|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sàn thương mại điện tử Trung Quốc sắp vào Việt Nam 'đáng sợ' thế nào?

08:45 | 11/10/2024
Chia sẻ
Sự xuất hiện của Temu có làm thay đổi cục diện thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam? Câu hỏi để ngỏ dành cho những cái tên đang mấp mé bờ vực mất thị phần như Tiki và Lazada.

Temu đang trong quá trình mở rộng tại Đông Nam Á và dự kiến sàn thương mại điện tử này sẽ xuất hiện tại thị trường Việt Nam trong những tháng cuối năm. Ngoài ra, có những thông tin cho rằng Temu đang nhắm tới việc mua lại một sàn thương mại điện tử trong nước.

Trên thị trường quốc tế, Temu gây "chao đảo" khi tiến vào Mỹ với khẩu hiệu "mua sắm như tỷ phú". Sàn thương mại điện tử Trung Quốc này sử dụng chiến lược giá rẻ "tận cùng" bằng cách bán hàng trực tiếp ngay tại nhà máy sản xuất, ép các đối thủ phải chạy theo trong cuộc đua hạ giá.

Trong khi đó, thương mại điện tử Việt Nam vốn đã được phân chia với thị phần lớn thuộc về Shopee (Singapore) và hai cái tên còn lại là TikTok Shop cùng Lazada. Dù cạnh tranh gay gắt nhưng hiện tượng "cuộc đua xuống đáy" là điều chưa diễn ra.

Vậy liệu khi Temu vào Việt Nam có làm thay đổi cách chơi của các sàn đang hiện diện? Và sức mạnh "gã khổng lồ" thương mại điện tử Trung Quốc có thực sự đáng sợ như những gì được miêu tả trên truyền thông quốc tế?

Logo của Temu trên điện thoại di động với hậu cảnh là trang web của công ty. (Ảnh: Reuters).

Thâu tóm đối thủ nội địa

Thực tế, Temu chưa thực sự thâu tóm một công ty nào khác trong ngành. Có rất nhiều báo cáo rằng "ông lớn" thương mại điện tử giá rẻ Trung Quốc nhắm tới các đối thủ cùng trong lĩnh vực nhưng thay vì thâu tóm để tăng trưởng, Temu tập trung vào việc xây dựng nền tảng riêng và phát triển theo cách tự nhiên.

Chiến lược của hãng là cung cấp sản phẩm với giá cực kỳ thấp bằng cách loại bỏ các trung gian, sử dụng mô hình bán hàng trực tiếp từ nhà máy. Điều này đã giúp Temu thâm nhập vào 79 quốc gia và trở thành đối thủ mạnh mẽ ở các thị trường như Mỹ, châu Âu, Mỹ Latinh, và Đông Nam Á.

Temu phát triển danh tiếng dựa vào chiến dịch marketing mạnh mẽ, vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc, và chiến lược giá cạnh tranh cao để thách thức các gã khổng lồ thương mại điện tử như Amazon, eBay và những đối thủ khác.

Tuy nhiên có thể thời thế đã khác và Temu sẽ thay đổi chiến lược. Mới đây, trong một diễn biến gây chú ý trên thị trường chứng khoán Indonesia, cổ phiếu của công ty thương mại điện tử Bukalapak chứng kiến giao dịch lớn vào hôm 9/10 vừa qua, giữa những thông tin rằng sàn này có thể bị mua lại bởi Temu.

Có tới 9,83 tỷ cổ phiếu của Bukalapak đã được giao dịch với giá 120 rupiah/cp, tổng giá trị giao dịch lên tới khoảng 1.170 tỷ rupiah (77 triệu USD), tờ Jakarta Globe đưa tin.

Cổ phiếu của nền tảng thương mại điện tử Bukalapak "chạy" trước tin đồn được Temu mua lại. (Ảnh: Jakarta Globe).

Trước những tin đồn về việc Temu muốn thâu tóm Bukalapak, ban lãnh đạo công ty này đã khẳng định họ không biết về bất kỳ kế hoạch nào từ phía Temu. Cut Fika Lutfi, đại diện Bukalapak cho biết: "Công ty không biết thông tin nào về kế hoạch mua lại từ nền tảng thương mại điện tử Temu."

Vị này cũng nhấn mạnh rằng Bukalapak sẽ cung cấp thông tin minh bạch theo quy định nếu nhận được thông tin xác thực về kế hoạch mua lại. Trong khi đó, chính phủ Indonesia đang xem xét khả năng cấm Temu hoạt động tại nước này.

Tờ Jakarta Post cho biết, Chính phủ Indonesia đang lo ngại sự xuất hiện của nền tảng thương mại điện tử Temu, thuộc tập đoàn Pinduoduo của Trung Quốc, có thể gây hại cho các doanh nghiệp nhỏ trong nước.

Chiến lược "đại hạ giá"

Cơ quan chức năng Indonesia đã tổ chức cuộc họp liên bộ để thảo luận về việc ngăn chặn hoạt động của Temu, do mô hình kinh doanh của nền tảng này cho phép giao dịch trực tiếp với các nhà máy Trung Quốc, làm suy yếu vai trò của các nhà phân phối nội địa. Nền tảng này còn bị cáo buộc trợ giá không lành mạnh, gây khó khăn cho doanh nghiệp Indonesia, đặc biệt là ngành dệt may.

Chính phủ cam kết sẽ bảo vệ ngành công nghiệp địa phương bằng các rào cản phi thuế quan và thuế nhập khẩu nghiêm ngặt. Dù bị phản đối, Temu vẫn quyết tâm thâm nhập thị trường Indonesia, quốc gia có tiềm năng lớn với thị phần thương mại điện tử chiếm gần 47% khu vực Đông Nam Á.

Theo tờ The Guardian, những mặt hàng như tất hay dụng cụ nhà bếp được bán trên ứng dụng với mức giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Điểm khác biệt giữa Temu và Taobao - một dịch vụ mua sắm trực tuyến phổ biến khác từ Trung Quốc - là hầu hết các nhà cung cấp trên Temu đều là cửa hàng sản xuất trực tiếp bán hàng hóa sản xuất hàng loạt với mức giá thấp hơn trong khi Taobao chủ yếu là các doanh nghiệp độc lập.

Theo Jiayu Li - một chuyên gia tư vấn chính sách tại Global Counsel, thành công của Temu dựa vào việc cung cấp sản phẩm rẻ tiền không nhãn hiệu và liên tục gây áp lực lên người bán để giảm giá cả so với đối thủ cạnh tranh. Điều này gây bất lợi cho các nhà sản xuất vừa và nhỏ và có thể đặc biệt gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nhỏ ở Indonesia.

Năm 2023, Indonesia thắt chặt quy định thương mại điện tử nhằm đảm bảo tính công bằng và ngăn chặn bán phá giá, sau khi Tổng thống Joko Widodo kêu gọi giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Nền tảng Temu, với chính sách miễn phí vận chuyển và giảm giá sâu, bị coi là gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nội địa trong dài hạn.

Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu không kiểm soát tốt, Indonesia sẽ ngày càng phụ thuộc vào hàng giá rẻ từ nước ngoài. Dù gặp nhiều trở ngại, Temu có thể sẽ tìm cách vượt qua rào cản, như TikTok Shop đã làm khi hợp tác với Tokopedia để tuân thủ luật pháp Indonesia. Chính phủ cần có biện pháp bảo vệ ngành công nghiệp nội địa trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ các nền tảng nước ngoài như Temu.

Thay đổi cục diện tại Việt Nam

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt. Số liệu từ Metric - một đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu thương mại điện tử, cho thấy trong nửa đầu năm 2024, Shopee vẫn dẫn đầu với doanh thu hơn 18.000 tỷ đồng. TikTok Shop đang nổi lên mạnh mẽ, đạt gần 890 tỷ đồng, tăng 80% so với năm trước. Trong khi đó, các sàn Việt như Tiki và Sendo dần mất sức cạnh tranh.

Có thể thấy, Shopee và TikTok Shop đang chia nhau thị phần thứ nhất và thứ hai tại Việt Nam. Trong khi Lazada tiếp tục cho thấy sự cam kết hậu thuẫn mạnh mẽ từ Alibaba khi vừa được nhận thêm khoản vốn 230 triệu USD vào tháng 5 năm nay.

Trong cục diện này, Tiki là sàn thương mại điện tử nội địa duy nhất còn trụ vững nhưng cũng cho thấy dấu hiệu sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi Temu xuất hiện. 

 Tiki đang "nằm im" cho các kế hoạch tái cơ cấu. (Ảnh: Tiki).

Thực tế cho thấy mỗi khi có sự xuất hiện của sàn ngoại, Tiki đều bị giảm thị phần. Trước khi Shopee xuất hiện vào năm 2016, cuộc chiến giữa Lazada và Tiki là tâm điểm của thị trường. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hai năm, Shopee đã nhanh chóng đánh bại cả hai đối thủ này nhờ vào việc đầu tư mạnh tay vào khuyến mãi và miễn phí vận chuyển.

Sự xuất hiện của TikTok Shop vào giữa năm 2022 lại càng làm cho Tiki thêm phần khó khăn. Với thế mạnh livestream và nội dung giải trí hấp dẫn, TikTok Shop đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, khiến Tiki và Lazada ngày càng thụt lùi về thị phần.

Theo thống kê mới nhất, Shopee hiện chiếm tới 67,9% thị phần, trong khi Tiki chỉ còn lại 1,3%.

Giờ đây, Temu đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. Với mô hình kinh doanh cắt giảm trung gian và cung cấp sản phẩm trực tiếp từ các nhà máy Trung Quốc với giá rẻ bất ngờ, Temu có khả năng thu hút đông đảo người tiêu dùng Việt Nam vốn nhạy cảm với giá cả. Điều này khiến Tiki phải lo lắng về sự tồn tại của mình trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Thời gian qua, Tiki đã nỗ lực nâng cấp hệ thống kiểm duyệt gắt gao để đảm bảo chất lượng hàng hóa và cam kết giao hàng đúng hẹn. Tuy nhiên, những nỗ lực này có thể không đủ để giữ chân người tiêu dùng nếu Temu xuất hiện với mức giá hấp dẫn hơn cùng chính sách giao hàng nhanh chóng.

Ngoài ra, sự thiếu vắng chiến lược marketing mạnh mẽ để cạnh tranh với các đối thủ có thể khiến Tiki bị bỏ lại phía sau. Trong khi đó, các nền tảng như Shopee và TikTok Shop đã chứng minh sức mạnh của mình qua những chiến dịch quảng cáo rầm rộ và chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Dù sàn thương mại điện tử Việt đã khẳng định rằng họ không e ngại khi nhìn các đối thủ vượt lên, nhưng thực tế cho thấy sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn.

Theo dự báo từ các chuyên gia, doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm tới, nhưng liệu Tiki có thể giành lại vị thế của mình hay không vẫn là một câu hỏi để ngỏ.

Thành Vũ