn ngành đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.
Mặc dù vậy, nền nông nghiệp trong nước vẫn được đánh giá là chưa phát triển đúng với tiềm năng do sự chưa được chú trọng đầu tư đúng mức. Trong 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2013-2017, vốn đầu tư toàn xã hội cho ngành chỉ chiếm 5,69% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tức chỉ bằng 1/2 so với tỷ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế.
Trong khi đó, ở hầu hết các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, họ xem chính sách hỗ trợ nông nghiệp là điều cần thiết. Chẳng hạn tại Hà Lan - nền nông nghiệp hiện đại bậc nhất trên thế giới phân bổ đến 10% ngân sách chỉ riêng đối với nghiên cứu nông nghiệp, một con số cực kỳ lớn so với nhiều nước khác.
Hay tại Nhật Bản, chiến lược cải cách nông nghiệp của nước này đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Ngoài các chính sách liên quan đến đất đai, Nhật Bản luôn có chính sách hỗ trợ kịp thời để khuyến khích phát triển nông nghiệp như phát triển hạ tầng, cung cấp các trang thiết bị, vật tư cho nông nghiệp, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, tín dụng,...
Tại Việt Nam, việc thu hút nguồn lực xã hội cho nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Tổng số doanh nghiệp hoạt động trực tiếp trong ngành nông nghiệp vẫn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chiếm khoảng 1,8% tổng số doanh nghiệp cả nước.
Thông tin về các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến từng cho biết nhiều chính sách thu hút cũng như tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp đã được ban hành; trong đó có Nghị định số 57/2018. Tuy nhiên, việc triển khai Nghị định 57 này vẫn gặp nhiều bất cập, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi về đất đai vẫn chưa đạt được kỳ vọng.
Trong số 14.400 doanh nghiệp có 7.500 doanh nghiệp chế biến nhưng các thủ tục về đất đai, các ưu tiên, ưu đãi vẫn chưa có nguồn lực triển khai.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chính phủ cũng cần khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, tạo tiền đề hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, tạo ra các thương hiệu lớn vươn ra cạnh tranh với thế giới.
Một trong những doanh nghiệp tiêu biểu đã thành công trong mô hình liên kết với nông dân triển khai cơ giới hóa đồng bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất là Lộc Trời đã đưa sản phẩm gạo Việt có mặt ở nhiều siêu thị quốc tế. Năm 2022, Lộc Trời ghi nhận mức doanh thu kỷ lục với 11.690 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước, trong đó xuất khẩu gạo thu về 6.430 tỷ đồng.
Tại Diễn đàn M&A Việt Nam tổ chức cuối năm 2022, ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Lộc Trời cho biết trước đây lĩnh vực nông nghiệp không hiệu quả do sản xuất manh mún. Sau khi tái cấu trúc, công ty áp dụng nhiều mô hình như mô hình liên kết xuống giống rải vụ Lộc Trời 123, mô hình quản lý sản xuất trên diện tích tối thiểu 1.000 ha (LT1000), và đặc biệt là mô hình sản xuất “mặt ruộng không dấu chân” với việc cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng các loại máy nông nghiệp và drone để thực hiện nhiều công đoạn sản xuất.
Chuyên gia nhấn mạnh việc thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp giàu tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cần nhanh chóng khơi thông nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách liên quan đến nguồn vốn, đất đai để thu hút nhiều doanh nghiệp vào lĩnh vực này.
Đồng thời, Nhà nước cần chú trọng rà soát, đánh giá quá trình thực thi chiến lược phát triển nông nghiệp quốc gia đảm bảo chiến lược đúng hướng, từ đó hỗ trợ chiến lược phát triển của từng ngành. Bởi nếu cứ làm theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm, không ngành nào, địa phương nào tính toán đến yếu tố chuỗi giá trị thì sẽ khó mà bền vững lâu dài.
Ở góc nhìn tích cực hơn, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng Chính phủ đang dồn lực phát triển hạ tầng cho những vùng kinh tế trọng điểm như Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngành nông nghiệp rõ ràng sẽ được hưởng lợi.
- TIN LIÊN QUAN
-
Bài 4: Giải bài toán phát triển hạ tầng bằng mô hình quỹ đầu tư 30/03/2023 - 09:30
Giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho hạ tầng giao thông ĐBSCL lên đến 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 14% so với cả nước, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước.
Mặc dù Việt Nam công bố mở cửa hoàn toàn sau đại dịch COVID-19 khá sớm và tạo được cơ hội, lợi thế nhất định trong phục hồi du lịch quốc tế so với nhiều quốc gia trong khu vực nhưng năm 2022. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, sự phục hồi du lịch quốc tế không như kỳ vọng và điều này dẫn đến nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế nói chung, không chỉ riêng với ngành du lịch mà còn ảnh hưởng tới ngành hàng không, thị trường ăn uống, lưu trú, bất động sản.
So sánh với các nước trong khu vực, ngành du lịch của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, không chỉ kém về số lượt khách quốc tế đến mà còn kém cả về mức chi tiêu bình quân tính trên đầu du khách. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) tại thời điểm trước dịch COVID-19, chi tiêu bình quân của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam là 930 USD/người. Con số này rất thấp nếu so với chi tiêu tương ứng tại Indonesia (1.225 USD); Philippines (1.252 USD) và nhất là Thái Lan (1.695 USD).
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường, năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế thì Thái Lan đã đón 25 triệu lượt khách. Năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đón 35 triệu lượt khách quốc tế thì đến năm 2027, Thái Lan đã đặt mục tiêu đón 80 triệu khách quốc tế. Như vậy, nếu như chúng ta không có các giải pháp đột phá cho du lịch ngay bây giờ thì sẽ chậm hơn họ rất nhiều.
Báo cáo về tình hình du lịch mới đây của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chỉ ra khá nhiều nguyên nhân hạn chế, tồn tại của ngành du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế. Trong đó, nổi cộm nhất là chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn.
Tại tọa đàm hiến kế hút khách du lịch mới đây, Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam nêu thực trạng tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại Việt Nam chỉ 8-10%, một con số rất nhỏ so với tiềm năng du lịch của Việt Nam. Do đó, cần có giải pháp để thu hút họ quay trở lại, thay đổi ý nghĩ Việt Nam chỉ là điểm đến một lần trong đời.
Theo ông, khách du lịch nước ngoài đang chi tiêu gấp 11 lần khách trong nước. Khách ở lại càng lâu chi tiêu càng nhiều. Khách du lịch ở Việt Nam một tuần thì tiêu gấp đôi những người lưu trú dưới 7 ngày nên kéo dài thời gian lưu trú đem lại hiệu quả cao, cải cách thủ tục hành chính, càng nhiều quốc gia được áp dụng visa điện tử càng tốt.
"Việt Nam cần cải thiện thời gian xử lý visa, mở lại thủ tục nhận visa ở cửa khẩu, tiến tới việc cấp trực tiếp visa ở cửa khẩu cho khách du lịch có đủ điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam, kéo dài thời gian lưu trú lên 30 ngày cho khách đã miễn visa được ra vào Việt Nam nhiều lần, cấp visa điện tử cho khách du lịch từ tất cả các quốc gia có đủ điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam", ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị.
Ngoài vấn đề visa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế còn chậm, thiếu chủ động. sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên văn hoá. Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm, chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến thu hút khách.
Nhờ việc Chính phủ quan tâm, phát triển từ rất sớm, hiện ngành du lịch của Indonesia đang được hưởng lợi từ thương hiệu của Bali. Từ năm 2015, quốc gia này nhận thức được cần có thêm nhiều điểm như Bali. Vì vậy, Indonesia đã tập trung vào xây dựng chỉ 5 điểm đến hấp dẫn nhất, tập trung vào đó, xây dựng những cơ chế ưu đãi riêng.
Từ năm 2022, Indonesia tiếp tục đưa ra chính sách visa thường trú cho khách quốc tế. Theo chính sách này, khách du lịch có thể đến một số điểm du lịch Indonesia và ở lại từ 5-10 năm. Trong số 196 nước, chương trình này chỉ áp dụng cho 87 nước, tập trung vào các thị trường chi tiêu cao. Chính sách này giúp Bali thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai của nhiều du khách quốc tế.
Việt Nam đang đi đúng hướng để cải thiện ngành du lịch. Vịnh Hạ Long của Việt Nam giống như khu vực đảo rất nổi tiếng của Indonesia, nhưng để đến được đó tốn rất nhiều chi phí đi lại còn đến Hạ Long rất dễ dàng.
Vì vậy, Việt Nam nên tập trung vào một số điểm đến nổi bật, xây dựng cơ chế để khách quốc tế quay lại nhiều lần.
Bà Ance Maylany, Tham tán công sứ phụ trách kinh tế, Đại sứ quán Indonesia
Chính phủ cần khuyến khích các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới triển khai tất cả các hoạt động du lịch ở Việt Nam để thu hút nhiều hơn khách quốc tế vào Việt Nam. Hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch tham gia các sự kiện xúc tiến du lịch trong nước và ở nước ngoài.
Các doanh nghiệp du lịch cần được hỗ trợ trong công tác chuyển đổi số trên cơ sở đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của ngành du lịch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu này.
Chính phủ cần tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng tại các trung tâm du lịch để hình thành các trung tâm thu hút khách quốc tế của Việt Nam và khu vực.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt NamMột số mô hình sản phẩm giàu tiềm năng mà Việt Nam nên quan tâm đầu tư nhằm kích thích khả năng chi tiêu của du khách quốc tế hạng sang bao gồm du lịch sức khỏe chữa trị y tế, phát triển mô hình trung tâm mua sắm miễn thuế (Outlet) để phát triển du lịch mua sắm tại Việt Nam.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương
Cần sớm triển khai cụ thể giải pháp, kế hoạch quảng bá tiếp thị quốc tế quy mô lớn, cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó tiêu biểu là Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030. Ngành du lịch cần sớm có kế hoạch quảng bá tiếp thị cụ thể hàng năm cho từng thị trường, phù hợp thế mạnh du lịch Việt Nam.
Tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các tổ chức truyền thông quốc tế, các nhân vật nổi tiếng quốc tế trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội tham gia các chương trình famtrip, presstrip theo thị trường, theo đối tượng du khách, trực quan sinh động tại Việt Nam, đặc biệt trải nghiệm các tuyến điểm du lịch mà Việt Nam muốn tạo điểm nhấn khác biệt trong năm 2023.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist