|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trước thềm thoái vốn của các cổ đông lớn, hai công ty bảo hiểm phi nhân thọ Top 5 này có triển vọng gì?

16:40 | 24/03/2022
Chia sẻ
BSC kỳ vọng tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ dự báo sẽ quay trở lại mức 9-10% trong năm giai đoạn 2022-2025. PVI có khả năng bứt phá trong khi Bảo hiểm Bảo Minh sẽ giữ vững được thị phần trong năm 2022.

Thị phần PVI tăng mạnh, PVN chưa thoái vốn trong năm 2022

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán BSC, trong lĩnh vực phi nhân thọ, 4 công ty luôn dẫn đầu về thị phần phải kể đến là Bảo Việt, PVI, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Bảo hiểm Bảo Minh. Đuổi sát nút phía sau là PJICO và Bảo hiểm Quân đội (MIC).

Năm 2021, thị phần của PVI trong năm 2021 đã được cải thiện đáng kể lên mức trên 15% khiến khoảng cách về thị phần với Bảo Việt được thu hẹp đáng kể. 

Theo đánh giá của BSC, dù cạnh tranh trong ngành sẽ ngày càng trở nên gay gắt hơn trong thời gian tới, nhưng thị phần của PVI sẽ vẫn được duy trì ổn định trên 15%, thậm chí có thể vượt qua Bảo Việt.

Thị phần về doanh thu phí các doanh nghiệp dẫn đầu mảng phi nhân thọ

Trước thềm thoái vốn của các cổ đông lớn, hai công ty bảo hiểm phi nhân thọ Top 5 này có triển vọng gì? - Ảnh 1.

Chuyên gia phân tích kỳ vọng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ của PVI sẽ đạt mức tăng trưởng 10,1% trong năm 2022. Mảng tái bảo hiểm của PVI được đánh giá có nhiều tiềm năng và triển vọng tăng vốn.

PVIRe cùng với Vinare là hai nhà tái bảo hiểm duy nhất ở Việt Nam, với thị phần lần lượt 7% và 12%, còn lại thuộc về các công ty tái bảo hiểm nước ngoài. Nhìn chung, các công ty tái bảo hiểm ở Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế về quy mô vốn, cũng như xếp hạng tín nhiệm so với các doanh nghiệp nước ngoài. 

Tuy nhiên, BSC nhận định doanh thu phí tái bảo hiểm tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trung bình từ 12-15% năm trong thời gian tới sẽ khiến PVIRe còn rất nhiều dư địa để mở rộng và phát triển, cũng như nâng cao thị phần.

Trong năm 2022, PVIRe có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 1.044 tỷ đồng bằng cách chào bán công khai ra công chúng. Hiện tại, PVI đang sở hữu 73% cổ phần của PVIRe, nếu việc tăng vốn diễn ra thuận lợi như kế hoạch, tỷ lệ sở hữu của PVI sẽ bị pha loãng về 51%. 

Bên cạnh đó, PVI đang chuyển đổi cơ cấu danh mục đầu tư từ tiền gửi sang trái phiếu để tăng thêm hiệu quả đầu tư tài chính. "Chiến lược này của PVI sẽ giúp công ty tăng thêm lợi nhuận tài chính từ 5-10% so với cùng kỳ, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động trong năm 2022 được dự báo sẽ duy trì ở mức ổn định", báo cáo BSC viết.

Một trong những chi tiết được các nhà đầu tư quan tâm là việc thoái vốn của PVN. Trong buổi gặp mặt nhà đầu tư gần nhất, ban lãnh đạo PVI cho biết việc thẩm định giá đã sơ bộ được hoàn thành từ năm 2019, tuy nhiên quá trình thoái vốn đang tạm dừng theo đề án tái cấu trúc của PVN. 

Cơ cấu sở hữu của PVI

Trước thềm thoái vốn của các cổ đông lớn, hai công ty bảo hiểm phi nhân thọ Top 5 này có triển vọng gì? - Ảnh 3.

Chuyên gia phân tích dự báo doanh thu phí của PVI sẽ đạt 4.511 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 11,8% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 951 tỷ đồng, tăng 8,1%. Lợi suất đầu tư gộp và lợi suất đầu tư ròng của các tài sản đầu tư lần lượt là 8,4% và 7,5%.

Bảo Minh: Thương vụ thoái vốn được kỳ vọng sẽ thực hiện trong năm 2022

Gần đây, BMI đã thông qua kế hoạch nới room ngoại lên 100% nhằm mở đường cho việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp, và đã trình Bộ Tài chính phương án nới room này. Hiện cơ cấu cổ đông của BMI hiện nay gồm có SCIC sở hữu xấp xỉ 51%, Tập đoàn AXA (Pháp) và cổ đông lớn nước ngoài khác sở hữu trên 20%. 

Cơ cấu sở hữu của Bảo Minh

Trước thềm thoái vốn của các cổ đông lớn, hai công ty bảo hiểm phi nhân thọ Top 5 này có triển vọng gì? - Ảnh 4.

Nếu nguồn vốn của BMI được chuyển nhượng thành công cho nhà đầu tư ngoại, đây sẽ là thương vụ đầu tiên một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có sự tham gia với quyền chi phối vốn của doanh nghiệp nước ngoài. 

BSC đánh giá, khả năng thương vụ này được thực hiện trong năm 2022 là khá lớn, và nếu thoái vốn thành công, BMI sẽ có tiềm năng được đánh giá lại trong ngắn hạn. Còn về dài hạn, với việc có khối tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại nắm quyền chi phối, BMI được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện về khâu quản lý điều hành, cũng như hiệu quả hoạt động tốt hơn.

Với thị phần doanh thu phí hơn 7% và mạng lưới rộng khắp, BSC đánh giá Bảo Minh sẽ tiếp tục duy trì thị phần của mình trong năm 2022. 

Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, phí bảo hiểm gộp của BMI chỉ tăng trưởng 3,1%. Trong đó, nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu của BMI là bảo hiểm sức khỏe giảm 4,3%, mảng bảo hiểm xe cơ giới cũng chỉ tăng trưởng 1,1%.

Xét về cơ cấu đầu tư tài chính, Bảo Minh có chính sách khá thận trọng khi phần lớn danh mục đầu tư của BMI là các tài sản nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi). 

Trong khi đó, khi xét danh mục đầu tư chứng khoán của BMI tính đến thời điểm giữa năm 2021, nhìn chung hoạt động đầu tư cổ phiếu của BMI không đem lại hiệu quả. Lợi suất đầu tư dự kiến đi ngang trong năm 2022.

Với kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động tại Việt Nam trong năm tiếp tục ổn định, BSC dự phóng lợi suất đầu tư gộp và lợi suất đầu tư ròng của Bảo Minh sẽ giữ nguyên ở mức lần lượt là 9,7% và 7,4% trong năm 2022.

Trước thềm thoái vốn của các cổ đông lớn, hai công ty bảo hiểm phi nhân thọ Top 5 này có triển vọng gì? - Ảnh 5.

Công ty chứng khoán dự báo doanh thu thuần của Bảo Minh đạt khoảng 4.737 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 268 tỷ đồng, tăng 7,1%. 

Về triển vọng chung của toàn ngành, theo chuyên gia của BSC doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đã giảm tốc trong năm 2021 nhưng sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2022. 

Động lực chính đến từ cơ cấu dân số độ tuổi lao động chiếm gần 70%, tăng trưởng GDP 6-7%/năm và tỷ lệ sử dụng bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam ở mức khá thấp (0,9% so với mức trung bình 3-4% trong khu vực). 

BSC kỳ vọng, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ dự báo sẽ quay trở lại mức 9-10% trong năm giai đoạn 2022-2025.

Trước thềm thoái vốn của các cổ đông lớn, hai công ty bảo hiểm phi nhân thọ Top 5 này có triển vọng gì? - Ảnh 6.

Diệp Bình