|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Trước thông tin nhiều ông lớn đổ bộ, nhà đầu tư sẽ lại kéo về nơi này săn đất?

08:37 | 15/03/2022
Chia sẻ
Cuối năm ngoái, sau khi có thông tin một số tập đoàn lớn đề xuất đầu tư dự án, giá đất nhiều nơi tại Khánh Hòa như Ninh Hòa, Cam Lâm đã tăng dựng đứng.
Thị trường bất động sản địa phương này ra sao trước thông tin loạt ông lớn đổ bộ? - Ảnh 1.

Khánh Hòa đang lọt tầm ngắm của nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn. (Ảnh: Khải An).

Vốn là địa phương có có thế mạnh trong phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, Khánh Hòa thời gian gần đây đang nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp có tên tuổi.

Mới đây, Tập đoàn Vingroup vừa có báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên của đoàn công tác Trung ương về ý tưởng đầu tư dự án đại đô thị trên địa bàn huyện Cam Lâm.

Tập đoàn này mong muốn được đầu tư phát triển dự án ở Cam Lâm để trở thành một thành phố mới, chất lượng môi trường sống tốt và là trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, tạo tiền đề để đến năm 2030 Khánh Hòa phát triển toàn diện và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Nếu được phê duyệt, đến tháng 6/2023 dự án khởi công và sau hai năm hình hài của khu đô thị phức hợp sẽ thành hình.

Hay Tập đoàn FPT cũng vừa đề xuất ba dự án dự kiến đầu tư tại tỉnh này. Cụ thể, gồm:  Khu đô thị công nghệ và giáo dục FPT tại xã Phước Đồng - Vĩnh Thái (TP Nha Trang) quy mô 150 ha; Trung tâm chuyển đổi số và đô thị dịch vụ tại khu vực Tuần Lễ - Hòn Ngang Bắc Vân Phong quy mô 350 ha; Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng của các chuyên gia ở khu vực Hồ Na - Mũi Đôi (vịnh Vân Phong) quy mô 360 ha.

Ngoài ra, UBND tỉnh này cũng vừa có văn bản đồng ý cho CTCP Tập đoàn Crystal Bay nghiên cứu, khảo sát, đề nghị quy hoạch và đề xuất dự án đầu tư tại các khu vực thuộc huyện Cam Lâm và huyện Khánh Sơn.

Cụ thể, Crystal Bay đang đề xuất khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch, đầu tư dự án Khu du lịch Crystal Bay Khánh Sơn - Cam Lâm thuộc xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn) và xã Cam Phước Tây, Cam An Bắc (huyện Cam Lâm). Dự án có quy mô dự kiến hơn 3.173 ha, gồm ba hợp phần.

Trước đó, cuối tháng 11/2021, Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn KDI Holdings cũng đề xuất ý tưởng quy hoạch một số khu vực trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Cụ thể, hai tập đoàn đã đề xuất nghiên cứu đầu tư các dự án trên địa bàn TP Nha Trang và thị xã Ninh Hòa, bao gồm: Quy hoạch phân khu dọc hai bên bờ sông Cái và phát triển các dự án tại TP Nha Trang; vùng kinh tế động lực công nghiệp - đô thị - dịch vụ Ninh Hòa tại các xã Ninh Xuân, Ninh Sim, Ninh Tây với đầy đủ chức năng như Khu công nghiệp tổng hợp đa ngành, khu đô thị suối khoáng nóng, khu bảo tồn, khu vui chơi giải trí và khu đô thị dịch vụ sân golf.

Cùng thời điểm, Tập đoàn FLC đề xuất nghiên cứu đầu tư Khu phức hợp nghỉ dưỡng đô thị sinh thái cao cấp tại vịnh Nha Phu, thị xã Ninh Hòa với quy mô khoảng 8.650 ha (4.000 ha mặt nước và khoảng 4.650 ha đất nghiên cứu xây dựng).

Dự án bao gồm 5 phân khu, với nhiều hạng mục như 4 khách sạn 5 sao 6.000 phòng có sức chứa 12 ngàn khách; tổ hợp 11 sân golf liên hoàn; hàng ngàn căn villa, khu nghỉ dưỡng 7 sao Bamboo Word Hòn Thị; đô thị thương mại, tài chính và dịch vụ tổng hợp,…

Nhiều hạng mục du lịch giải trí khác cũng được quy hoạch như công viên vui chơi giải trí theo mô hình Disneyland, vườn thú bán hoang dã,…

Bên cạnh dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng nói trên, FLC cũng đề xuất nghiên cứu Công trình khách sạn, trung tâm thương mại 6 sao cao 40 tầng tại khu đất 48 - 48A đường Trần Phú.

Tháng 10/2021, Tập đoàn Sun Group cũng có văn bản xin đề xuất thực hiện dự án Khu đô thị Đông Bắc Ninh Hòa và suối nước nóng Trường Xuân.

Cũng trong tháng 10, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đề xuất đầu tư khu thương mại tự do Hòn Gốm tại Khu kinh tế Vân Phong, các hạng mục vận tải và đô thị thông minh ở khu vực sân bay Cam Ranh và dự án thương mại 82 Trần Phú, Nha Trang,...

Đất nền phân lô vẫn là chủ đạo

Thời gian vừa qua, có không ít nhà đầu tư kéo nhau về Khánh Hòa săn đất phân lô. (Ảnh: Khải An).

Còn nhớ, cuối năm ngoái, sau khi có thông tin một số tập đoàn lớn đề xuất đầu tư dự án, giá đất Ninh Hòa đã tăng dựng đứng. Cụ thể, giá đất thổ cư khu vực này hồi đầu tháng 10 chỉ có giá dưới 5 triệu đồng/m2 nay tăng lên 8 - 12 triệu đồng/m2 tùy khu vực.

Riêng tỉnh lộ 5 và tỉnh lộ 8, giá đất trồng cây lâu năm trước tháng 10 chỉ khoảng 20 triệu đồng/mét ngang nay "nhảy dựng" lên 80 - 120 triệu đồng/mét ngang tùy khu vực.

Gần Khu đô thị Đông Bắc Ninh Hòa, giá đất trồng cây lâu năm từ 80 triệu/mét ngang nay tăng lên hơn 120 triệu, các khu vực tuyến đường lớn và gần biển có nơi lên khoảng 230 triệu đồng/mét ngang,...

Cơn sốt đất cũng nổi lên ở Cam Lâm trước thông tin quy hoạch và một số tập đoàn lớn đề xuất đầu tư nhiều dự án "khủng". Giá đất nhiều khu vực đã bị môi giới hét lên cao gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi.

Đầu năm 2022, thị trường bất động sản Khánh Hòa tiếp tục được giới đầu tư chú ý. Cụ thể, đây là địa phương có mức độ quan tâm trong tháng 2 tăng cao nhất với 29% so với tháng trước, lượng tin đăng tăng 15%, theo thống kê của Batdongsan.com.vn.

Trong đó mức độ quan tâm đến đất tăng gần 31%, đất nền dự án tăng gần 35%. Với bất động sản cho thuê, lượng quan tâm đến nhà riêng tăng hơn 80%; nhà trọ, phòng trọ tăng gần 100%, nhà mặt phố tăng 68%; cho thuê, sang nhượng cửa hàng tăng 134%.

Nhìn lại năm 2021, theo báo cáo của Hội môi giới Bất động sản Khánh Hòa (KAREB), do tác động của dịch COVID-19 nên năm thị trường bất động sản Khánh Hòa có phần trầm lắng, giao dịch sụt giảm.

Cụ thể, địa phương này gần như không có dự án căn hộ đủ điều kiện bán hàng. Thay vào đó, chỉ có một số dự án mở bán tiếp tục sản phẩm của năm 2020 như nhà ở xã hội HQS, nhà ở xã hội Cam Ranh,... số lượng khoảng 600 căn hộ.

Tại các dự án nhà ở như khu đô thị Mỹ Gia, Hà Quang, VCN,... thị phần giao dịch chính là của người mua sử dụng và nhà đầu tư ở phân khúc bán lẻ có giá trung bình thấp gồm các khu đất nền phân lô, chung cư thương mại - xã hội có giá dưới 20 triệu/m2. Nhóm này chiếm tỷ trọng 80% giao dịch của thị trường chung còn lại các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nhà phố, khách sạn,… chiếm khoảng 20% thị phần giao dịch.

Theo ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Khánh Hòa, tiêu điểm năm 2021 của thị trường bất động sản Khánh Hòa là các sản phẩm phân lô, bán nền tại các huyện, thị vùng ven TP Nha Trang.

Thống kê cho thấy, có tới hàng trăm khu đất phân lô, bán nền quy mô lên đến hàng nghìn lô đất đã được tung ra thị trường với mức giá bình quân 300 triệu đến 1 tỷ đồng/lô và sức hấp thụ của nhà đầu tư F0 đạt 95% mỗi giỏ hàng.

Nguyên nhân là do trong quá trình lập quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 có những thông tin nghiên cứu đầu tư các dự án lớn vào địa phương trong giai đoạn 10 năm tới và các sàn môi giới bất động sản đã vẽ ra nhiều hoạt động kinh doanh, chương trình bán hàng.

Ông Hoàng cho biết, thực tế trong quá trình sốt đất có nhiều hoạt động kinh doanh "biến tướng", có nguy cơ gây sốt đất ảo ảnh làm hưởng đến thị trường chung nên hiện nay đang bị chính quyền địa phương ban hành nhiều biện pháp kiểm soát chặt tình trạng này trong năm 2022.

"Thời điểm hiện tại, mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều thách thức nhưng bất kỳ thời điểm nào, nhu cầu nhà ở thật cũng luôn tồn tại. Các phân khúc nhà ở giá rẻ có pháp lý chuẩn, đặc biệt là đất nền giá thấp và nhà ở xã hội luôn được thị trường hấp thụ tốt tại Khánh Hòa tỷ lệ cầu đang vượt cung có thể kéo dài sang năm 2022", ông Hoàng nhận định.

Bên cạnh đó, Luật đất đai 2013 đang được nghiên cứu sửa đổi có khả năng được Quốc hội thông qua vào năm 2022, trong đó có về vấn đề pháp lý của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Đây là vấn đề được rất nhiều nhà đầu tư đang quan tâm.

Vị chuyên gia này dự báo, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Khánh Hòa sẽ ấm dần trở lại trong năm 2022 khi hoạt động du lịch tại địa phương đang dần phục hồi, hiệu suất khai thác của các tổ hợp nghỉ dưỡng đã được nâng lên rất nhiều trong tháng cuối năm 2021 vừa qua.

Hà Lê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.