|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tài sản của Quốc Cường Gia Lai còn lại gì?

12:27 | 07/08/2024
Chia sẻ
Áp lực trước mắt mà ban điều hành Quốc Cường Gia Lai đối mặt là phải có dòng tiền 2.883 tỷ để trả lại cho bà Trương Mỹ Lan khắc phục hậu quả trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, theo kết luận của Hội đồng xét xử tại bản án hình sự sơ thẩm.

Hoạt động kinh doanh của CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG) đang ở thời điểm cực kỳ khó khăn sau hàng loạt diễn biến tiêu cực nối tiếp nhau. Bà Nguyễn Thị Như Loan, cựu CEO QCG, đã bị bắt tạm giam với cáo buộc có dấu hiệu thông đồng với một số cá nhân để thâu tóm 100% vốn góp tại khu đất 39 - 39B Bến Vân Đồn từ Tập đoàn Cao su Việt Nam không qua đấu giá, gây thất thoát cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Hiện vụ án này vẫn đang được điều tra và chưa có kết luận cuối cùng.

Trước mắt, áp lực mà ban điều hành đối mặt là phải có dòng tiền 2.883 tỷ để trả lại cho bà Trương Mỹ Lan khắc phục hậu quả trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, theo kết luận của Hội đồng xét xử tại bản án hình sự sơ thẩm.

Ngoài số tiền lớn phải trả cho nhóm bà Lan, QCG còn phải trả bên thứ ba, bên liên quan hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, phải trả bên thứ ba hơn 790 tỷ đồng; mượn công ty Bất động sản Hiệp Phúc 272 tỷ đồng, mượn công ty Nhà Phạm Gia 153 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty còn phải trả hơn 20 tỷ đồng tiền đặt cọc cho CTCP Lyn Property (do bà Nguyễn Ngọc Huyền My làm Tổng Giám đốc) và khoảng 31 tỷ đồng tiền mượn 4 cá nhân (ông Lại Thế Hà - Chủ tịch HĐQT QCG, bà Lại Thị Hoàng Yến - con gái ông Hà, bà Nguyễn Thị Như Loan, bà Nguyễn Ngọc Huyền My - con gái bà Loan).

Tính đến hết tháng 6, tổng nợ phải trả của QCG gần 4.900 tỷ đồng, tập trung ở khoản mục phải trả khác với tổng giá trị 4.150 tỷ đồng.

Tiền đâu để QCG trả nợ?

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra hôm 30/07, ông Nguyễn Quốc Cường, CEO QCG, thông tin nguồn tiền để trả nợ cho nhóm bà Lan gồm xử lý tồn kho, dự án Marina Đà Nẵng và bán các nhà máy thủy điện còn lại.

Trong năm 2024 và 2025, công ty tập trung xử lý tồn kho của tất cả dự án, dự kiến dòng tiền thu về hơn 1.000 tỷ đồng. Trường hợp công ty vẫn gặp khó khăn trong việc xử lý hàng tồn kho hay bán hàng mới, công ty sẽ thoái vốn tại một số đơn vị.

Công ty đã công bố kế hoạch bán hai nhà máy thủy điện ở Gia Lai gồm Ia Grai 2 và Ayun Trung với tổng giá trị chuyển nhượng ước tính 615 tỷ đồng. Tuy nhiên, ban lãnh đạo vẫn đang cân nhắc các phương án thoái vốn từ những dự án bất động sản khác thay vì bán dự án thuỷ điện - nguồn thu chính của công ty.

Tính đến hết tháng 6, tổng tài sản của QCG tiếp tục đà giảm về gần 9.400 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn vẫn là tồn kho với hơn 7.000 tỷ đồng, tương đương 75% tổng tài sản. Số tiền này chủ yếu là bất động sản dở dang, bao gồm các khoản chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến dự án.

5 năm qua, BCTC của QCG không thuyết minh cụ thể giá trị tồn kho của từng dự án. Lần gần vào năm 2018, BCTC hợp nhất được PwC kiểm toán ghi nhận giá trị dở dang của khoảng 7 dự án (Phước Kiển, Lavida, De Capella, Sông Đà Riverside, Central Premium, Marina Đà Nẵng, Khu dân cư 6B) trên 7.000 tỷ. Riêng dự án Phước Kiển có giá trị dở dang trên 5.075 tỷ, tương đương 44,5% tổng giá trị tài sản.

Hiện trạng dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè. (Ảnh: Hải Quân).

Tài sản giá trị lớn còn lại của QCG được phân bổ ở tài sản cố định (hơn 1.000 tỷ), đầu tư vào hai công ty liên kết (khoảng 600 tỷ), phải thu (570 tỷ).

Trong đó, tài sản cố định bao gồm nhà cửa, vật kiến trúc (547 tỷ), cây lâu năm (309 tỷ), máy móc thiết bị (165 tỷ), phương tiện vận tải (42 tỷ). Các tài sản này đều đã được công ty thế chấp nhằm đảm bảo khoản vay 246 tỷ tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) chi nhánh Gia Lai. Khoản vay có lãi suất 8%/năm, mục đích là tài trợ cho hai dự án thủy điện Iagrai 1 và Ayun Trung, sẽ đáo hạn từ tháng 4 đến tháng 6/2029.

Sau khi hoàn tất thương vụ thoái hết vốn tại Quốc Cường Liên Á (đơn vị vận hành dự án Sài Gòn Plaza Tower ở số 24 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM) trong quý đầu năm nay, QCG còn hai công ty liên kết gồm Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phạm Gia (chủ đầu tư Khu dân cư 6B, huyện Bình Chánh), CTCP Bất động sản Hiệp Phúc (chủ đầu tư dự án Sông Đà Riverside ở TP Thủ Đức).

Ngoài ra, QCG còn sở hữu 14,9% vốn tại CTCP Bất động sản Sông Mã, đơn vị sở hữu quỹ đất dự án Phước Lộc - Nhà Bè.

 

 

Kết quả kinh doanh quý II của công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 27 tỷ đồng, được đóng góp chủ yếu từ doanh thu bán điện. Số liệu này giảm 41% so với cùng kỳ, cộng với việc kinh doanh dưới giá vốn, công ty lỗ ròng hơn 16 tỷ đồng, cuốn phăng số lãi ít ỏi ở quý đầu năm. Lũy kế 6 tháng, công ty lỗ ròng hơn 15 tỷ đồng.

CEO Nguyễn Quốc Cường giải trình kết quả kinh doanh giảm do thị trường bất động sản nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, thời điểm quý II chưa bước vào mùa mưa nên sản lượng điện khai thác còn thấp, cao su chỉ được đưa vào khai thác từ cuối tháng 5.

 

 

 

Nguyên Ngọc

Bức tranh kinh tế Hà Nội 8 tháng đầu năm: IIP tăng 5,4%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 40 tỷ USD
Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê TP Hà Nội, nền kinh tế thủ đô đã có những bước tiến đáng kể trong 8 tháng đầu năm nay. Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp ghi nhận tăng 0,1% so với tháng trước và 5,4% cùng kỳ, thu hút FDI vượt 71% so với năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 40 tỷ USD...