|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Trungnam Group trong bài toán vốn

09:07 | 30/07/2022
Chia sẻ
Dồn trọng tâm vào các lĩnh vực thâm dụng vốn như hạ tầng, bất động sản, năng lượng Trungnam Group sau khi liên tục huy động hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu đã dần dần rút bớt vốn khỏi các dự án để xoay dòng vốn.

Thành lập vào tháng 11/2004, đặt trụ sở tại TP HCM, Trungnam Group dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Nguyễn Tâm Thịnh đã mở rộng hoạt động đầu tư đa ngành vào các lĩnh vực như: năng lượng, xây dựng, hạ tầng, bất động sản, công nghiệp,...

Trong lĩnh vực bất động sản, Trungnam Group thông qua công ty con là Trungnam Land góp mặt hai dự án lớn nhất của Đà Nẵng thời bấy giờ là Khu đô thị sinh thái Golden Hills với tổng đầu tư 1,6 tỷ USD, dự án Khu công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt - Golf Valley.

Trong lĩnh vực hạ tầng, Trungnam Group nổi bật nhất với việc làm dự án chống ngập 10.000 tỷ tại TP HCM thời điểm giữa năm 2016. Tuy nhiên do những khó khăn, vướng mắc trong việc tái cấp vốn và phụ lục hợp đồng BT khiến tiến độ hoàn thành dự án bị lùi lại nhiều lần.

Ngoài ra, Trungnam Group còn làm  chủ đầu tư dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná gồm 17 bến tàu, tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng. Dự án dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay và một số dự án hạ tầng giao thông khác.

Xuất phát điểm thực hiện các dự án bất động sản, xây dựng hạ tầng, đến năm 2018, Tập đoàn đã lấn sang năng lượng và kể từ đó đây trở thành trụ cột chính của Trungnam Group. Đến tháng 10/2021 Trungnam Group đóng góp 1,63 GW năng lượng vào lưới điện quốc gia, thuộc top đầu khối doanh nghiệp tư nhân trong ngành công nghiệp này.

Hệ thống nhà máy điện mặt trời 450 MW lớn nhất Đông Nam Á tại tỉnh Ninh Thuận do Trungnam Group làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. (Ảnh: Trungnam Group).

Tại Ninh Thuận – trung tâm năng lượng của cả nước, Trung Nam đang sở hữu loạt dự án, gồm Dự án trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam. Đây là dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

Cũng tại tỉnh miền trung này, Trungnam Group còn sở hữu tổ hợp năng lượng tái tạo Nhà máy Điện gió Trung Nam với tổng đầu tư 4.000 tỷ đồng, kết hợp với nhà máy điện mặt trời 204 MW. Tổng sản lượng khai thác hàng năm của tổ hợp năng lượng này đạt 950 triệu kWh – 1 tỷ kWh điện mỗi năm.

Trong khi đó tại Đắk Lắk, tập đoàn làm dự án điện gió Ea Nam công suất 400 MW. Đây hiện là nhà máy điện gió có công suất lớn nhất của cả nước. Cùng lúc, công ty còn thực hiện Dự án Đông Hải 1 Trà Vinh - dự án điện gió trên biển lớn nhất với công suất 100 MW. Các dự án này đều được hoàn thành trong tháng 10/2021, chỉ sau vài tháng khởi công nhằm kịp với deadline hưởng giá FIT 31/10.

Ngoài ra, do xác định năng lượng là ngành mũi nhọn trong 6 ngành nghề chiến lược, Trungnam Group cho biết tiếp tục đầu tư các nhà máy điện gió trên bờ, dưới biển giai đoạn 2022 đến năm 2030 – 2045 lên ít nhất 7 GW.

Mặc dù đầu tư lớn cho điện mặt trời, đặc biệt Trungnam Group tự bỏ kinh phí gần 2.000 tỷ đồng để đầu tư hệ thống truyền tải 500 kV, song  phần công suất hơn 172MW trong số 450MW của dự án Trung Nam Thuận Nam chưa xác định cơ chế giá bán điện.

Huy động hàng chục nghìn tỷ đồng để phát triển năng lượng

Để thực hiện loạt dự án năng lượng mới nói trên, Trungnam Group cần nguồn vốn rất lớn. Xuyên suốt nhiều năm qua, Trungnam liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu với giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Chỉ tính riêng công ty con là CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 - chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Ea Nam ở Đắk Lắk đã huy động hơn 16.000 tỷ đồng trái phiếu trong giai đoạn tháng 6/2020 đến nay.

 Trungnam Group cũng như các công ty thành viên huy động lượng lớn trái phiếu. 

Cập nhật đến ngày 27/6/2019, Trungnam Group có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng. Theo cập nhật từ tập đoàn này, mức vốn điều lệ hiện nay là 7.000 tỷ. Để đảm bảo khả năng trả nợ, tập đoàn đã thế chấp nhiều tài sản tại các ngân hàng trong đó có cổ phần của các công ty điện mặt trời, điện gió tại các ngân hàng.

Nhìn chung, những dự án điện mặt trời, điện gió cần nguồn vốn lớn. Bù lại, thời gian xây dựng và đi vào hoạt động không kéo dài quá lâu. Những năm 2016 – 2018, doanh thu của Trungnam Group dưới 1.600 tỷ đồng, thì đến 2019, thời điểm bắt đầu nhảy vào các dự án năng lượng, doanh thu đã tăng vọt lên trên 6.000 tỷ đồng nhưng biên lợi nhuận không cao.

Chuyển nhượng vốn tại các dự án để tập trung nguồn lực tài chính

Ngày 17/4/2021, CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) đã mua thành công 49% cổ phần dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc từ CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam. Ngay sau khi chuyển nhượng thành công, phía Trungnam Group đã chuyển giao chức vụ Giám đốc Điện mặt trời Trung Nam cho ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Tổng Giám đốc ACIT.

Dự án nói trên có công suất 204 MW với tổng đầu tư 5.000 tỷ đồng. Dự án được vận hành từ tháng 7/2019 và được hưởng giá bán điện 9,35 cent/kWh trong 20 năm theo chính sách ưu đãi.

Thương vụ chuyển nhượng cổ phần tại nhà máy điện mặt trời 204 MW này diễn ra trong bối cảnh nhiều dự án điện mặt trời bị Tập đoàn EVN buộc phải cắt giảm công suất phát điện lên hệ thống điện quốc gia nhằm đảm bảo an toàn cho vận hành hệ thống điện.

Sau đó không lâu, vào tháng 5/2021, CTCP Điện gió Trung Nam tiếp tục thực hiện ký kết bán 35,1% cổ phần Nhà máy điện gió Trung Nam cho Công ty Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE - thuộc Tập đoàn Hitachi, một doanh nghiệp Nhật Bản). Hành động này diễn ra sau khoảng 1 tháng nhà máy được khánh thành.

Còn mới đây nhất, tờ Bloomberg cho biết Tập đoàn này đang làm việc với đơn vị tư vấn tài chính để bán từ 30% - 35% cổ phần danh mục đầu tư của mình, gồm chủ yếu là các dự án điện gió và điện mặt trời. Khối tài sản này có thể được định giá lên tới 1 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn tin từ tập đoàn này khẳng định, "mức định giá này không chính xác".

Lãnh đạo Trungnam Group từng chia sẻ, việc bán bớt cổ phần tại một số dự án cho những đối tác có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm một mặt sẽ giúp chính dự án phát triển mạnh hơn, mặt khác, giúp Trungnam Group có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư dự án mới.

Thực tế, không chỉ có Trungnam Group, nhiều chủ đầu tư khác đã phải rút lui khỏi các dự án năng lượng mặt trời. Theo các chuyên gia, do việc đầu tư các dự án cần lượng vốn lớn nên hầu như các chủ đầu tư phải đi vay (thông qua ngân hàng hoặc huy động trái phiếu) và một chi phí lãi vay nhất định. Vấn đề này sẽ gây áp lực nhiều hơn đối với những tập đoàn có loạt danh mục đầu tư dàn trải.

Trong bối cảnh các khoản tín dụng cho vay trung và dài hạn đang bị hạn chế do các ngân hàng phải đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn tài trợ cho vay trung và dài hạn xuống mức thấp hơn vào đầu tháng 10 tới đây,  buộc các nhà đầu tư phải cân đối dòng vốn bằng cách chuyển nhượng toàn bộ dự án hoặc thoái bớt cổ phần tại nhà máy điện dù mới đi vào hoạt động.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Hằng