|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc xuất khẩu giảm phát nhưng Mỹ không được hưởng lợi?

23:01 | 20/06/2024
Chia sẻ
Trong khi Mỹ và các đồng minh chỉ trích tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc và tăng thuế quan để đáp trả, một số nền kinh tế khác đang được hưởng lợi, đặc biệt là trên phương diện chống lạm phát.

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Kẻ được, người mất

Dữ liệu do Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào tuần trước cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này đã giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 5.

Đà giảm đã chững lại so với các tháng trước. Song, đây đã là tháng thứ 20 liên tiếp giá sản xuất tại Trung Quốc đi lùi so với cùng kỳ, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất kể từ giai đoạn năm 2012 - 2016.

Trong khi giảm phát giá sản xuất làm dấy lên lo ngại về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một số quốc gia khác lại đang hưởng lợi. Xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc đang tăng mạnh, nhưng giá xuất khẩu đã giảm khoảng 14% kể từ đầu năm 2023.

Tuy giá xuất khẩu giảm bào mòn biên lợi nhuận của các nhà sản xuất Trung Quốc và gây căng thẳng thương mại với Mỹ cùng một số nền kinh tế khác, chúng lại đang giúp ngân hàng trung ương ở một số thị trường mới nổi kiềm chế lạm phát.

Các nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất là những cái tên thực sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, đặc biệt là ở những hàng hoá có mối liên hệ mật thiết với thị trường bất động sản tại đất nước tỷ dân vì giá của các mặt hàng đó đang tụt mạnh nhất.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg, ông Steven Kamin, thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ và từng là một quan chức cấp cao tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed), cho hay: “Vấn đề thiểu phát giống như một con dao hai lưỡi”.

“Một mặt, các nước có thể hoan nghênh tác động thiểu phát [từ tình trạng giảm phát của Trung Quốc] vì bản thân họ đang cố gắng khống chế lạm phát. Mặt khác, việc hàng hoá Trung Quốc xuất hiện tại nhiều thị trường có thể dẫn đến rất nhiều tranh cãi chính trị”, ông Kamin nói.

Giá sản xuất tại Trung Quốc đã giảm 20 tháng liên tiếp tính đến tháng 5.

Cơ cấu khách hàng của Trung Quốc

Hiệu ứng từ tình trạng giảm phát của Trung Quốc sẽ khó mà biến mất trong ngắn hạn. Trong bối cảnh nhu cầu nội địa suy yếu và thị trường bất động tiếp tục khủng hoảng, Bắc Kinh vẫn chưa tìm ra cách để thoát khỏi giảm phát.

Điều này buộc các nhà hoạch định chính sách phải phụ thuộc vào xuất khẩu để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay. Trong tháng 5, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 7,6% so với cùng kỳ, vượt kỳ vọng của các chuyên gia.

Theo dữ liệu mà Bloomberg tổng hợp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cơ cấu khách hàng của Trung Quốc đang dần thay đổi. Hàng hoá Trung Quốc đến các nền kinh tế phát triển chiếm khoảng 56% tổng xuất khẩu năm 2023, giảm từ mức 63% một thập kỷ trước. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ sụt từ 20% xuống còn khoảng 13%.

Kể từ đầu năm 2023, khi giá xuất khẩu của Trung Quốc sụt mạnh, giá nhập khẩu của Indonesia có xu hướng giảm nhiều hơn của Mỹ.

Trong một báo cáo hồi tháng 4, nhà kinh tế Tatiana Orlova của Oxford Economics cho biết “giá nhập khẩu và giá sản xuất của các thị trường mới nổi có mối tương quan với giá xuất khẩu của Trung Quốc”.

Vị chuyên gia cho biết Nga, Indonesia và Kazakhstan là ba trong những nước sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc.

dụ, ở Indonesia, các nhà nhập khẩu đang mua được máy móc với số lượng lớn và giá rẻ hơn. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với những doanh nghiệp Việt Nam thu mua sản phẩm kính của Trung Quốc.

Tại sao Mỹ, châu Âu không được hưởng lợi?

Trong khi các thị trường mới nổi nhận được lợi ích từ giá xuất khẩu thấp của Trung Quốc, lạm phát ở Mỹ và châu Âu vẫn còn cao, một phần vì quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế khổng lồ này với Bắc Kinh đang suy yếu.

Vào tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ bất ngờ đi ngang so với tháng liền trước khi giá xăng và một số mặt hàng khác đi xuống, giúp bù đắp chi phí thuê nhà cao hơn, theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ.

Tuy nhiên, CPI vẫn tăng 3,3% so với cùng kỳ, cho thấy lạm phát vẫn quá cao so với mức mục tiêu 2% của Fed. Đây cũng là một nguyên nhân khiến ngân hàng trung ương Mỹ trì hoãn kế hoạch giảm lãi suất.

 

Tại các nền kinh tế phát triển, chính phủ đang dựng lên những hàng rào thương mại chống lại Trung Quốc. Họ cho rằng Trung Quốc đang làm tràn ngập thị trường quốc tế với các sản phẩm giá rẻ được Bắc Kinh trợ cấp không công bằng.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tăng thuế quan lên mức hơn 100% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất. Bên cạnh đó, Washington cũng sẽ nâng thuế quan với pin lithium-ion từ 7,5% lên 25%, các khoáng sản quan trọng từ 0 lên 25%, pin mặt trời và chất bán dẫn từ 25% lên 50%.

Mức thuế với thép, nhôm và thiết bị bảo hộ lao động - dao động từ 0 đến 7,5% - sẽ tăng lên 25%.

Trước đó vào tháng 3, đối thủ của ông Biden là cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố nếu tái đắc cử, ông sẽ áp thuế quan từ 60% trở lên với tất cả hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chưa đầy một tháng sau động thái của chính quyền ông Biden, Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố tăng thuế lên đến 38,1% đối với xe điện Trung Quốc.

Yên Khê