40% doanh nghiệp kinh doanh ăn uống giảm doanh thu nửa đầu năm
Báo cáo của iPOS cho thấy hơn 40% doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực giảm doanh thu trong nửa đầu năm nay. Chiếm trên 63% trong số này là các nhà hàng kinh doanh lớn. Trong khi đó, gần 30% doanh nghiệp có doanh thu đứng yên so với cùng kỳ.
Chuyên gia phân tích nhận định: “Hầu hết các doanh nghiệp hiện tại đang gồng mình trước sức ép của nền kinh tế để vượt qua giai đoạn khó khăn và hướng tới mùa lễ hội cuối năm”.
Kinh doanh ăn uống giảm tốc
Báo cáo của Vietnam Report cũng cho thấy kết quả tương tự. Do nguy cơ suy thoái kinh tế ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng, số doanh nghiệp F&B có doanh thu tăng cũng giảm 3,9% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm lớn hơn đáng kể so với doanh nghiệp có doanh thu giảm. Điều này cho thấy không ít doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại không đạt kỳ vọng.
Nguyễn Hà Linh, CEO Bếp Thái Koh Yam thừa nhận: “Năm ngoái là thời điểm bùng nổ sức ăn, sức mua khi bị kìm kẹp bởi một thời gian dài dãn cách. Sau đó mọi việc sẽ trở về dần quỹ đạo, suy thoái kinh tế mới bộc lộ, sức chi tiêu mua sắm của người dân cũng ảnh hưởng rõ rệt nhất là trong khoảng từ quý IV/2022. Thị trường chứng kiến rất nhiều mô hình, đặc biệt là mô hình nhà hàng sang trọng, ghi nhận sụt giảm doanh thu từ 40 -50%, thậm chí là nhiều hơn nữa”.
“Việc các ông lớn trong ngành đóng cửa cũng rơi rất nhiều vào các điểm ở ngoại thành, các tỉnh, hay các mô hình không còn thực sự phù hợp. Ngoài ra, một số chuỗi có nhiều mô hình kinh doanh giống nhau, chỉ khác nhau về tên thương hiệu, thì tự sẽ có sự đào thải”, CEO Thái Koh Yam nói thêm.
Trên hầu hết các kênh phân phối của doanh nghiệp đều chứng kiến doanh thu giảm. Trong đó, sự giảm tốc thể hiện rõ ở các kênh truyền thống (general trade) và kênh phân phối mua về nhà (off-premise).
Ngược lại, kênh bán thương mại điện tử (e-commerce) vẫn thể hiện sự tăng trưởng tương đối ổn định so với mặt bằng chung, là kênh duy nhất không ghi nhận tỷ lệ sụt giảm doanh thu khi có tới 90% doanh nghiệp có doanh thu từ kênh này tăng so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế, phía Be Group - nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ, chia sẻ: “Hiện tại theo nhu cầu của thị trường, số lượng đơn hàng beFood trên nền tảng Be đã tăng 2x lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, số lượng nhà hàng hợp tác với Be cũng tăng 400% so với cùng kỳ”.
Tương tự, đại diện Gojek cho hay, trong 6 tháng đầu năm, các đơn hàng số lượng nhiều, các món combo và giá trị trung bình của đơn hàng trên GoFood có xu hướng tăng khi người dùng gộp nhiều món ăn để tận dụng các chương trình ưu đãi và giảm phí giao hàng.
Theo Gojek, các nhà bán hàng vừa và nhỏ ghi nhận lượng đơn hàng có xu hướng tăng trong khi các chuỗi nhà hàng lớn và các thương hiệu quen thuộc duy trì doanh thu ổn định.
Đỗ Minh Dương - chủ một quán đồ ăn Trung Hoa, cho biết mỗi ngày quán bán ra thị trường 120 – 150 suất ăn, trong đó, chiếm 50% là khách mua trực tuyến và con số này được duy trì đều đặn nhờ lượng khách mới gia tăng theo thời gian.
Hay Nguyễn Công Anh, chủ nhà hàng Kaoya Hotpot (Hàng Buồm, Hà Nội) cho rằng, việc bán hàng qua các nền tảng là cách marketing hiệu quả. Minh chứng là việc, nhiều khách cho biết họ từng thưởng thức đồ ăn của quán trên app và thấy ngon nên đã tìm đến tận nơi. Hiện mỗi ngày chuỗi Kaoya Hotpot bán qua app từ 150 đến 160 đơn.
Khó khăn của doanh nghiệp
Thực tế, 84,6% doanh nghiệp ngành F&B tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng suy thoái kinh tế toàn cầu là khó khăn lớn nhất phải đối mặt trong năm nay. Tỷ lệ này đã gia tăng mạnh từ 60% vào năm năm 2021 lên 84,6% vào năm 2023.
Khó khăn thứ hai liên quan tới sức mua của người tiêu dùng với 76,9% doanh nghiệp lựa chọn. Sức mua yếu là hệ quả của suy thoái kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do thu nhập giảm hoặc lo ngại nền kinh tế có thể tệ hơn nữa trong tương lai. Khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, dù là ngành hàng thiết yếu nhưng doanh thu F&B khó có thể bứt phá.
Ngoài ra, người tiêu dùng càng cân nhắc kỹ hơn trong lựa chọn, áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành càng tăng cao. Có 53,8% doanh nghiệp nhận thấy đây là một trong những khó khăn lớn nhất đang hiện hữu trong ngành.
Theo ông Vũ Thanh Hùng - Tổng Giám đốc CTCP iPOS.vn nhận định: “Giai đoạn cuối năm dự kiến là đáy của thị trường F&B, đặc biệt năm nay thị trường sẽ đón một kỳ nghỉ lễ cuối năm với sự tiết kiệm tối đa từ phía người tiêu dùng”.
Do đó, các doanh nghiệp cần có những chiến lược phù hợp để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Lạc quan hơn báo cáo của iPOS.vn, các nhà phân tích tại Vietnam Report chỉ ra ngành kinh doanh ăn uống chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiện trong thời gian tới.
Trong đó, tín hiệu lạc quan về sự cải thiện của ngành F&B đến từ tình hình tài chính của người tiêu dùng. Khảo sát cho thấy có tới 57% người tiêu dùng cho rằng thu nhập gia đình họ sẽ cải thiện một chút và hơn 30%% cho biết sẽ cải thiện rất nhiều trong 12 tháng tới.
Các doanh nghiệp cũng đồng ý với quan điểm khi cho rằng thị trường F&B sẽ lạc quan hơn so với những tháng đầu năm. CEO Bếp Thái Koh Yam chia sẻ rằng để chuẩn bị cho mở rộng thị trường, nhà hàng này đã đánh giá menu, đảm bảo giá cả đều thấp hơn 20% - 30% so với thị trường, trong khi vẫn tiếp tục tăng đầu tư về không gian mặt bằng, hướng đến câu chuyện kinh doanh bền vững.
“Vượt qua khoảng thời gian kinh tế khó khăn nhất từ đầu năm tới nay, sự phục hồi trong thu nhập của người dân cùng với giải pháp kích cầu qua việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng sẽ có những đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của ngành F&B trong thời gian tới khi bước vào mùa chi tiêu cuối năm”, chuyên viên phân tích từ Vietnam Report nhận định.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/