Thị trường cá tra hồi sinh, loạt doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận tăng bằng lần
Thị trường cá tra hồi sinh
Ngay từ những tháng đầu năm, ngành cá tra Việt Nam đã hồi sinh mạnh mẽ sau 3 năm ảm đạm, đặc biệt năm 2021 khi chịu tác động dịch COVID-19. Hiện tại, giá cá tra nguyên liệu đã tăng tới 25% so với cuối năm ngoái chạm mốc kỷ lục khoảng 32.000 đồng/kg.
Có nơi thậm chí giá cao hơn. Nguyên nhân của đợt tăng giá vừa qua xuất phát từ việc thiếu hụt nguồn cung.
Năm 2021, dưới tác động của dịch COVID-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng nhiều hộ đã không thể thả nuôi theo đúng kế hoạch cho năm nay. Các ao cá chỉ duy trì, hạn chế cho ăn và đâu dám thả nuôi thêm. Điều này dẫn tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngay từ năm.
Hơn nữa, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nuôi trồng cá tra; giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây (trong đó giá dầu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020) ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) dự báo việc thiếu hụt nguyên liệu có thể kéo dài đến hết quý II năm nay.
Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu tăng càng là yếu tố hỗ trợ mạnh đối với giá cá tra nguyên liệu.
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU, tính hết quý I, xuất khẩu cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, cá tra đang lấy lại vị thế trong cơ cấu sản phẩm thuỷ sản xuất, hiện chiếm 27% giá trị xuất khẩu thuỷ sản, theo số liệu VASEP.
Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang một số thị trường hàng đầu tăng trưởng tới ba con số.
Điển hình như thị trường Mỹ khi tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong 2 tháng đầu năm đạt 94,6 triệu USD, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiên, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra số 1 của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhu cầu tiêu thụ tăng, nhiều doanh nghiệp tận dụng cơ hội không bị áp thuế chống bán phá giá nên đã đẩy mạnh việc bán hàng sang thị trường này.
Ngoài ra, tiêu thụ cá tra ở Trung Quốc - Hồng Kông vẫn tăng trưởng 240% trong 2 tháng đầu năm lên 86 triệu USD mặc dù bị kiểm soát chặt.
Tại châu Âu, sau ít nhất 2 năm liên tiếp, xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm sút, số lượng doanh nghiệp Việt Nam rút khỏi thị trường này cũng gia tăng. Tuy nhiên trong năm nay, đã có dấu hiệu doanh nghiệp quay trở lại thị trường này.
VASEP nhận định thị trường cá tra đang phục hồi sau 3 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Dự báo quý II năm nay xuất khẩu cá tra tăng trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong một báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, giá nguyên liệu đầu vào cho các loại thủy sản sẽ duy trì ở mức cao trong ít nhất nửa đầu năm 2022 do chi phí năng lượng, thức ăn chăn nuôi, nhân công và vận chuyển hàng hóa tăng mạnh. Đồng thời, nguồn cung cũng bị thiếu hụt do nhiều hộ nghỉ nuôi vì lỗ liên tục, đứt vốn.
Doanh nghiệp đặt mục tiêu kết quả kinh doanh tăng bằng lần
Với những triển vọng sáng của ngành, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tỏ ra lạc quan hơn về kết quả kinh doanh trong năm nay khi đồng loạt nâng mục tiêu doanh thu, lợi nhuận.
Điển hình như doanh nghiệp đầu ngành là Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng, tương ứng tăng 43,5% và tăng 35,6% so với năm 2021.
Nếu đạt được thì đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi hoạt động của công ty. Giá nguyên liệu cao dẫn đến giá xuất khẩu cao. Tuy nhiên, đối với Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi lớn từ biên lợi nhuận gộp mở rộng do có thể tự cung cấp được nguyên liệu.
Trả lời trang UnderCurrentnews, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, cho biết hiện công suất của các nhà máy đã quay trở lại mức bình thường sau khi giảm mạnh trong năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đồng thời, hiện tại không có bất kỳ rủi ro nào khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn bởi tỷ lệ phủ vắc xin ở Việt Nam nói chung và các nhà máy nói riêng đều cao.
Tuy nhiên, bà Tâm tỏ ra lo ngại trước tình hình thiếu nguyên liệu và giá có thể tăng từ nay đến cuối năm 2022.
“Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ năm ngoái kéo dài đến năm nay. Điều này càng đẩy chi phí nuôi cá tăng cao. Từ nay đến cuối năm, giá cá tra sẽ ngày càng cao”, bà Tâm nói.
Trong bối cảnh thiếu nguồn cung như hiện nay, việc doanh nghiệp sở hữu lượng lớn hàng tồn kho được xem là một lợi thế.
Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia cho biết công ty đã ký đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II năm nay. Đồng thời, đơn vị cũng đã chuẩn bị kho hàng dự trữ lên đến 1.400 tỷ đồng cá tra giá rẻ (17.000 – 18.000 đồng/kg) cho đợt nhu cầu thị trường phục hồi này, đặc biệt là Mexico và Brazil – nơi I.D.I chiếm thị phần lớn.
Ông Tuấn thông tin thêm nhu cầu tiêu dùng phục hồi mạnh ở các thị trường chính đẩy doanh nghiệp vào tình huống sản xuất không kịp trả đơn hàng. Doanh nghiệp phải tính toán tăng công suất hoạt động để đáp ứng các đơn hàng tăng mạnh trong năm nay.
Năm nay, I.D.I đặt kế hoạch doanh thu thuần 8.300 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 900 tỷ đồng, tăng gấp 6,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, năm nay IDI xây dựng thêm nhà máy chế biến thứ 3 với công suất 500 tấn/ngày nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường đang ở mức cao. Hiện hai nhà máy còn lại (300 tấn/ngày và 150 tấn/ngày) đều đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng được hết nhu cầu của khách hàng.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chịu tác động nặng nề từ dịch COVID-19 năm ngoái khiến kết quả kinh doanh không được như kế hoạch thì năm nay cũng kỳ vọng lợi nhuận tăng nhiều lần.
Điển hình như Công ty CP XNK Thuỷ sản Cửu Long An Giang mới đây trình cổ đông kế hoạch doanh thu thuần dự kiến đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 20% và lãi trước thuế đạt 200 tỷ đồng, gấp 4 lần năm trước.
Năm ngoái doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của công ty chỉ đạt lần lượt 86% và 60% so với kế hoạch do dịch COVID-19 tấn công vào từng nhà máy khiến hoạt động nuôi trồng, vận chuyển và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Năm nay công ty dự định tập trung nguồn lực vào nuôi trồng, chế biến cá tra xuất khẩu và không đầu tư ngoài ngành. Đồng thời công ty tăng cường về chiều sâu các mặt trong hoạt động kinh doanh, đa dạng hoá sản phẩm từ con cá tra với mục tiêu đưa cá tra trở nên quen thuộc với nhiều thị trường hơn nữa.
Với Nam Việt, mặc dù công ty chưa công bố kế hoạch kinh doanh năm nay nhưng một số công ty chứng khoán đưa ra những dự đoán tích cực về doanh thu và lợi nhuận.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Nam Việt đạt 6.131 tỷ đồng và 470 tỷ đồng tăng 76% và gấp 3 lần so với năm 2021.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Everest (EVS) dự phóng doanh thu 2022 của Nam Việt có thể đạt 5.300 tỷ đồng ( tăng 49% so với năm 2021), lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng (gấp 4 lần so với năm ngoái).
Cẩn trọng sai lầm cũ lặp lại
Năm 2018, khi giá cá tra tăng kỷ lục, người dân đổ xô nuôi vòng luẩn quẩn dư cung - thiếu cầu lại bắt đầu. Giá cá tra lao dốc từ hơn 30.000 đồng/kg xuống còn 19.000 đồng ngay sau đó một năm.
Năm nay nguồn cung thiếu hụt, giá cá tra lại được đẩy lên và VASEP tiếp tục lên tiếng cảnh báo về kế hoạch thả nuôi hợp lý đảm bảo việc cân đối cung - cầu.
Trao đổi với trang Vietnamplus, đại diện một doanh nghiệp trong ngành cho biết trong những năm gần đây, khi thấy giá tăng, có lợi nhuận thì nông dân ồ ạt thả nuôi nhưng đến khi cá lớn thì giá lại giảm rất thấp vì cung vượt cầu, dẫn đến thua lỗ.
Vị này cảnh báo có thể có hiện tượng một số doanh nghiệp thấy tình trạng khan hiếm cá tra nên đã nâng giá thu mua lên nhằm kích thích để người nông dân đẩy mạnh nuôi với mục đích hưởng lợi.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cũng cảnh báo người dân không nên tùy tiện mở rộng quy mô, diện tích ao nuôi để tránh xảy ra tình trạng mất cân đối cung – cầu, dư thừa sản phẩm và tiêu thụ khó khăn như trước đây.