|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Techcombank trả 1.800 tỷ đồng cho Manulife sau khi chấm dứt hợp đồng

16:47 | 22/10/2024
Chia sẻ
Lãnh đạo Techcombank tiết lộ ngân hàng sẽ chi trả 1.800 tỷ đồng cho Manulife sau khi chấm dứt hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền. Chi phí này sẽ được ghi nhận trong quý IV.

Chi trả 1.800 tỷ đồng cho Manulife

Trong buổi gặp gỡ chuyên gia phân tích và cập nhật kết quả kinh doanh quý III/2024, ông Alexandre Macaire, Giám đốc Tài chính của Techcombank, tiết lộ rằng ngân hàng sẽ chi trả cho Manulife số tiền lên tới 1.800 tỷ đồng sau khi chấm dứt hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền. 

“Con số này dựa trên công thức đã được ghi trong điều khoản hợp đồng phân phối”, ông giải thích. CFO Techcombank cho biết thêm rằng khoản tiền này sẽ được ghi nhận vào chi phí hoạt động quý IV/2024 của ngân hàng.

Đầu tháng 10, Techcombank đã công bố rằng quan hệ đối tác bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) độc quyền giữa hai bên sẽ chính thức chấm dứt từ ngày 14/10. 

Ngoài ra, ông Macaire kỳ vọng sẽ có một khoảng thời gian “tương đối ngắn” mà Techcombank không ghi nhận được phí bảo hiểm khi các thỏa thuận phân phối tạm thời mới chưa được ký kết. Điều này có thể ảnh hưởng tới nguồn thu từ phí của Techcombank trong quý IV. 

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh những diễn biến này sẽ không tác động lớn tới ngân hàng và kỳ vọng Techcombank vẫn sẽ đạt được mục tiêu về lợi nhuận cả năm đã trình lên Đại hội đồng cổ đông. 

Techcombank dự kiến sẽ ghi nhận khoản bồi thường hợp đồng vào chi phí hoạt động (Operating expense) quý IV. (Ảnh: Techcombank).

Nguyên nhân khiến Techcombank dừng quan hệ đối tác, tự mở công ty bảo hiểm

CEO Techcombank Jens Lottner chia sẻ rằng trong thời gian gần đây, nhiều sự kiện đã làm lung lay niềm tin của thị trường. “Tuy nhiên, từ quan điểm của chúng tôi, những diễn biến này chỉ mang tính tạm thời và thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển”, ông nhấn mạnh. 

CEO Techcombank lấy ví dụ rằng tại Việt Nam, chỉ có khoảng dưới 10% người dân có bảo hiểm, trong khi ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, tỷ lệ này là khoảng 50 đến 60%. 

“Tiềm năng tăng trưởng rõ ràng là có. Và câu hỏi chỉ là Techcombank sẽ làm thế nào để hưởng lợi tốt nhất từ sự tăng trưởng này”, ông cho biết thêm. 

Ông Lottner thông tin rằng 10 năm qua, Techcombank đã có quan hệ đối tác hết sức thành công với Manulife. Tuy nhiên, gần đây, các quy định pháp lý về bảo hiểm đã thay đổi. Đồng thời, thị trường bảo hiểm cũng đã có những sự phát triển mới. 

“Cả hai bên đã ngồi lại, xem xét đến những thay đổi trên và lựa chọn rằng có lẽ nên đi theo hai con đường khác nhau", ông nói.

Thu từ bảo hiểm (banca) chiếm khoảng 7% thu nhập từ phí của Techcombank trong 3 quý đầu năm. (Ảnh: Techcombank).

Giải thích về quyết định trên, ông Lottner cho hay từ quan điểm của Techcombank, để có thể thành công trong lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng cần có sự tích hợp, liên kết chặt chẽ hơn nữa. 

“Chúng tôi cần phải cho khách hàng trải nghiệm tốt hơn nhiều khi giải quyết khiếu nại bồi thường (claim). Chúng tôi rất muốn tham gia sâu hơn vào quá trình ‘sản xuất’ sản phẩm bảo hiểm, chứ không chỉ là đại lý phân phối”, CEO Techcombank tiết lộ. 

Về lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, ông Lotter cho biết ngân hàng đang xem xét và có thể tìm kiếm quan hệ đối tác khác. Tuy nhiên, tất cả vẫn đang trong quá trình thảo luận. 

Với lĩnh vực phi nhân thọ, Techcombank đã nhượng quyền thương hiệu cho một nhà bảo hiểm để thành lập CTCP Bảo hiểm Phi nhân thọ Techcom (TechcomInsurance - TCGIns). Công ty bảo hiểm trên sẽ chính thức hoạt động vào tháng 11. Ngân hàng cho biết đã làm việc với nhà đầu tư, những đơn vị có kinh nghiệm nhằm tạo ra một trải nghiệm bancassurance tốt nhất. 

“Mục tiêu trở thành một người chơi dẫn đầu trong lĩnh vực bancassurance của Techcombank vẫn không hề thay đổi. Nhưng giờ đây chúng tôi tin rằng mình cần phải tham gia sâu hơn vào mô hình kinh doanh, hoạt động của bảo hiểm”, ông nhấn mạnh. 

Minh Quang

ADB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,4% năm 2024 và 6,6% năm 2025
Theo các chuyên gia từ ADB, hoạt động thương mại của Việt Nam mạnh hơn dự kiến, sản xuất chế biến chế tạo hàng xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, và việc tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài khóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, tổ chức này đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam.