|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

5 doanh nghiệp bất động sản niêm yết gia nhập câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD

07:09 | 22/02/2022
Chia sẻ
Đà tăng của cổ phiếu bất động sản đã kéo theo vốn hóa nhiều doanh nghiệp niêm yết tăng mạnh trong năm 2021. Trong đó, câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD có thêm 5 doanh mới, bên cạnh VHM, VRE, NVL, BCM.

Theo thống kê của người viết, có đến 57/59 cổ phiếu bất động sản (BĐS) niêm yết tăng giá trong năm 2021. Tính đến ngày 31/12/2021, vốn hóa của nhóm này đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 73,6% so với cuối năm trước đó.

Trong nửa đầu năm, nhóm cổ phiếu BĐS không dậy sóng như nhóm ngân hàng, thép, chứng khoán nhưng hàng loạt cổ phiếu vẫn âm thầm tăng giá, thậm chí thiết lập vùng đỉnh lịch sử như NVL, PDR, CRE, DPG, AGG,...

Đặc biệt kể từ đầu quý IV, nhóm cổ phiếu BĐS đã chứng kiến đợt tăng giá ấn tượng khi chỉ số ngành BĐS tăng 23,6%, cao hơn mức 12,1% của VN-Index, theo số liệu được công bố bởi VNDirect.

Vốn hóa của nhiều doanh nghiệp theo đó cũng tăng mạnh và đạt kỷ lục mới trong năm. Thống kê của người viết từ 59 doanh nghiệp BĐS niêm yết tại thời điểm cuối năm 2021 cho thấy, có 9 doanh nghiệp đạt vốn hóa trên 1 tỷ USD. 

So với năm 2020, câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD có thêm 5 doanh nghiệp mới, bao gồm Phát Đạt (Mã: PDR, giá cổ phiếu tăng 126,93%), Khang Điền (Mã: KDH, giá cổ phiếu tăng 91,54%), Kinh Bắc (Mã: KBC, giá cổ phiếu tăng 149,18%), Nam Long (Mã: NLG, giá cổ phiếu tăng 145,85%), DIC Corp (Mã: DIG, giá cổ phiếu tăng 348,39%).

Biến động giá cổ phiếu của 9 doanh nghiệp BĐS niêm yết có vốn hóa trên 1 tỷ USD. (Nguồn: TradingView). Click vào ảnh để xem tiếp mặt sau.

5 doanh nghiệp bất động sản niêm yết gia nhập câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, hai sàn HOSE và HNX có thêm 10 doanh nghiệp đạt vốn hoá trên 10.000 tỷ đồng, trong khi tại thời điểm cuối năm 2020 chỉ có 7 doanh nghiệp (VHM, VRE, NVL, BCM, PDR, KDH và KBC). 

Vốn hóa của hai tân binh gồm KSF của CTCP Tập đoàn KSFinance và DXS của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Service) cũng tăng mạnh so với thời điểm mới lên sàn vào tháng 7/2021 với tỷ lệ tăng lần lượt 64,1% và 28,6%.

5 doanh nghiệp bất động sản niêm yết gia nhập câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD - Ảnh 3.

Lý giải về đà tăng của nhóm BĐS trong năm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng dòng tiền luôn có xu hướng chảy vào chỗ trũng.

Khi nhà đầu tư nhận thấy tốc độ tăng trưởng của một số nhóm ngành chậm lại thì sẽ dịch chuyển sang những nhóm ngành mới có dư địa phát triển cao hơn. Mặt khác, điểm rơi lợi nhuận của các doanh nghiệp BĐS thường ở quý III và quý IV nên nhóm cổ phiếu này được quan tâm trở lại.

Tuy nhiên, nhóm ngành này cũng nhanh chóng có những nhịp điều chỉnh sau đà tăng mạnh về gần cuối năm. Với dòng tiền đổ vào mạnh như vậy, chuyên viên của VNDirect cho rằng "giá cổ phiếu BĐS đã bị đẩy lên quá nhanh, đặc biệt là các công ty có quỹ đất lớn ở các tỉnh lân cận Hà Nội và TP HCM như NLG, HDC, DIG".

Tại hội thảo trực tuyến do VNDirect tổ chức vào ngày 5/1 vừa qua, ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư Công ty quản lý quỹ IPA, cũng lưu ý "việc đầu tư cổ phiếu BĐS luôn không dễ dàng đối với những nhà đầu tư không chuyên. Nếu nắm giữ hàng năm, song mất kiên nhẫn để bỏ qua một vài tháng bứt phá giai đoạn cuối thì lợi nhuận thu về gần như chỉ là con số 0. Quá trình đào thải diễn ra lâu và thử thách lòng kiên nhẫn của nhà đầu tư một khi đã nắm giữ cổ phiếu BĐS".

Về triển vọng cổ phiếu BĐS trong năm 2022, VNDirect dự báo trong ngắn hạn sẽ tiếp tục có những nhịp điều chỉnh để nhóm này cân bằng trở lại, trước khi bước vào xu hướng tăng ổn định trong dài hạn. Trước đó, hầu hết các cổ phiếu BĐS đều ở trạng thái tích lũy và đi ngang.

Cùng với môi trường lãi suất thấp, cơ sở hạ tầng tăng tốc và sự phục hồi trên diện rộng của nền kinh tế, VNDirect cho rằng xu hướng tăng của nhóm cổ phiếu BĐS có thể sẽ tiếp tục trong năm 2022, đặc biệt là cổ phiếu của các doanh nghiệp có chất lượng tài sản tốt và có các dự án lớn sẽ được bàn giao ngay trong năm.

Riêng BĐS KCN, nhiều công ty chứng khoán cùng đưa ra nhận định 2022 là năm của nhóm cổ phiếu này. Trong năm 2021, nhìn chung đà tăng của cổ phiếu BĐS KCN vẫn còn yếu so với nhóm BĐS dân dụng. Một số mã tăng mạnh trong năm như KBC (tăng 149,2%), ITA (tăng 137%), SZC (tăng 117%), LHG (tăng 60,6%),...

5 doanh nghiệp bất động sản niêm yết gia nhập câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD - Ảnh 4.

 

Nguyên Ngọc

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.