Toàn cảnh Khu đô thị Thủ Thiêm sau hơn hai thập kỉ quy hoạch
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố Kết luận về Khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm (quận 2), trong đó chỉ ra loạt vi phạm, khuyết điểm của UBND TP HCM và các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch. Số tiền sai phạm lên đến hàng chục tỉ đồng.
Nằm trên bán đảo Thủ Thiêm, đối diện với "đất vàng" quận 1, KĐT Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 1996 với quy mô 930 ha, trong đó KĐT mới 770 ha, Khu tái định cư 160 ha, dân số khoảng 200.000 người, khu tái định cư khoảng 45.000 người. Đây được xác định sẽ là trung tâm kinh tế - tài chính mới của TP HCM trong tương lai. (Ảnh: News Zing)
Thời điểm năm 2014, bán đảo Thủ Thiêm mới được giải phóng mặt bằng và hầu như chưa có nhiều dự án mới. Trong khi tại quận 1 và quận Bình Thạnh, cao ốc đã mọc lên chen chúc, thì ở phía đối diện, bán đảo Thủ Thiêm gần như vẫn là những bãi đất trống hoặc vùng đầm lầy, cây dại. Những dự án khi đó thường nằm rải rác dọc theo đại lộ Mai Chí Thọ, đường Lương Định Của, Trần Não, Nguyễn Thị Định và khu vực Thảo Điền. (Ảnh tư liệu: Lê Giang chụp năm 2014).
Đại lộ Mai Chí Thọ là tuyến đường "xương sống" của KĐT mới Thủ Thiêm, bắt đầu từ hầm vượt sông Sài Gòn đến xa lộ Hà Nội. Đại lộ này kết nối cả khu vực phía Đông của TP HCM vào trung tâm quận 1 (qua hầm vượt sông Sài Gòn). Nhìn chung, hệ thống giao thông kết nối với Thủ Thiêm gồm cầu Thủ Thiêm (quận Bình Thạnh nối quận 2), hầm vượt sông Sài Gòn (quận 1 nối quận 2), xa lộ Hà Nội (nối cầu Sài Gòn và cầu Rạch Chiếc), cầu Phú Mỹ (quận 7 nối quận 2).
KĐT mới Thủ Thiêm được chia làm 5 khu vực chính gồm: khu vực "lõi trung tâm"; khu dân cư phía Bắc; khu dân cư dọc đại lộ Mai Chí Thọ; khu dân cư phía Đông và khu châu thổ phía Nam. CTCP Đại Quang Minh được TP HCM giao xây dựng 4 tuyến đường nội bộ chính: Đại lộ vòng cung (tuyến R1 dài 3,4 km); đường ven hồ trung tâm (tuyến R2 dài 3 km); đường ven sông Sài Gòn (tuyến R3 dài 3 km); đường vùng châu thổ, đường châu thổ, đường ven sông - khu dân cư (tuyến R4 dài 2,5 km), tổng chiều dài 11,9 km, bao gồm 10 cây cầu, tổng mức đầu tư 12.182 tỉ đồng.
Sau khi thực hiện dự án 4 tuyến đường chính theo hình thức Hợp đồng BT, công ty Đại Quang Minh được giao 79 ha đất trong KĐT mới Thủ Thiêm (thuộc phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông) để đầu tư xây dựng KĐT Sala. Công ty này cũng được giao thêm 26 ha đất để làm dự án sau khi thực hiện Hợp đồng BT xây cầu Thủ Thiêm 2.
Tại bán đảo Thủ Thiêm hiện nay, một trong những công trình quan trọng đã cơ bản thành hình là dự án Trung tâm Triển lãm quy hoạch TP HCM do UBND TP HCM làm chủ đầu tư. Công trình khởi công xây dựng từ tháng 11/2014, ban đầu dự kiến sẽ bàn giao vào quý II/2017, tuy nhiên đến nay vẫn đang thi công dang dở, xung quanh cỏ mọc um tùm.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 30 triệu USD, diện tích khu đất khoảng 5.993 m2, tổng diện tích sàn xây dựng (bao gồm tầng hầm, mái) là 18.276 m2, cao khoảng 30 m, tương ứng với 5 tầng.
Theo quy hoạch, bên cạnh là khu đất dự kiến xây Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại Thủ Thiêm, tuy nhiên đến nay công trình này vẫn chưa có dấu hiệu khởi công. Gần đó, người dân tận dụng dải đất bỏ trống để mở hàng nước la liệt ven sông.
Ở đoạn ven sông khác, nhiều khu nhà hàng sang trọng phục vụ cầu tàu cho khách có du thuyền đã đi vào hoạt động. Ngay phía sau khu nhà hàng này chính là khu tái định cư Bình Khánh - diện tích quy hoạch hơn 38 ha với 6.220 căn hộ. Mặc dù nằm ở vị trí đắc địa cạnh đại lộ Mai Chí Thọ, nhưng khu tái định cư Bình Khánh đến nay vẫn rất vắng người ở dù hạ tầng đã gần như hoàn thiện. TP HCM đề xuất chuyển đổi 1.330 căn hộ do liên danh đầu tư CTCP địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Công ty TNHH xây dựng thương mại Thuận Việt - CTCP sản xuất thương mại Thành Thành Công thực hiện sang nhà ở thương mại.
Sau hơn chục năm thực hiện việc giải tỏa, vẫn có số ít người dân Thủ Thiêm gắng bám trụ lại, sống trong căn nhà chắp vá, thiếu thốn... Kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ không hề nhắc đến khiếu nại của người dân Thủ Thiêm.