|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi chưa nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, vấn đề khơi thông nguồn vốn được kỳ vọng từ năm 2024

11:00 | 20/09/2023
Chia sẻ
Nền kinh tế Việt Nam được các chuyên gia đánh giá đang suy giảm mạnh bởi khó khăn trong hoạt động xuất khẩu và sức cầu nội địa. Các chỉ số vĩ mô đang được kiểm soát tốt nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu cả năm.

GDP 6 tháng đầu năm của Việt Nam tăng trưởng 3,72%, rất thấp so với mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm. Mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận xuất siêu 20 tỷ USD theo góc nhìn của chuyên gia đây là xuất siêu ảo bởi cả giá trị xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm, trong đó nhập khẩu giảm thấp hơn.

Thị trường trái phiếu trong nước đóng băng sau những vụ đại án từ năm ngoái, nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường này. Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã đi vào hoạt động nhưng đến nay chưa có sự sôi động.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, kéo mặt bằng lãi suất huy động xuống 3-4%, thậm chí nhiều ngân hàng giảm mạnh hơn. Lãi suất cho vay cũng giảm ít nhất 2 điểm % kể từ đầu năm đến nay nhưng vẫn chưa giảm đủ để hỗ trợ nền kinh tế.

(Nguồn: Hạ An tổng hợp; Đồ họa: Alex Chu).

Fed không tăng lãi suất sẽ tốt hơn cho Việt Nam

Tại Hội thảo Bất động sản phía Nam do CafeLand tổ chức sáng ngày 20/9, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng, chia sẻ góc nhìn nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng từ hai nền kinh tế lớn gồm Mỹ và Trung Quốc.

Trong đó, hai mối quan tâm hàng đầu của Mỹ hiện nay là chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát lạm phát và chính trị toàn cầu. Vấn đề thứ hai đã được Mỹ tập trung trong thời gian gần đây thông qua các chính sách hợp tác thương mại. Do vậy, chuyên gia cho rằng có thể thời gian tới Mỹ sẽ tăng lãi suất để kìm lạm phát.

“Trong hai tuần tới sẽ có kết quả về việc Fed có tiếp tục tăng lãi suất hay không. Nếu lần này Fed không tăng lãi suất là điều tốt cho Việt Nam”, ông Hiếu nhận định.

Theo phân tích của chuyên gia, việc Fed tăng lãi suất trước hết sẽ tác động đến tỷ giá. Hiện nay tỷ giá vào khoảng 24.300 VND/USD. Nếu trong những ngày tới tỷ giá tăng lên 24.500 VND/USD có thể Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ xem xét và nếu tiếp tục tăng lên 25.000 VND/USD có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy rất bất an.

Tỷ giá tăng sẽ có lợi cho xuất khẩu nhưng đồng thời bất lợi cho nhập khẩu. Việt Nam nhập khẩu rất nhiều để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Chính vì vậy, khi tỷ giá tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa tăng và điều này sẽ ảnh hưởng đến lạm phát.

(Nguồn: Hạ An tổng hợp; Đồ họa: Alex Chu).

Khác với Mỹ - quốc gia kiểm soát đồng USD, hay khối châu Âu, Trung Quốc có dữ trữ ngoại hối lớn, Việt Nam có dự trữ ngoại hối thấp hơn, vào khoảng 70-80 tỷ USD. Nếu một quốc gia vì lý do nào đó không thể xuất khẩu thì ngoại hối phải dự trữ đủ tối thiểu cho ba tháng nhập khẩu. Và khi dữ trữ ngoại hối không đủ để can thiệp kéo ngoại tệ xuống thì tỷ giá chợ đen sẽ tăng lên và tăng rủi ro cho nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng khi Fed tăng lãi suất bởi khi giá trị USD được đẩy lên và giá trị tiền đồng xuống, khối ngoại sẽ có xu hướng rút khỏi thị trường Việt Nam để đầu tư vào những thị trường sử dụng USD.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính Ngân hàng. (Ảnh: CafeLand).

Ngân hàng nhiều tiền nhưng không thể đẩy vốn ra

Đối với hệ thống tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận các ngân hàng hiện nay có nhiều vốn nhưng hình như chỉ “ngủ yên” chứ “không “ăn no” vì tăng trưởng tín dụng rất thấp. Trong 8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng đạt 5,3% và từ nay đến cuối năm phải chạy nước rút để có thể đạt mục tiêu 14%.

Một thực trạng hiện nay được chuyên gia chỉ ra là các ngân hàng không thể cho vay dù nguyên tắc các ngân hàng phải đẩy vốn ra để sinh lời. Điều này xuất phát từ mức độ rủi ro của nền kinh tế và rủi ro từ khách hàng đi vay đều đang tăng.

Ở nhóm ngành sản xuất, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, nhiều doanh nghiệp không có đơn đặt hàng, kể cả đơn đặt hàng trong nước nên không có nhu cầu tăng vốn. Nếu tăng vốn để sản xuất chỉ làm tăng hàng tồn kho và càng vay càng lỗ. Những doanh nghiệp muốn vay thì không còn tài sản để thế chấp bởi giá trị tài sản hiện nay giảm rất mạnh.

Với các doanh nghiệp bất động sản, trước đây ngân hàng rất cởi mở trong việc cho vay và đến giai đoạn kiểm soát tín dụng hơn, nhóm doanh nghiệp này vẫn có thể huy động vốn dễ dàng từ kênh trái phiếu.

Còn trong bối cảnh hiện nay, giá trị bất động sản đang giảm rất mạnh. Ở những năm 2016, bất động sản được định giá 100 đồng thì ngân hàng cho vay 70 đồng. Đến nay giá trị bất động sản giảm từ 100 đồng về 50 đồng, dù ngân hàng có thu hồi tài sản cũng không đủ bù dư nợ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu NHNN tiếp tục giảm lãi suất sẽ là yếu tố tích cực đối với những doanh nghiệp có nhu cầu vay để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Riêng đối với nhóm bất động sản, giảm lãi suất không phải là chiếc đũa thần vì sức khỏe tài chính và giá trị tài sản của nhóm này đã suy giảm.

"Tôi chưa nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm và không dám lạc quan nhiều, nhất là lĩnh vực bất động sản. Vấn đề khơi thông nguồn vốn được kỳ vọng từ năm 2024, cơ hội ở phía Nam nhiều hơn ở phía Bắc”, chuyên gia kết luận.

Nguyên Ngọc