Trần lãi suất huy động tương đương, lãi suất cho vay có thể giảm về mức như năm 2019, 2020?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cuối ngày 23/5 thông báo giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 5% một năm, ngoài ra điều chỉnh một số loại lãi suất điều hành. Quyết định giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 25/5.
Với đợt điều chỉnh mới nhất này, NHNN đã có lần thứ 3 giảm các mức lãi suất điều hành liên tiếp tính từ đầu năm nay.
Tín dụng tăng trưởng thấp, lãi suất cho vay không thể theo xu hướng giảm giống giai đoạn trước
Nhìn vào biểu đồ có thể thấy trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng đã về mức tương đương cuối năm 2019. Thời điểm đó lãi suất cho vay khoảng 9-11%/ năm ở kỳ hạn dài. Đến cuối năm 2020, sau ba lần giảm tiếp lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 0,6-0,8%/năm so với cuối năm 2019.
NHNN đã có ba lần giảm lãi suất điều hành từ đầu năm, trần lãi suất huy động cũng giảm về mức tương đương năm 2019, vậy liệu lãi suất cho vay giảm xuống mức thấp như những năm 2019, 2020?
Để trả lời câu hỏi này cần xem xét bối cảnh giai đoạn đó với giai đoạn hiện nay. Năm 2020-2021 được nhớ đến là thời kỳ tiền rẻ của Việt Nam khi lãi suất thấp và vay tiền dễ dàng. Giai đoạn đó, ngân hàng thừa tiền do dịch COVID-19, các hoạt động thương mại giữa các nước ngưng trệ, doanh nghiệp không có đơn hàng. Trần lãi suất huy động giảm xuống mức thấp 4%.
Hồi đầu tháng 10/2020, mức lãi suất vay mượn qua đêm giữa các ngân hàng về gần 0%, mức thấp nhất lịch sử. Lãi suất cho khoản tiền gửi tại quầy dưới 1 tỷ của ngân hàng quốc doanh chỉ dao động 3-5,6%, còn tại khối ngân hàng tư nhân, lãi suất dao động từ 2,35 đến 6,95%.
Tong khi đó bối cảnh hiện tại rất khác, khi tín dụng tăng trưởng thấp thì việc giảm lãi suất cho vay cũng không theo xu hướng giống giai đoạn trước.
Tại hội thảo hồi đầu tháng 4, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp đại học Fulbright cũng nhận định thời kỳ tiền rẻ đã qua và chúng ta buộc phải sống trong mặt bằng lãi suất cao hơn. Đừng mong đợi lãi suất sẽ quay lại mức thấp như thời kỳ 2020-2021.
Chi phí vốn của ngân hàng vẫn cao, dự báo cuối quý III mặt bằng lãi suất mới giảm
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng của các ngân hàng vào thời điểm trước khi NHNN tăng lãi suất ở mức trung bình 3-3,5%. Hiện lãi suất kỳ hạn này của các ngân hàng có giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Với lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng, nhóm NHTM cổ phần Nhà nước có giảm, các nhóm ngân hàng khác vẫn ở mức cao khoảng 7%.
Ở kỳ hạn 12 tháng, trước khi NHNN tăng lãi suất, lãi suất huy động kỳ hạn này trung bình khoảng 6%, đến thời điểm hiện tại khá cao, có lúc đỉnh điểm 9%.
Theo ông Minh Tuấn, thời điểm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ở mức đỉnh, các ngân hàng không biết môi trường lãi suất sắp tới sẽ như thế nào, họ sẽ có sự cạnh tranh lớn thu hút dòng tiền chi phí cao, kỳ hạn dài để đảm bảo thanh khoản và dành hoạt động cho vay. Ông cũng nhận định hiện nay chi phí vốn của các ngân hàng vẫn còn cao.
Ông nhắc lại chính sách tiền tệ luôn có độ trễ. Khi NHNN tăng lãi suất vào tháng 10 năm ngoái, mất khoảng 6 tháng tác động đến nền kinh tế. Như vậy, với những chính sách được đưa ra từ tháng 3 đến tháng 5, dự báo khoảng cuối quý III mặt bằng lãi suất mới giảm rõ rệt.
Trong báo cáo vừa công bố, Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) cho biết có những lo ngại rằng lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao, làm giảm hiệu quả của việc hạ lãi suất điều hành. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú mới đây cho biết, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng nhìn chung đã giảm 1,0%-1,2% nhưng lãi suất cho vay chỉ giảm 0,5%-0,65%.
Tuy nhiên, các chuyên gia tại đây vẫn kỳ vọng chi phí đi vay của nền kinh tế sẽ giảm nhanh hơn trong thời gian tới do nhiều yếu tố.
Thứ nhất, các chính sách cần thời gian 3-6 tháng để bắt đầu có hiệu lực lên nền kinh tế. Ngoài ra, các ngân hàng sẽ có nhiều dư địa hơn để giảm lãi suất cho vay khi huy động vốn lãi suất cao (6 tháng trước) sẽ sớm được tái tục với chi phí huy động mới thấp hơn.
Về mặt pháp lý, các nhà hoạch định chính sách vẫn có nhiều công cụ hơn như Nghị định 08 yêu cầu các ngân hàng phải có ý kiến kiểm toán về việc họ có sử dụng tiền thu được từ phát hành trái phiếu đúng mục đích hay không, và quy định về nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho mục đích trung hạn và cho vay dài hạn (tỷ lệ SML) đã giảm hạn giảm về 30% từ mức 34% trong tháng 9/2023) nhằm hạ thấp rào cản huy động vốn cho các ngân hàng thương mại để họ có thể giảm lãi suất cho vay nhiều hơn.
Trước đó, hồi tháng 4, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo cuối quý II đầu quý III, mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng sẽ duy trì quanh ngưỡng 7%, và lãi suất cho vay bình quân sẽ giảm xuống 10%.
Việc giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (từ 1 đến dưới 6 tháng) chưa thể tác động ngay đến lãi suất cho vay bởi kỳ hạn huy động từ 6 tháng trở lên mới là quan trọng với nguồn vốn của các ngân hàng.
Về phía doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Phúc Sinh Group Phan Minh Thông cho biết lãi suất cho vay nhiều ngân hàng vẫn trên 10%/năm. Với lãi suất này, doanh nghiệp không có lãi, chưa kể đến điều kiện vay vốn của ngân hàng rất khắt khe. Các doanh nghiệp đều mong lãi suất tiền đồng sẽ giảm nhanh về còn khoảng 7%/năm và riêng lãi suất USD về 3 - 4%/năm như trước đây.