|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PV Power có thể tiếp tục thoái vốn hai doanh nghiệp trong năm nay

20:00 | 13/03/2022
Chia sẻ
Báo cáo của Chứng khoán BSC cho biết năm 2022, PV Power có thể sẽ tiếp tục thoái vốn tại hai doanh nghiệp với tổng số vốn góp gần 350 tỷ đồng.

Theo báo cáo cập nhật của Chứng khoán BSC, năm 2022, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power - Mã: POW) nhiều khả năng tiếp tục thoái vốn tại một số đơn vị tại năm 2022. Trong 2021, POW đã thoái 19,9 triệu cổ phiếu, tương đương 51,6% cổ phần PVM, ghi nhận lãi 306 tỷ.

Năm nay, tổng công ty có thể sẽ tiếp tục thoái vốn trong CTCP Điện Việt Lào và CTCP Quốc tế EVN. Số vốn góp tại các đơn vị trên lần lượt là 320 tỷ và 28,8 tỷ đồng theo báo cáo tài chính quý IV/2021. 

Nguồn thu từ thoái vốn sẽ là nguồn tài chính bổ sung giúp PV Power đủ nguồn lực triển khai những công trình như Nhơn Trạch 3&4.

Về nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 (tổng công suất 1.500 MW) dự kiến khởi công trong quý I/2022 và bắt đầu vận hành trong 2024-2025. Đây là động lực tăng trưởng trong tương lai cho PV Power và cũng phù hợp với xu hướng chuyển từ điện than sang khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). 

PV Power đã thực hiện xong việc lựa chọn nhà thầu gói thầu EPC, và đang thực hiện đàm phán song song hợp đồng mua bán điện và mua bán khí.

Về công tác giải phóng mặt bằng, tổng công ty sẽ hoàn tất công tác đền bù và có trọn vẹn mặt bằng trong quý II/2022.

Mảng điện khí tiếp tục gặp khó

Chứng khoán BSC nhận định mảng điện khí của PV Power sẽ tiếp tục gặp khó khăn do sản lượng điện huy động giảm sút. 

Trong 2022, sản lượng các nhà máy điện khí được EVN huy động ước đạt 29,7 tỷ kWh (giảm 14,5%). Tính cạnh tranh giữa mảng điện khí cùng điện tái tạo tăng cao trong 2021, nhiều khả năng tiếp diễn trong 2022. 

Trong 2022, sản lượng các nhà máy điện tái tạo được EVN huy động ước đạt 35,6 tỷ kWh (tăng 52,5%). Tuy vậy, với nhu cầu tiêu thụ điện khả năng tăng mạnh, các nhà máy điện khí, với sản lượng tương đối ổn định so cùng điện tái tạo, có thể được huy động cao so cùng dự kiến phân bổ. 

Lượng điện sản xuất của Nhơn Trạch 1 tính tới cuối tháng 1 đạt 177,5 triệu kWh, bằng 300,8% công suất dự kiến được phân bổ của cả năm 2022. Điều này cho thấy triển vọng mảng điện khí của PV Power vẫn tiếp tục tích cực trong 2022, cùng kỳ vọng lượng điện bán hợp đồng tăng.

Báo cáo cho biết doanh thu mảng điện khí không còn chịu ảnh hưởng của việc giảm giá bán điện hợp đồng (PPA) của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2).

NT2 đã đàm phán xong với EVN về giá bán điện hợp đồng mới, theo đó giá bán sẽ giảm khoảng 35 đồng/kWh kể từ năm 2021. Điều này tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh của NT2, với lợi nhuận 2021 chỉ đạt 534 tỷ VNĐ (giảm 14,6%). 

Do ảnh hưởng của việc giảm giá trong năm 2022 không còn, góp phần giúp triển vọng của NT2 tích cực, cùng với việc sản lượng được huy động nhiều khả năng cải thiện (dự kiến được phân bổ 4,439 triệu kWh, tăng 5,6%).

PV Power có thể tiếp tục thoái vốn hai doanh nghiệp trong năm nay - Ảnh 2.

Ảnh: PV Power.

Bên cạnh đó, việc chênh lệch giá khí nhập từ mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt so với các mỏ khí khác khiến cho các nhà máy điện khí của PV Power kém cạnh tranh hơn trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM). 

Giá nhập khí từ mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt đạt mức 7 USD/MMBTU, cao hơn khoảng 20% so với trung bình các mỏ khí, tiếp tục làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà máy điện khí của POW trên thị trường CGM trong 2022. 

Giá dầu tiếp tục tăng, kéo theo giá khí đầu vào cũng tăng cao trong các tháng đầu 2022 (giá ghi nhận các nhà máy thuộc GENCO3 đạt mức 8,3 USD/MMBTU tại tháng 1, tăng 30,4% cùng kỳ), cũng góp phần làm giảm tính cạnh tranh, biết rằng mức trần giá điện CGM cho năm 2022 bằng 1,602.3 đồng/kWh (tăng 6,6%).

Theo kế hoạch, PV Power sẽ thực hiện sửa chữa các nhà máy, bao gồm đại tu nhà máy Cà Mau 1, trung tu 2 tổ máy thuộc nhà máy Nhơn Trạch 1 và tiểu tu đối với các nhà máy Cà Mau 2 và Nhơn Trạch 2.

Lượng điện sản xuất năm 2022 kỳ vọng sẽ tăng 4,1%, nhờ lượng điện hợp đồng cải thiện. Công việc đại tu và khắc phục sự cố tổ máy số 1 có khả năng kéo dài tới cuối quý III/2022. Tuy nhiên, BSC đánh giá sản lượng điện hợp đồng khả năng vẫn tích cực với việc nguồn cung ứng than ổn định từ TKV và TCT Đông Bắc và lượng huy động của nhiệt điện tăng thời điểm cuối chu kỳ La Nina.

PV Power có thể tiếp tục thoái vốn hai doanh nghiệp trong năm nay - Ảnh 3.

Về mảng thuỷ điện, báo cáo cho biết tổng công ty sẽ tiến hành đại tu tổ máy H1- H2 của nhà máy thủy điện Đakđrinh. Theo ước tính của BSC, việc đại tu tổ máy H1 chỉ làm giảm khoảng 6% sản lượng điện của thủy điện Hủa Na trong năm 2021 do tháng 7-8 là giai đoạn mùa khô nên sản lượng được phân bổ của nhà máy không cao. 

BSC cho rằng, kết quả mảng thủy điện của PV Power trong các quý tiếp theo sẽ kém thuận lợi do điều kiện thủy văn có thể bất ổn hơn thời điểm cuối chu kỳ La Nina. Do đó, dự phóng sản lượng thủy điện của PV Power trong năm 2022 sẽ đạt mức 1,095 triệu kWh (giảm 7,6%), và doanh thu đạt mức 1,197 tỷ VNĐ (giảm 1,2%).

PV Power có thể tiếp tục thoái vốn hai doanh nghiệp trong năm nay - Ảnh 4.

Năm 2022, BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của POW lần lượt đạt 28.413 tỷ (tăng 15,7%) và 2.539 tỷ (tăng 24,9%) với giả định lượng điện huy động của mảng nhiệt điện khí phục hồi; giá than tiếp tục được kỳ vọng ổn định tại mức thấp là tiền đề cho mức huy động khả quan của mảng điện than và lượng điện sản xuất của mảng thủy điện giảm do chu kỳ thủy văn không còn thuận lợi.

Trước đó, đầu tháng 2, lãnh đạo PV Power đã đề ra mục tiêu lợi nhuận năm 2022 thấp kỷ lục kể từ khi cổ phần hoá.

Cụ thể, PV Power đặt kế hoạch tổng doanh thu 24.242 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.012 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,4% và giảm 57% so với năm 2021. Tổng sản lượng điện dự kiến 13,9 tỷ kWh, giảm khoảng 5%.

Lãnh đạo PV Power nhận định năm 2022 dự kiến sẽ tiếp tục là một năm khó khăn thách thức đối với doanh nghiệp điện nói chung và PV Power nói riêng. 

Hoàng Kiều