Tổng Giám đốc Techcombank lý giải về mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn, tiết lộ con số đầu tư nửa tỷ USD vào công nghệ
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) sau đại hội đồng cổ đông về các mục tiêu và kế hoạch của ngân hàng trong thời gian tới.
- Techcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế hơn 27.000 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 16% so với năm trước. Tại sao trong các năm gần đây ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao nhưng con số kế hoạch năm 2022 lại ở mức khiêm tốn như vậy nhất là trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi sau đại dịch?
Tổng Giám đốc Jens Lottner: Trước đây tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Techcombank từ năm 2017 trở lại đây là khoảng 50% mỗi năm từ hơn 8.000 tỷ đồng (năm 2017) lên hơn 23.000 tỷ đồng (năm 2021). Tuy nhiên, khi ở một mức nền thấp thì việc tăng trưởng mạnh trong thời gian tiếp theo là việc dễ dàng hơn rất nhiều khi so sánh với hiện tại.
Càng ngày tốc độ tăng trưởng sẽ không còn được như trước khi con số lợi nhuận trước thuế đã trở nên lớn. Với mức lợi nhuận trước thuế đủ lớn rồi thì việc tăng 40 -50% mỗi năm sẽ càng khó.
Về mục tiêu lãi trước thuế hơn 27.000 tỷ đồng trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái được Techcombank đặt ra dựa trên những thông số kế hoạch cơ sở. Tôi cũng không dám khẳng định gì ở đây bởi vì còn nhiều yếu tố chưa chắc chắn và không do Techcombank quyết định như hạn mức tín dụng và các ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine,... do đó, chúng tôi cũng không đưa ra con số quá cao.
- Hiện nay, Techcombank đặt mục tiêu vốn hoá thị trường đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, đây là một tham vọng không dễ dàng và theo ông để biến điều đó thành hiện thực thì Techcombank sẽ phải làm những gì?
Tổng Giám đốc Jens Lottner: Theo tính toán sơ bộ của tôi, nếu nhìn vào lộ trình phát triển của Techcombank, vào dòng thu nhập của ngân hàng cũng như tiềm năng tăng doanh số trong thời gian tới thì cuối năm 2025, ngân hàng sẽ có vốn chủ sở hữu là 8 tỷ USD và mức vốn hoá khoảng 20 tỷ USD, lợi nhuận trước thuế khoảng 2 tỷ USD.
Hiện nay, thu nhập trước thuế của Techcombank đạt khoảng 1 tỷ USD trước thuế, nếu duy trì đà tăng trưởng hiện tại thì cuối năm 2025 sẽ đạt 2 tỷ USD. Tất nhiên, Techcombank không lớn mạnh một mình mà còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế nói chung.
Nếu so sánh với các ngân hàng lớn trong khu vực thì PB của họ ở mức 4 -5 lần trong khi PB của Techcombank mới chỉ ở mức 2,5 lần. Techcombank sẽ không thể làm thay cho thị trường trong việc đánh giá cổ phiếu nhưng chúng tôi sẽ làm tốt nhất những gì có thể kiểm soát được.
Trên thực tế, Techcombank có chiến lược phát triển theo lộ trình 5 năm 2021 - 2025 và những gì mà chúng tôi mong muốn đạt được trong năm 2022 thì đã làm được trong năm 2021, có nghĩa là chúng tôi đã đi nhanh hơn so với kế hoạch.
Ở thị trường Việt Nam cũng như trong khu vực đã có những ngân hàng đã đạt được con số vốn hoá 20 tỷ USD thì tôi tin rằng Techcombank cũng sẽ làm được.
- Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thông báo hạn mức tín dụng cấp cho năm 2022 tuỳ thuộc vào tình hình hoạt động của các ngân hàng. Techcombank kỳ vọng đạt được mức room tín dụng là bao nhiêu trong năm nay?
Tổng Giám đốc Jens Lottner: Ngân hàng Nhà nước sẽ dựa trên nhiều yếu tố, tiêu chí để đưa ra hạn mức tín dụng chung cho toàn ngành và cấp hạn mức riêng cho từng ngân hàng. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định rằng nhu cầu tín dụng trên thị trường đang rất cao và hiện tại một số ngân hàng thương mại đã sử dụng hết room của mình, một số khác vẫn còn một phần.
Khi nền kinh tế của chúng ta quay trở lại phục hồi sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhu cầu vốn để phát triển kinh tế là hiện hữu. Techcombank cũng như các ngân hàng khác cũng luôn muốn hỗ trợ khách hàng một cách tốt nhất dựa trên những nguyên tắc quản trị rủi ro, hiệu quả tín dụng.
Tôi nghĩ hạn mức tín dụng chung của toàn ngành sẽ có xu hướng tăng lên. Nếu như NHNN quyết định nới room thì Techcombank sẽ không bỏ lỡ cơ hội này.
- Là ngân hàng đầu tiên thực hiện Data lake (kho dữ liệu), Techcombank đã triển khai nó như thế nào và tác động của Data lake đối với hiệu quả hoạt động của ngân hàng như thế nào cũng như có lợi gì cho khách hàng?
Tổng Giám đốc Jens Lottner: Data lake hay là kho dữ liệu có những ý nghĩa riêng mà không phải ai cũng hiểu hết về nó. Trước đây dữ liệu khách hàng của Techcombank nằm rải rác ở những nơi khác nhau và giờ chúng tôi tập hợp chúng lại thành một nơi gọi là kho dữ liệu để quản lý tập trung.
Cơ sở dữ liệu này khá lớn nên chúng tôi đã chuyển dữ liệu này lên Cloud (công nghệ điện toán đám mây) để có thể kiểm soát tốt hơn và có thể giúp cho việc tiếp tục cập nhật khối lượng lớn vào kho dữ liệu. Bước tiếp theo, chúng tôi sẽ nhận diện dữ liệu đã đưa lên.
Hiện khoảng 60 - 70% dữ liệu của Techcombank đã nằm trong Data lake và chúng tôi đang cố gắng tận dụng tối đa những dữ liệu hiện có đồng thời xây dựng hạ tầng về phân tích dữ liệu.
Bước thứ ba, sau khi phân tích dữ liệu chúng tôi sẽ đưa ra các quyết định liên quan đến các dữ liệu đó, ví dụ như cung cấp cho các nhân viên quan hệ khách hàng để họ có được thông tin.
Khi dữ liệu được chuyển lên Cloud thì chắc chắc chúng tôi sẽ có một bức tranh tổng thể, toàn diện về khách hàng và phản ứng nhanh hơn, hiệu quả hơn trước yêu cầu của khách hàng.
- Ngân hàng số của Techcombank khác với các ngân hàng khác như thế nào và Techcombank sẽ tập trung như thế nào về việc số hoá?
Tổng Giám đốc Jens Lottner: Techcombank đang đầu tư rất nhiều để nâng cao công nghệ. Ứng dụng Mobile Banking mà chúng tôi đưa ra sẽ có những tính năng mới được bổ sung bên cạnh những tính năng cơ bản. Có thể hình dung rằng chúng tôi sẽ cần thu thập rất nhiều thông tin, phân tích những dữ liệu, hành vi để hiểu rõ hơn khách hàng và đáp ứng những nhu cầu của họ.
Thực sự không dễ dàng để nói về sự khác biệt giữa các ứng dụng của Techcombank và những ngân hàng khác. Chúng tôi không chỉ muốn làm một app đơn thuần chỉ cung cấp một dịch vụ mà còn muốn đưa nhiều sản phẩm lên app của mình. App của chúng tôi sẽ có tính tương tác cao và khiến cho khách hàng cảm thấy như đang trao đổi với một người rất hiểu mình chứ không phải chỉ là một robot thông thường.
Khi xây dựng được tương tác thường xuyên thì chúng ta sẽ hiểu nhau hơn và từ đó mang lại nhiều giá trị cho khách hàng. Ví dụ như Google, khi mọi người càng sử dụng thì chúng ta sẽ càng có được nhiều thông tin và những vòng lặp tìm kiếm như vậy sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho mọi người trong khi tìm kiếm thông tin.
Chúng tôi cũng sẽ tích hợp thông tin từ nhiều kênh khác nhau và muốn đem lại những trải nghiệm xuyên suốt không gián đoạn ở các kênh tương tác khác nhau. Khi một khách hàng đến với chi nhánh họ sẽ không phải khai báo lại thông tin cá nhân mà tất cả đã có trên app rồi.
Tôi cũng không rõ các ngân hàng khác đang làm như thế nào nhưng có rất nhiều ngân hàng trên thế giới đã và đang đẩy mạnh số hoá. Những ngân hàng đi sau phải mất 10 - 15 năm để đạt được trình độ số hoá của những người đi trước.
- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về mức đầu tư mà Techcombank dành cho mảng công nghệ trong năm nay được không?
Tổng Giám đốc Jens Lottner: Techcombank sẽ đầu tư khoảng 500 triệu USD vào công nghệ trong vòng 5 năm từ 2021- 2025. Hiện nay, chúng tôi đã đầu tư 15 - 20% trong số tổng đầu tư đó và sẽ tiếp tục tăng tốc đầu tư vào công nghệ trong các năm tới.
Cũng phải nói rằng việc đầu tư vào công nghệ những năm trước đây là hiện nay là rất khác nhau, trong khi trước đây người ta đầu tư nhiều vào các hệ thống thì hiện nay đầu tư nhiều vào phần mềm và sẽ coi nó là chi phí vận hành.
Con số đầu tư vào những năm đầu của Techcombank có thể chưa nhiều nhưng chắc chắn sẽ tăng tốc trong những năm tiếp theo. Vấn đề ở đây không phải Techcombank không có tiền hay không có quyết tâm đầu tư mà vấn đề là cần có nhân sự có đủ năng lực, kỹ năng để tiêu được số tiền đó bởi vì đầu tư phát triển các sản phẩm công nghệ là không dễ dàng.
- Techcombank là nhà băng có nhiều lãnh đạo người nước ngoài so với những ngân hàng khác tại Việt Nam. Theo ông, điều này sẽ tạo thách thức và khó khăn như thế nào đối với các nhà lãnh đạo trong việc hiểu về văn hoá Việt Nam?
Tổng Giám đốc Jens Lottner: Hiện có nhiều chuyên gia quốc tế đang làm việc tại Techcombank nhưng không phải là lý do "sính ngoại" mà ngân hàng muốn tuyển những chuyên gia có kinh nghiệm và kỹ năng mà thị trường lao động tại Việt Nam chưa đáp ứng được để thực hiện những chiến lược đầy tham vọng của mình.
Tại Techcombank, chúng tôi không phân biệt đối xử giữa người ngoại quốc hay bản xứ mà quan trọng là mức độ đóng góp, năng lực của mọi người như thế nào. Khi Techcombank tuyển dụng chuyên gia quốc tế thì chúng tôi cũng tuyển những người có tầm nhìn và có cam kết đồng hành lâu dài với ngân hàng.
Cùng với đó, các chuyên gia quốc tế của Techcombank đều có kinh nghiệm làm việc hàng chục năm tại các thị trường khu vực ASEAN và châu Á nên họ rất am hiểu thị trường châu Á cũng như các thông lệ của quốc tế.
Có thể nói rằng không phải chuyên gia nào cũng có thể hoà nhập lâu dài với một môi trường mới. Như bản thân tôi trước khi tôi trở thành CEO Techcombank tôi cũng có nhiều năm làm việc tại Thái Lan, Indonesia hay Malaysia. Tôi cũng đã chứng tỏ rằng mình có năng lực để hoà nhập với một nền văn hoá mới và tôi đang trong quá trình tìm hiểu và hoà nhập với môi trường làm việc tại Techcombank.
Xin cảm ơn ông!
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/