Vingroup đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục 190.000 tỷ đồng, sẽ giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022
Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn Vingroup - CTCP (Mã: VIC), dự kiến tổ chức ngày 17/5, năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu thuần 190.000 tỷ đồng, tăng 87% so với năm ngoái. Nếu đạt được, đây sẽ là mốc doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của tập đoàn.
Kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm nay là 2.000 tỷ đồng, giảm nhẹ 44 tỷ so với năm 2022.
Về phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế luỹ kế tới hết năm 2022, Vingroup đề xuất trích 5 tỷ vào quỹ dự trữ theo quy định tại Điều lệ tập đoàn và toàn bộ lợi nhuận luỹ kế sẽ được giữ lại để dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Định hướng các mảng kinh doanh của Vingroup năm 2023
Vingroup cho biết, năm nay, VinFast định hướng phát triển mạng lưới bán hàng tại tất cả các thị trường mục tiêu trong và ngoài nước, đẩy nhanh tốc độ bán hàng và bàn giao sản phẩm tại thị trường trọng điểm (Mỹ). VinFast sẽ triển khai chiến lược marketing trực tiếp, đẩy mạnh hoạt động lái thử các mẫu xe, đồng thời quảng bá các mẫu xe mới sẽ bán trong 2023 thông qua triển lãm, hoạt động trưng bày xe tại tất cả thị trường.
Trong sản xuất, công ty sẽ đẩy mạnh sản xuất hàng loạt các mẫu xe đã mở bán trong năm 2022 để bàn giao đúng hạn cho khách hàng (VF 5, VF 8 và VF 9), chuẩn bị triển khai sản xuất các mẫu xe mới sắp giới thiệu (VF 6 và VF 7), đồng thời đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án nhà máy sản xuất tại bang Bắc Carolina, Hoa Kỳ. Trong hoạt động R&D, VinFast tiếp tục nghiên cứu và sản xuất các phương tiện thân thiện với môi trường khác (xe buýt điện, xe máy điện và xe đạp điện).
VinES, đơn vị tiếp tục sứ mệnh cung cấp giải pháp năng lượng hoàn chỉnh, hỗ trợ vững chắc cho VinFast trong chiến lược tự chủ nguyên liệu sản xuất đầu vào, tập trung vào việc hoàn thiện năng lực sản xuất, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới cũng như hợp tác chiến lược toàn cầu.
Trong lĩnh vực bất động sản nhà ở, trước dự báo hoạt động kinh doanh có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng từ kinh tế vĩ mô và môi trường chính sách, Vinhomes sẽ tận dụng tối đa lợi thế về quỹ đất để phát triển những dự án đô thị xanh, thông minh, đầy đủ tiện ích. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục đưa ra các chính sách bán hàng, ưu đãi phù hợp để khuyến khích người dân về ở sớm, hình thành các cộng đồng cư dân đông đúc và tạo tiền đề tốt cho việc bán hàng.
Trong việc hợp tác phát triển, Vinhomes sẽ chọn lọc để ký kết với các đối tác có tiềm lực tài chính mạnh, cùng phát triển sản phẩm, phân khu nhằm đẩy nhanh tốc độ hình thành đô thị và thu hút khách hàng.
Ngoài ra, Happy Home sẽ là một trong những trọng tâm phát triển của Vinhomes trong thời gian tới, tích hợp mô hình đầy đủ tiện ích (đặc trưng của Vinhomes) như trường học, trung tâm thương mại, khu vui chơi trẻ em, công viên và khu thể thao.
Trong lĩnh vực bất động sản bán lẻ, Vincom Retail dự kiến khai trương hai trung tâm thương mại mới, nâng tổng số lên 85 trung tâm thương mại tại 45/63 tỉnh thành trên cả nước.
Về sản phẩm và trải nghiệm khách hàng, Vincom Retail định hướng sẽ tiếp tục phát triển mô hình Life-Design Mall trở thành điểm đến cho thế hệ trẻ.
Còn ở mảng bất động sản khu công nghiệp, Vinhomes IZ sẽ tiếp tục bám sát các dòng tiền đầu tư FDI, tập trung nghiên cứu và áp dụng các mô hình bất động sản công nghiệp thông minh, khu công nghiệp sinh thái, chuyên ngành quy mô lớn.
Song song với đó, Vinhomes IZ sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhanh chóng hoàn thiện pháp lý, xây dựng hạ tầng để sẵn sàng ký kết với đối tác ngay khi các dự án tiếp theo đi vào hoạt động.
Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí, Vinpearl đặt mục tiêu duy trì đà phục hồi mạnh từ kỳ vọng ngành du lịch khởi sắc trở lại trong năm 2023, với tỷ trọng đóng góp lớn đến từ mảng khách sạn, ẩm thực và vui chơi giải trí bên cạnh dịch vụ sân golf.
Vinpearl dự kiến đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ (triển khai Vinpearl Signature), đẩy mạnh bán sản phẩm đặc trưng cho Pearl Club, phát triển điểm đến mang dấu ấn bản sắc cho từng cơ sở VinWonders và xây dựng sân chơi cho các giải đấu golf nổi tiếng thế giới. Trong đó, gói dịch vụ Vinpearl Signature sẽ được thiết kế để phù hợp với 4 nhóm đối tượng khách hàng chiến lược Vinpearl nhắm đến: Nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe - Nghỉ dưỡng gia đình - Nghỉ dưỡng kết hợp chơi golf - Hội họp.
Muốn huy động tối đa 5.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi
Về kế hoạch huy động vốn, Vingroup dự kiến trình cổ đông phương án phát hành tối đa 5.000 tỷ đồng trái phiếu có thể thành một hoặc nhiều đợt chào bán. Đây là trái phiếu chuyển đổi (tức có thể chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu).
Lãi suất coupon tối đa 15%/năm. Vingroup sẽ chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng, căn cứ vào tình hình thực tế quyết định phương thức chào bán và khối lượng chào bán tương ứng. Trái phiếu có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và tối đa không quá 60 tháng.
Thời hạn phát hành dự kiến trong vòng một năm kể từ ngày có Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Số lượng cổ phần phát hành theo mỗi trái phiếu được xác định bằng mệnh giá trái phiếu chia cho giá mua cổ phần.
Giá cổ phần khi thực hiện chuyển đổi trái phiếu được tính như sau:
Sắp bầu bổ sung một thành viên từ SK vào HĐQT
Ngoài ra, tại đại hội sắp tới, Vingroup sẽ trình đại hội thông qua việc miễn nhiệm ông Yoo Ji Han khỏi vị trí thành viên HĐQT và dự kiến bầu bà Chun Chae Rhan thay thế. Ông Yoo Ji Han được bầu làm thành viên HĐQT Vingroup từ ngày 11/5/2022.
Còn bà Chun Chae Rhan sinh năm 1979, hiện bà đang làm Giám đốc Điều hành Việt Nam của SK Supex Council. Ngoài ra, bà Chun Chae Rhan còn vừa được bầu vào HĐQT của Tập đoàn Masan (Mã: MSN) khi đại diện cho phần vốn của SK Investment Vina I Pte. Ltd với hơn 131,8 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 9,26% vốn điều lệ của Tập đoàn Masan.
Tính tới hết năm 2022, SK Investment Vina II Pte. Ltd. sở hữu hơn 231 triệu cổ phiếu VIC, tương đương với tỷ lệ sở hữu 5,98% vốn của tập đoàn.
Năm 2019, đánh dấu sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và phát hành cổ phiếu riêng lẻ trị giá 1 tỷ USD của Vingroup cho Tập đoàn SK (Hàn Quốc).