|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ví điện tử tìm lối thoát trong cuộc đua khốc liệt

17:15 | 31/05/2024
Chia sẻ
Các ví điện tử chuyển từ cuộc chơi đốt tiền sang cung cấp thêm dịch vụ tài chính, hoàn thiện hệ sinh thái để kéo thêm khách hàng.

Theo MoMo định nghĩa, ví điện tử là tài khoản thanh toán các giao dịch trực tuyến như điện nước, học phí, nạp tiền điện thoại, mua vé xem phim,… Ví điện tử hoạt động bằng cách liên kết tài khoản ngân hàng, nạp tiền vào ví và thanh toán bất kỳ dịch vụ có liên kết với công ty phát hành ví. Người dùng cần có smartphone, mạng internet và tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử để thực hiện giao dịch. 

Báo cáo mới đây của FiinGroup - công ty chuyên cung cấp dịch vụ tích hợp về dữ liệu tài chính, thông tin kinh doanh, nghiên cứu ngành chỉ ra, tính đến cuối năm ngoái có 36 triệu ví điện tử hoạt động tại Việt Nam. Đơn vị này dự báo con số sẽ tăng 40% lên 50 triệu ví vào cuối năm 2024.

FiinGroup đánh giá dù thị trường đông đúc với 50 công ty dịch vụ trung gian thanh toán, lượng người dùng ví điện tử tại Việt Nam chỉ tập trung ở vài ông lớn, đặc biệt là Momo, Shopee Pay, và VNPay. Trong khi những doanh nghiệp khác như ZaloPay, Moca, Payoo, Viettel Pay, VNPT Pay,… đang tranh nhau miếng bánh thị phần rất nhỏ.

Thị trường ví điện tử đông đúc với những người chơi chính. (Ảnh: Đức Huy).

Mặt khác, các ví điện tử này vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn “đốt tiền” để giữ chân khách hàng. Nguyên nhân là bởi nhiều người dùng thanh toán qua ví điện tử do các ưu đãi hấp dẫn và phiếu giảm giá mà họ nhận được. Người dùng có xu hướng quan tâm đến các chương trình khuyến mãi, sau đó chuyển sang một nhà cung cấp khác. Điều này đòi hỏi các nỗ lực khuyến mãi liên tục từ các ví điện tử và cổng thanh toán, dẫn đến gánh nặng chi phí lớn cho các công ty này.

Chẳng hạn với ZaloPay, theo Tech in Asia, năm 2021, ví điện tử này đã “đốt” gần 52 triệu USD. Nhưng trong gần 7 năm qua, công ty chủ quản ZaloPay thua lỗ liên tiếp. Hay mới đây nhất là Moca - một ví được tử từng được Grab hậu thuẫn, thông báo rút khỏi cuộc chơi, dừng cung cấp dịch vụ ví điện tử. Công ty cho biết quyết định rời thị trường này được đưa ra nhằm tập trung nguồn lực vào các dịch vụ trung gian thanh toán khác có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn.

Thực tế, ví điện tử với chức năng chính như một một hình thức thanh toán trực tuyến đơn thuần và ngay lập tức đã không còn chiếm thế thượng phong. Ba tháng đầu năm ngoái, theo báo cáo của Decision Lab, ngoại trừ MoMo, các ví điện tử khác như ZaloPay, ViettelPay, ShopeePay, VNPay hay Moca đều giảm thị phần so với quý trước đó.

Không chỉ bị cạnh tranh bởi nhiều đối thủ, các quy định hiện tại ở Việt Nam đều có phần chưa tạo được động lực cho ví điện tử. Theo đó, tất cả các ví điện tử tại Việt Nam đều cần liên kết đến tài khoản ngân hàng. Trong khi đó, tỷ lệ dân số có tài khoản ngân hàng ở vùng nông thôn còn thấp.

Một hạn chế khác là các nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử không được trực tiếp cho vay đến người dùng trừ khi có giấy phép cung cấp dịch vụ tín dụng. Điều này có nghĩa là ví điện tử cần hợp tác với các ngân hàng để cung cấp được thêm các dịch vụ tài chính gia tăng hoặc nó chỉ đơn thuần là một kênh thu hút khách hàng của ngân hàng. Ngay cả trong trường hợp này, mối quan hệ chính của người dùng vẫn là với ngân hàng.

Do đó, theo FiinGroup, sự phát triển lâu dài trong thị trường ví điện tử dự báo chuyển từ cuộc đua đốt tiền làm khuyến mãi sang so kè công nghệ, tính toàn diện của hệ sinh thái, trải nghiệm khách hàng và đa dạng hóa doanh thu qua các dịch vụ tài chính bổ sung.

Chuyên gia nói biên lợi nhuận của dịch vụ ví điện tử rất mỏng nếu các nền tảng không cung cấp thêm các sản phẩm tài chính khác. (Ảnh: Đức Huy).

Cùng quan điểm, Tech in Asia nhận định các công ty Fintech sẽ khó có thể tồn tại được chỉ nhờ dịch vụ ví điện tử vì biên lợi nhuận mảng này rất mỏng. "Nói về tài chính của một người, có tất cả 5 hoạt động: Kiếm tiền, tiêu tiền, vay mượn, tiết kiệm và đầu tư. Ví điện tử nên tham gia vào tất cả hoạt động", Nam Le, một chuyên gia tại Touchstone Partners, nhận định.

Năm 2019, CEO MoMo - ví điện tử có số lượng người dùng nhiều nhất trên thị trường, nói với TechCrunch rằng "chiến thuật của chúng tôi được dựa trên thành công của Alipay và WeChat ở Trung Quốc, các dịch vụ này đi từ thanh toán đến cho vay và hơn thế nữa"

Thực tế, tháng 8/2021, MoMo đã ra mắt dịch vụ mua trước, trả sau cùng TP Bank cho phép người dùng MoMo vay tới 10 triệu đồng dựa trên điểm xếp hạng tính dụng do MoMo tính toán. Người dùng dịch vụ này không cần chứng minh thu nhập và nhắm đến đối tượng khách hàng chưa dùng thẻ tín dụng.

Tháng 1/2022, MoMo tiếp tục mua cổ phần Nhanh.vn, một startup cung cấp các phần mềm quản lý bán hàng đến doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam. Thương vụ thâu tóm này được đánh giá giúp MoMo có thể bắt đầu cung cấp nhiều dịch vụ đến nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), vốn chiếm tới 98% cơ cấu doanh nghiệp tại Việt Nam. Hay năm ngoái MoMo chính thức chính thức trở thành phương thức thanh toán tích hợp trên Apple Store trực tuyến tại Việt Nam. Phương thức này hỗ trợ trả góp kỳ hạn 6-24 tháng, trả trước 20% giá trị sản phẩm với lãi suất cạnh tranh 1,67%/tháng. Hạn mức tín dụng lên tới 100 triệu đồng.

Một "bước tiến logic" là MoMo trở thành một ngân hàng số. Điều này, dĩ nhiên chỉ có thể trở thành hiện thực nếu được cấp phép. Khác với các quốc gia Đông Nam Á khác, các ngân hàng số của Việt Nam hiện vẫn phải hoạt động dưới sự hợp tác với các ngân hàng địa phương, ví dụ như Timo và Ngân hàng Bản Việt.

Trong khi đó, một tên tuổi khác là ZaloPay từng được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện khi được VNG - một tập đoàn công nghệ lớn hậu thuẫn, cũng đang tìm cách thoát khỏi “chiếu dưới”. Ví điện tử này đã được tích hợp vào Zalo - nền tảng nền tảng trò chuyện OTT lớn nhất Việt Nam để tăng thị phần. Năm 2022, Funding Societies thừa nhận đầu tư và có hợp tác với VNG - đơn vị sở hữu ví điện tử ZaloPay. Người phát ngôn của Funding Societies nói rằng công ty này và VNG có thể tạo ra "trải nghiệm khách hàng liền mạch" ở các mảng cho vay, thanh toán, quản lý chi tiêu và các dịch vụ khác cho SME.

"Tiếp cận SME là một động thái tích cực", ông Angus Mackintosh, Người sáng lập CrossASEAN Research, nói với Tech in Asia. "Đây là phân khúc tăng trưởng nhanh cho các công ty ở Indonesia như Bukalapak. Bạn có thể cung cấp cho doanh nghiệp nhỏ các công cụ thanh toán số, tìm kiếm nguồn hàng hay cho vay vốn lưu động”.

Khác với ZaloPay và MoMo đang tập trung cung ứng dịch vụ cho các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ, AirPay (nay là ShopeePay) lại được tích hợp vào Shopee - sàn thương mại điện tử nhiều người dùng nhất tại Việt Nam.

Shopee hiện tại cho phép dùng ShopeePay để thực hiện giao dịch trên sàn thương mại điện tử này. Năm 2021, Shopee đổi tên dịch vụ giao đồ ăn và thanh toán tại Việt Nam lần lượt thành ShopeeFood và ShopeePay. Động thái này cho thấy Shopee đang muốn tạo ra một sự kết nối tốt hơn của các dịch vụ đến sàn thương mại điện tử khổng lồ của mình.

Một người chơi có tiềm lực mạnh khác trong cuộc đua dịch vụ tài chính là Viettel. Tháng 1/2021, Viettel chuyển đổi định hướng từ một nhà mạng truyền thống thành một nhà cung cấp dịch vụ số. Là một nhà mạng có thị phần top đầu, Viettel có lợi thế lớn trong triển khai mobile money.

Với những chuyển động kể trên, có thể thấy cuộc đua trên thị trường ví điện tử vẫn chưa thể ngã ngũ và mỗi công ty Fintech đều đang tìm “lối thoát” riêng cho mình, ngoài chức năng chính là trung gian thanh toán trực tuyến.

Đức Huy