|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Apple và Samsung xây dựng đế chế sản xuất như thế nào tại Việt Nam?

07:16 | 17/10/2024
Chia sẻ
Hai ông lớn Apple và Samsung đang có sự khác biệt lớn trong chiến lược đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam từ lâu đã là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong mắt các tập đoàn công nghệ lớn. Trong số đó, Samsung và Apple nổi lên như hai đại diện tiêu biểu của hai chiến lược đầu tư khác nhau: một bên là đầu tư trực tiếp và mạnh mẽ vào sản xuất, bên còn lại là tập trung vào phát triển chuỗi cung ứng thông qua các đối tác sản xuất.

Samsung và dấu ấn "kẻ tiên phong"

Từ năm 1995, Samsung bắt đầu hành trình đầu tư tại Việt Nam và dần trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất. Tập đoàn Hàn Quốc này hiện có 6 nhà máy đặt tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 22 tỷ USD. Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất của Samsung trên toàn cầu.

Vào ngày 22/9, Samsung Display và Bắc Ninh đã ký kết bản ghi nhớ phát triển dự án màn hình, linh kiện điện tử trị giá 1,8 tỷ USD. Dự án này sẽ được triển khai tại Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh, đánh dấu sự gia tăng đáng kể về đầu tư của Samsung vào tỉnh này.

Dự án mới không chỉ giúp tăng cường sản xuất linh kiện cho các thiết bị của Samsung mà còn mở rộng quy mô sản xuất màn hình cho thị trường toàn cầu.

 Nhà máy Samsungtại KCN Yên Phong I thuộc tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: báo Bắc Ninh).

Chỉ trong nửa đầu năm 2024, nhà máy của Samsung Display tại Bắc Ninh đã đạt doanh thu 6,8 tỷ USD và lợi nhuận hơn 283 triệu USD, trong khi Samsung Electronics tại đây ghi nhận doanh thu hơn 8,2 tỷ USD, với lãi trên 692 triệu USD.

Tính đến hết năm 2023, Samsung đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 110.000 lao động tại Việt Nam, biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất chiến lược cho hãng. Tập đoàn này cũng đóng góp hơn 20% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam hàng năm, đặc biệt là các sản phẩm điện tử tiêu dùng và smartphone.

Ngoài ra, Samsung cũng có chiến lược phát triển nhân sự và công nghệ tại Việt Nam. Với vai trò là một nhà sản xuất lớn, tập đoàn Hàn Quốc đã triển khai hàng loạt chương trình đào tạo kỹ thuật, đặc biệt là đối với các kỹ sư và công nhân làm việc tại nhà máy.

Tập đoàn này cũng đã xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội, nơi các kỹ sư có cơ hội nghiên cứu và phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng. Những chính sách đãi ngộ tốt, môi trường làm việc hiện đại và cơ hội phát triển sự nghiệp đã giúp Samsung thu hút được lượng lớn nhân tài công nghệ tại Việt Nam.

Apple - sự hiện diện "thầm lặng" 

Trong khi Samsung lựa chọn chiến lược đầu tư trực tiếp với việc xây dựng các nhà máy sản xuất lớn tại Việt Nam, Apple lại theo đuổi một con đường khác. Thay vì đầu tư trực tiếp, Apple tập trung phát triển chuỗi cung ứng thông qua các đối tác như Foxconn, Luxshare Precision, GoerTek, và các nhà cung cấp khác.

Những công ty này đã liên tục mở rộng các nhà máy lắp ráp và sản xuất linh kiện cho iPhone, iPad và các sản phẩm khác của Apple tại Việt Nam. Các nhà máy này được đặt tại các khu công nghiệp lớn như Bắc Giang, Hải Phòng và Nghệ An, đồng thời thu hút hàng chục ngàn lao động địa phương. 

Dù không có một nhà máy chính thức nào, nhưng số lượng nhà cung cấp của Apple tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể, với 35 nhà máy vào năm 2023, khiến Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều nhà máy cung ứng cho Apple nhất tại Đông Nam Á.

 CEO Tim Cook của Apple trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 4. (Ảnh: TTXVN).

Apple cũng đã có những bước tiến quan trọng trong việc mở rộng dịch vụ tại Việt Nam. Năm ngoái, Apple lần đầu tiên khai trương Apple Store Online tại Việt Nam và tiếp tục triển khai dịch vụ Apple Pay vào tháng 8/2024. Các dịch vụ này không chỉ giúp Apple tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng Việt mà còn cho thấy mức độ quan tâm của hãng đối với thị trường có hơn 100 triệu dân này.

Một điểm đáng chú ý là Apple cũng đang tích cực mở rộng đội ngũ nhân sự tại Việt Nam, với các tin tuyển dụng liên quan đến kỹ sư AI và ngôn ngữ Siri. Điều này cho thấy Apple đang dần nhìn nhận Việt Nam như một trung tâm phát triển công nghệ hơn là chỉ một thị trường tiêu thụ.

Cán cân đầu tư

Samsung, với tổng vốn đầu tư hơn 22 tỷ USD và 6 nhà máy trải khắp cả nước, đã biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất quan trọng. Sản lượng điện thoại di động do Samsung sản xuất tại Việt Nam chiếm hơn 50% sản lượng toàn cầu của hãng.

Trong khi đó, Apple, mặc dù có một mạng lưới đối tác cung ứng rộng lớn tại Việt Nam, nhưng bản thân hãng chưa trực tiếp đầu tư xây dựng nhà máy nào. Thay vào đó, Apple dựa vào các đối tác sản xuất như Foxconn, Luxshare Precision để đáp ứng nhu cầu sản xuất thiết bị như AirPods, iPad, và MacBook. Đây là một chiến lược thông minh trong bối cảnh Apple muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Chẳng hạn, nhà cung cấp lớn của Apple như Foxconn đã và đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Đầu tháng 6/2024, Bắc Ninh đã phê duyệt và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án FCPV Foxconn Bắc Ninh với vốn đầu tư hơn 383 triệu USD. Dự án này nhằm sản xuất bảng mạch in PCB và linh kiện điện tử cho các thiết bị công nghệ, một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple.

Foxconn cũng đang triển khai nhiều dự án lớn khác tại Việt Nam, bao gồm việc đầu tư 250 triệu USD vào hai nhà máy sản xuất linh kiện xe điện tại Quảng Ninh, và kế hoạch đầu tư 20 triệu USD để thành lập công ty bán dẫn tại Việt Nam. Tính đến tháng 2/2024, Foxconn đã đầu tư 3,2 tỷ USD vào Việt Nam, đóng góp quan trọng cho chuỗi cung ứng của Apple.

Thành Vũ

MBS dự phóng lợi nhuận 4 ngành có thể tăng bằng lần trong quý IV
Lợi nhuận một số ngành dự báo giảm trong quý cuối năm như bất động sản khu công nghiệp do còn đợi hoàn thiện khung chính sách hay dầu khí do giá dầu suy giảm so với cùng kỳ.