|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tồn kho của doanh nghiệp xăng dầu ra sao trước khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bảo dưỡng từ ngày 25/8?

10:20 | 24/08/2023
Chia sẻ
Để bù đắp cho nguồn cung từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong giai đoạn bảo dưỡng, các doanh nghiệp đầu mối đã tăng nhập khẩu xăng dầu, giá trị hàng tồn kho đến cuối quý II của các công ty như Petrolimex, PV OIL, dầu khí Nam Sông Hậu đều tăng so với cuối quý I.

Tồn kho của phần lớn doanh nghiệp đến cuối quý II đều tăng

Ngày 25/8, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nơi cung cấp khoảng 35% xăng dầu cho cả nước sẽ tạm dừng hoạt động và bước vào đợt bảo dưỡng tổng thể kéo dài 55 ngày. Nhiều người quan tâm rằng các doanh nghiệp phân phối xăng dầu đã chuẩn bị nguồn hàng ra sao khi nhà máy Nghi Sơn tạm dừng cung cấp.

Thống kê giá trị hàng tồn kho đến cuối quý II của một số doanh nghiệp cho thấy hầu hết doanh nghiệp đều tăng nhẹ so với quý I.

 

Báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex; Mã: PLX) cho thấy tính đến ngày 30/6/2023, giá trị hàng tồn kho của tập đoàn đã tăng 5,2% so với cuối quý I lên 15.337 tỷ đồng, chiếm 19% tổng tài sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, con số này đã giảm tới 11% so với mức 17.232 tỷ đồng hồi đầu năm.

Trong cơ cấu hàng tồn kho, hàng hóa và hàng hóa đang đi trên đường chiếm khoảng 91%, tương đương 14.069 tỷ đồng. Còn lại là tồn kho nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ, chi phí dở dang, hàng gửi bán… Ngoài ra, Petrolimex cũng đã trích dự phòng giảm giá 79 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 66 tỷ đồng vào cuối quý I và 69 tỷ đồng đầu kỳ.

Tương tự, Tổng công ty dầu Việt Nam (PV OIL; Mã: OIL) cũng báo cáo tồn kho đến hết quý II ở mức 3.753 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối quý I và tăng 28% so với đầu kỳ, chiếm hơn 12% tổng tài sản của doanh nghiệp này. Quý này, PV OIL đã tăng trích lập dự phòng giảm giá lên gần 7 tỷ đồng trong khi cuối quý I doanh nghiệp này chỉ trích gần 0,6 tỷ đồng cho hạng mục này.

Trong số các doanh nghiệp xăng dầu, CTCP Thương mại đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (Mã: NSH) nổi bật khi 48% tổng tài sản của công ty này là hàng tồn kho. Tính đến ngày 30/6/2023, giá trị hàng tồn kho của dầu khí Nam Sông Hậu ở mức 5.164 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối quý I và tăng 8% so với đầu kỳ.

Trong cơ cấu hàng tồn kho, hàng hóa chiếm khoảng 57%, thành phẩm chiếm 35%, còn lại là nguyên vật liệu, dụng cụ, chi phí sản xuất dang dở… Doanh nghiệp này không thực hiện trích lập giảm giá hàng tồn kho trong các quý gần đây.

Vòng quay tồn kho của Petrolimex và PV OIL nhanh hơn

Vòng quay hàng tồn kho của một số doanh nghiệp xăng dầu trrong quý II cũng nhanh hơn.

 

Biểu đồ cho thấy sau khi thị trường xăng dầu biến động mạnh vào quý II, III/2022, Petrolimex luôn duy trì tốc độ vòng quay tồn kho sản phẩm xăng dầu ở mức 4-4,6 lần từ quý IV/2022 đến nay.

Số ngày tồn kho trong quý II năm nay tương đối ổn định so với quý I với 22 ngày, hay nói cách khác Petrolimex cần 22 ngày để luân chuyển được một vòng hàng tồn kho.

 

Tương tự, vòng quay tồn kho của PV OIL từ quý IV/2022 đến nay duy trì ở mức cao, khoảng 6-7,3 lần. Số ngày tồn kho trong quý II ở mức 15 ngày.

 

Xét theo bảng thống kê hàng tồn kho theo quý, giai đoạn 2021 đến nay, điểm chung của hai công ty là số ngày tồn kho đều ở mức cao nhất vào quý III/2021, Petrolimex với 33 ngày, PV OIL khoảng 21 ngày. Đây là giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nước ta thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu đi lại ít, do vậy hàng hóa sẽ phải nằm trong kho lâu hơn bình thường.

Hay trong quý IV/2022, số vòng quay của hai doanh nghiệp đều đạt mức cao nhất so với 7 quý trước đó, Petrolimex 4,6 lần, còn PV OIL 7,3 lần. Đây cũng là giai đoạn thị trường xăng dầu trong nước có nhiều xáo trộn, hàng loạt cửa hàng tạm đóng cửa hoặc buôn bán cầm chừng, chỉ bán xăng hoặc dầu do chi phí kinh doanh cao, lợi nhuận giảm, doanh nghiệp thua lỗ và không có khả năng nhập thêm hàng.

Sau khi Bộ Tài chính nâng một số chi phí kinh doanh, thị trường xăng dầu từ đầu năm 2023 đến nay ổn định hơn cả về nguồn cung và giá cả, đặt trong bối cảnh giá dầu thế giới hạ nhiệt, không còn căng thẳng như giai đoạn xung đột Nga – Ukraine mới xảy ra.

 (Nguồn: Bộ Công Thương, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Doanh nghiệp tăng nhập khẩu xăng dầu, bù đắp cho thiếu hụt từ nhà máy Nghi Sơn

Không chỉ hai công ty Petrolimex và PV OIL, các doanh nghiệp đầu mối khác cũng đang tăng cường nhập khẩu theo hạn ngạch được Bộ Công Thương giao, đảm bảo nguồn cung cho thị trường cuối năm.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy Việt Nam nhập khẩu hơn 922.385 m3 xăng dầu, tương đương 725 triệu USD, tăng 42% về lượng nhưng giảm 1,5% về giá trị. So với tháng 7/2022. Giá xăng dầu nhập khẩu trong tháng 7 ở mức 709 USD/m3, giảm 30% so với tháng 7/2022.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 6,1 triệu m3 xăng dầu, tương đương gần 4,9 tỷ USD, tăng 13% về lượng và giảm 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân 7 tháng đầu năm, giá xăng dầu nhập khẩu ở mức 798 USD/tấn, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022.

(Nguồn: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Phạm Mơ) 

Tại Đại hội Đồng cổ đông năm 2023, ông Đào Nam Hải, Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết áp lực nguồn cung xăng dầu năm 2023 đã hạ nhiệt, mức độ căng thẳng đã giảm bớt, nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro, phụ thuộc vào mức độ phục hồi các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, hoặc cuộc chiến sự Nga - Ukraine.

Năm nay, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ ngưng hoạt động để bảo dưỡng trong 55 ngày kể từ ngày 25/8. Do đó, nguồn hàng thay thế của Petrolimex sẽ đến từ việc nhập khẩu từ các nước ASEAN, và khu vực lân cận với giá cả cạnh tranh và tối ưu nhất chi phí.

“Quý III, áp lực nguồn cung xăng dầu sẽ không căng thẳng như cùng kỳ 2022. Petrolimex sẽ đảm bảo được nguồn phân phối xăng dầu cho quốc gia”, ông Đào Nam Hải nói.

Trao đổi với người viết vào cuối tháng 6, khi kế hoạch bảo dưỡng tổng thể của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vừa được công bố, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đánh giá nguồn cung xăng dầu sẽ cơ bản ổn định vì giai đoạn căng thẳng nhất (2022) đã qua, giá dầu hiện tại đã về ngưỡng bình thường.

Mặt khác, các doanh nghiệp đầu mối cũng đã tăng cường nhập khẩu xăng dầu, bù đắp nguồn cung cho các nhà máy lọc dầu trong giai đoạn bảo dưỡng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phạm Mơ

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.